Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khi phát biểu tại Hội thảo triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo được tổ chức ngày 22/9.
Chuẩn bị nguồn nhân lực của nhân lực
Thứ trưởng mong muốn, thời gian tới, các thầy cô tiếp tục đóng góp cho khung đề cương chính sách để từng bước hoàn thiện dự thảo Luật. Khi đã đạt đến phiên bản nhất định sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi trên toàn quốc.
Khẳng định, nhà giáo có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, là nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục và đào tạo; Thứ trưởng trao đổi, trong nhiều thảo luận khác về Luật Viên chức, Luật Công chức, chúng ta nói nhà giáo có nhiều đặc thù nhưng phải làm nổi bật đặc thù đó khác với các ngành khác như thế nào.
Đó không chỉ là kiến thức, sử dụng kiến thức để dạy học mà còn dùng nhân cách, đạo đức, phẩm chất để giáo dục con người. Giáo dục và đào tạo là đào tạo trực tiếp tới con người.
Theo Thứ trưởng, quan tâm xây dựng Luật Nhà giáo, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo chính là chuẩn bị nguồn nhân lực của nhân lực. Đảng và Nhà nước xác định, ba trụ cột quan trọng để phát triển đất nước là: xây dựng thể chế; phát triển hạ tầng, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông; đào tạo nguồn nhân lực.
“Vậy, nguồn nhân lực là do ai đào tạo, chính là đội ngũ nhà giáo” – Thứ trưởng đặt vấn đề và nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách chăm lo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Hiện, có khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật tác động tới đội ngũ này. Điều đó vừa thể hiện sự quan tâm xuyên suốt của các cấp, các ngành, đặc biệt là của Đảng, Nhà nước đối với nhà giáo; song cũng thể hiện chưa có văn bản đủ tầm thống nhất và còn chồng chéo giữa một số văn bản. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng Luật Nhà giáo.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Phải tiên lượng, dự báo được nguồn lực
Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi như: sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo; quan điểm xây dựng luật. Ngoài ra, việc xây dựng luật phải kiến tạo được môi trường phát triển và không tạo thêm những quy định, áp lực, khó khăn cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Cùng với đó, Luật phải tháo gỡ được những “nút thắt” lâu nay của nhà giáo và tạo nên đột phá mới.
Nhấn mạnh, làm công việc gì cũng phải dự báo và xác định những thách thức; Thứ trưởng nhìn nhận, xây dựng Luật Nhà giáo là luật mới, đối tượng tác động lớn. Ngoài ra, hiện có nhiều chính sách đan xen và tác động như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Công chức, Luật Viên chức... Do đó, sẽ nhiều khó khăn, thách thức và khối lượng công việc lớn.
Cũng theo Thứ trưởng, phải tiên lượng, dự báo được nguồn lực để thực hiện chính sách. Khi luật được ban hành, nguồn lực của Nhà nước có đảm bảo thực hiện chính sách đó không và tác động trước mắt, lâu dài như thế nào.
Bên cạnh những khó khăn, Thứ trưởng nhìn nhận có nhiều thuận lợi trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.
Thứ nhất, sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, là vị thế, công việc của nhà giáo ngày càng được khẳng định;
Thứ ba, là quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sự đồng lòng, đồng thuận ủng hộ của các đồng chí nguyên lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt, toàn thể đội ngũ trong ngành Giáo dục hết sức phấn khởi, háo hức, mong chờ luật này.
Thứ tư, chúng ta đã có những bước chuẩn bị từ trước.
Nhấn mạnh, một số nhiệm vụ trọng tâm cần làm trong thời gian tới; Thứ trưởng trao đổi:
Một là, phải tổng kết, rà soát các văn bản, các quy định của Đảng, Nhà nước về đội ngũ nhà giáo để tạo nên sự thống nhất, không chồng chéo, không trùng lặp, cái gì ưu điểm thì phát huy, cái gì còn khoảng trống, chưa rõ hoặc chưa đảm bảo nguyên tắc thì phải rà soát cho kỹ.
Hai là, phải xác định những bất cập để khắc phục. Bất cập đó là gì, nội dung nào?
Ba là, phải tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo, nhân dân và những người chịu sự tác động của luật, kể cả học sinh, sinh viên.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông.
Theo Thứ trưởng, việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo là trách nhiệm của các sở GD&ĐT và không tổ chức qua loa, đại khái. Xây dựng Luật Nhà giáo là công việc trọng tâm của toàn ngành trong năm nay và năm 2024. Khi chúng ta huy động trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý thì chất lượng Luật sẽ tốt.
Các chuyên gia, nhà khoa học và hơn 300 đại biểu tham dự Hội thảo. |
Cần nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng
Trước đó, chiều 21/9, từ hơn 300 đại biểu tham dự Hội thảo, Ban tổ chức đã thành lập 7 nhóm để nghiên cứu, thảo luận về một số nội dung cơ bản trong Khung đề cương Luật Nhà giáo.
Chia sẻ về kết quả làm việc nhóm, ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, các nhóm đều khẳng định, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.
Việc xây dựng Luật Nhà giáo phải đảm bảo tháo gỡ được các vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo mà địa phương đang gặp phải. Quy định Luật Nhà giáo độc lập với Luật Viên chức và cần tăng cường vai trò quản lý trực tiếp của ngành Giáo dục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo.
Ngoài ra, các nhóm cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nghiên cứu các luật có liên quan như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Viên chức… để đảm bảo tính thống nhất. Đồng thời, bổ sung thêm đối tượng cán bộ quản lý giáo dục gồm: cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT trong khái niệm nhà giáo.
Bên cạnh đó, việc tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cần theo định hướng của cơ quan quản lý. Mặt khác, các nhóm cũng đề xuất, bổ sung thêm quyền của nhà giáo trong việc dạy thêm.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên nên tiếp tục theo hạng chức danh nghề nghiệp, không thay đổi quy định theo cách: giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp.
Ngoài xem xét lại sự cần thiết của việc cấp giấy phép nghề nghiệp nhà giáo, tránh việc phát sinh chứng chỉ, các nhóm cũng đề nghị bổ sung quy định về điều động nhà giáo và thời gian giáo viên được chuyển lại sau khi luân chuyển, điều động; quy định về chế độ, chính sách đối với nhà giáo giỏi được điều động, luân chuyển, biệt phái về Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT.
Cùng với đó, quy định rõ khoảng cách địa lý giữa các trường khi giáo viên được phân công dạy liên trường. Bổ sung các chính sách đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo khi nhà giáo hợp đồng đã nghỉ hưu nhưng có nguyện vọng tiếp tục giảng dạy.
Thứ trưởng đề nghị, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, cần phối hợp tốt giữa “5 nhà”: Nhà quản lý gồm: Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan; nhà khoa học, chuyên gia; nhà đào tạo, gồm cơ sở đào tạo; nhà sử dụng là sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục; nhà thụ hưởng gồm: nhà giáo và học sinh sinh viên.