Làm sao có 1 triệu nhà ở xã hội?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp sáng 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án đầu tư để từ nay đến năm 2030 có ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Để đạt mục tiêu này có nhiều việc phải làm, trước hết là tháo gỡ vướng mắc pháp lý hiện tại để tăng nguồn cung.

Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không triển khai được các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là do vướng mắc pháp lý, đặc biệt ở khâu thủ tục. Cụ thể, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài.

Ví dụ: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để được miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về điều kiện…

Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tuy có nhưng chưa đủ hấp dẫn. Ví dụ như lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua thì lợi nhuận không được quá 15% tổng chi phí đầu tư.

Một số ưu đãi khác thì không thực chất nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Chẳng hạn, quy định miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế… thì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng.

Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật thì không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Hoặc ưu đãi thuế đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chỉ để cho thuê không thực hiện được do pháp luật về thuế không có quy định.

Ngoài ra, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội để cho thuê.

Như vậy, trước mắt, cần giảm các thủ tục hành chính phức tạp để các chủ đầu tư có thể thực hiện nhanh dự án, qua đó tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp (như quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước…) và tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ