Tháo gỡ cho đào tạo từ xa trình độ đại học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ông Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ quan điểm về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Giúp người dân dễ dàng tiếp cận hệ thống giáo dục

Để thấy rõ những khó khăn, bất cập và vướng mắc trong đào tạo từ xa trình độ đại học, cần xem xét lại mục tiêu đào tạo từ xa trình độ đại học và nhu cầu học trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ điều này, theo ông Trương Tiến Tùng, đào tạo từ xa nói chung nhằm xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ, mọi lứa tuổi và đúng lúc người dân cần. Bản chất của đào tạo từ xa là giúp người dân nâng cao năng lực tự học có hướng dẫn, giám sát.

Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở. Vậy đào tạo từ xa giúp người dân dễ dàng tiếp cận hệ thống giáo dục. Không bỏ ai lại phía sau khi có nhu cầu học tập mà không có điều kiện đến trường.

Đào tạo từ xa còn đáp ứng nhu cầu cá nhân về học tập của người dân; là công cụ hỗ trợ cho hệ thống giáo dục khi đất nước gặp nguy cơ (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh). Đây cũng chính hệ thống hỗ trợ giáo dục chính quy (giáo dục kết hợp - Blended).

Một điều được ông Trương Tiến Tùng nhấn mạnh là đào tạo từ xa nói chung và đào tạo từ xa bậc đại học nói riêng thực hiện được triết lý cần gì học nấy (nói cách khác là học theo năng lực), điều mà hệ thống giáo dục đang hướng tới. Với những người có trí thức, khi môi trường đào tạo trong nước không đáp ứng, họ sẵn sàng tham gia học tập các chương trình từ xa của nước ngoài.

Như vậy, chính sách cần hỗ trợ người dân tham gia học tập chứ không nên tạo rào cản hành chính, ví dụ như phân chỉ tiêu về địa phương.

“Mối lo về chất lượng, cá nhân tôi cho rằng, với sự cạnh tranh hiện nay, không cơ sở giáo dục nào đánh đổi chất lượng để hủy hoại phát triển bền vững.

Thực tế đào tạo từ xa bậc đại học cho thấy: Tỷ lệ đầu vào/đầu ra là 47%, như vậy đào tạo từ xa thật sự theo hình chóp. Số người đã có bằng cấp (thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ) tham gia học tập ngày càng tăng. Số người lớn tuổi (đặc biệt là sau 60 tuổi) tham gia học tập cũng tăng dần.

Những thống kê này cho thấy chủ Trương của Đảng và Chính phủ thúc đẩy việc hình thành xã hội học tập là đúng đắn và được người dân nhiệt tình hưởng ứng”, ông Trương Tiến Tùng cho hay.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Dự thảo quy chế đào tạo từ xa: Hỗ trợ nhiều cho người học

Hiện Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Theo nhận định của ông Trương Tiến Tùng, về cơ bản dự thảo đã quy định rõ việc thực hiện đào tạo từ xa và hỗ trợ nhiều cho người học cũng như về quản lý chất lượng.

Tuy nhiên, ông bày tỏ còn băn khoăn với thuật ngữ liên kết và trạm đào tạo, được sử dụng trong Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT năm 2017 ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học với lý giải:

Xét về góc độ quản lý tài chính, trạm là thành tố thuộc trường (do trường thuê (theo tiêu chuẩn quy định) đặt tại địa phương nơi có đông sinh viên tham gia học tập. Nên học phí (là ngân sách đối với trường công lập) 100% thu về trường, sau đó chi cho các hoạt động phục vụ đào tạo minh bạch trong quản lý khi kiểm toán. Nếu liên kết thì đơn vị liên kết sẽ giữ lại một phần học phí theo tỷ lệ (phần này được coi là nguồn ngân sách cho địa phương). Điều này khó cho quản lý tài chính khi kiểm toán và địa phương sẽ phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh (đi ngược lại xu hướng mở vì phần lớn những người học từ xa là đã có việc làm.

Nếu là liên kết (đào tạo vừa làm vừa học) sẽ quản lý hành chính theo dạng đào tạo tập trung chứ không phải tự học và học qua mạng. Nhu cầu cá nhân hóa sẽ khó khăn. Ví dụ, tại tỉnh A chỉ có 1 sinh viên theo học 1 ngành thì sẽ không tổ chức đào tạo được vì chi phí bộ máy quản lý quá cao). Điều này là khác biệt quan trọng.

Riêng với quy định về đào tạo sư phạm, y dược, ông Trương Tiến Tùng cho rằng: Đây là những ngành đặc thù, có liên quan đến con người và cũng là những ngành đòi hỏi kỹ năng tay nghề đặc biệt (cần được thực tập tại trường học, bệnh viện và phòng thí nghiệm chuyên ngành). Do đặc thù như vậy nên những ngành này nếu đào tạo từ xa thì cần kết hợp với các cơ sở (bệnh viện, trường học) để cho các sinh viên có thể thực tập, tốt nhất là sinh viên làm việc tại các cơ sở đúng ngành đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ