Thành người

GD&TĐ - Hôm đó, Phượng ở miền Nam ra chơi, chúng tôi đến thăm thầy Nhân, thầy dạy Toán và chủ nhiệm chúng tôi ba năm ở Trường cấp ba Hải Thanh gần 50 năm trước.

Thành người

Tôi nhớ hồi đó lớp có gần 50 bạn từ bốn thôn của xã Hạnh Đức và một số đơn vị sơ tán về xã trong chiến tranh. Giờ học đầu tiên ở cấp 3 là giờ Toán, chả ai bảo ai mà cả lớp đến khá sớm, còn hơn chục phút nữa mới đến giờ mà mọi người đã nghiêm trang ở chỗ ngồi, cứ tự chọn chỗ thôi.

Thằng Quân, nhảy lên bục giáo viên nói to: “Chúng mình làm quen với nhau đi. Tớ là Quân ở thôn Đông. Một số bạn biết rồi”. Thấy mọi người có vẻ chú ý, Quân nói tiếp: “Đầu tiên tớ muốn nói là nhà tớ có con chó rất dữ. Nếu bạn vào thấy nó xồ ra thì cứ ngồi xuống là nó không cắn. Tại sao bạn ngồi xuống thì nó không cắn? Là vì nó tưởng bạn là con chó to hơn nó nên nó sợ, thế thôi”. Cả lớp cười vang. Vừa lúc đó thì trống vào lớp, thầy nhanh nhẹn bước vào.

- Chào các em! Tôi là Nhân, dạy Toán và chủ nhiệm lớp ta.

Nhìn thầy dong dỏng, rất dáng “thầy giáo”, tự nhiên tôi nghĩ ngay là thầy dạy hay lắm đây. Có lẽ vì trông thầy cũng manh mảnh, răng cũng đen đen (chắc vì hút thuốc nhiều) giống thầy Phiên dạy Toán chúng tôi ở cấp hai.

- Tôi rất vui được chủ nhiệm lớp ta, lớp tập trung các em từ Hạnh Đức, một xã có truyền thống hiếu học. Các em có biết tên Hạnh Đức có từ bao giờ không?

Cả lớp ngơ ngác. Thì đẻ ở đó, lớn lên ở đó mà mấy ai đã để tâm tìm hiểu đâu, sách vở cũng chả có mà đọc. Thầy nhẹ nhàng nói tiếp:

- Hạnh Đức là một xã cổ, được đặt tên bởi chính Đức Lý Thái Tổ từ ngày 10/2 năm Mậu Thìn, Thuận Thiên thứ 19. Vậy nên hội làng là ngày 10/2 âm lịch hàng năm chắc các em biết.

Cả lớp ồ, à thích thú, có bạn reo lên “hay quá ạ”, có bạn vỗ tay. Thầy ra hiệu trật tự rồi nói: “Các em lưu ý không làm mất trật tự ảnh hưởng lớp bên cạnh”. Rồi thầy nói tiếp:

- Hạnh Đức thời nào cũng có người đỗ đạt, gánh vác trọng trách của xóm làng, đất nước. Lại có người đỗ hai bằng tiến sĩ của Pháp khi mới 22 - 23 tuổi khiến người Pháp rất khâm phục và nhiều nhà văn hóa, quân sự có tiếng khác. Tôi được biết thế hệ trẻ Hạnh Đức bây giờ phát huy rất tốt truyền thống của cha ông. Các em rất thông minh, lúc nãy em gì kể chuyện con chó dữ nhà mình thật dí dỏm, cũng logic đấy.

Cả lớp lại ồn ào, người thì bảo thầy kể tiếp đi, người thì xuýt xoa sao thầy dạy Toán mà lại rành lịch sử xã mình thế, nhiều đứa nhìn xuống Quân đang đỏ mặt ngượng ngùng… Thầy phải nhắc: “Các em lại quên là hai bên lớp ta đều đang có lớp học rồi.

Tôi nói thế không phải phê bình bạn ấy mà muốn nói tuổi trẻ phải dám tìm tòi, giải thích các sự vật một cách logic mà Toán đòi hỏi tính logic cao. Tôi tin bạn ấy và nhiều bạn lớp ta sẽ học giỏi Toán. Bây giờ chúng ta bắt đầu học Toán nhé”.

Cả lớp im phăng phắc nghe “bài học đầu tiên” của thầy. Vốn thích Toán, lại được nghe những câu chuyện, cách lý giải thú vị, tôi hào hứng dõi theo từng lời nói, cử chỉ của thầy. Sau khi “chúng ta bắt đầu học Toán nhé”, thầy cầm phấn bước ra chính giữa cái bảng dài, kẻ đôi bảng thành hai phần bằng nhau.

Chữ “Chương” được thầy viết bằng chữ thường nhưng tên chương thì được dùng kiểu in hoa và đóng khung hình chữ nhật vuông vắn, cân giữa. Dưới chương là tiết được viết bằng chữ nghiêng, ký hiệu tiết (sau này có lúc giảng bài tôi hay gọi là con tôm) thầy ngoặc hai cái ngoặc ngược chiều mềm mại, cân đối rất đẹp. Dưới tiết là nội dung lớn đánh số La Mã thụt vào chút, dùng chữ in thường, đứng.

Dưới nữa là nội dung nhỏ hơn đánh số thường, viết chữ thường, cũng thụt vào chút nữa. Bây giờ dùng máy tính làm các động tác này ngon ơ chứ gần 50 năm trước vừa viết, vừa ước lượng bằng mắt để ra cái bảng đẹp như vậy chả phải ai cũng chú ý và làm được đâu.

Cảm giác ban đầu của tôi không nhầm, thầy giảng bài rất giản dị, không lên gân lên cốt mà hấp dẫn ở sự chính xác, logic, ngôn ngữ vừa đủ, lôi cuốn học sinh. Thầy hay đặt câu hỏi, rồi gợi ý cho mọi người tranh luận tìm ra lời giải. Thầy thường nhấn mạnh, việc học phương pháp chứ không nên rập khuôn. Dạy Toán nhưng thầy hay dùng từ đẹp: Một hình vẽ đẹp, một lời giải đẹp, một cách tư duy đẹp, rồi “cái đẹp cứu rỗi nhân loại các em ạ”.

Thầy cũng rất hóm hỉnh, khi học hình học không gian, thầy vừa cười vừa nói “hôm nay học hình học không gian, vậy nhưng không phải trước đây chúng ta học hình học gian đâu nhé”. Những bài hình học không gian thầy vẽ cẩn thận trên bảng, có khi bao dữ liệu với 4 - 5 câu chứng minh mà hình không rối, khi hết giờ trực nhật xóa bảng cứ tiếc hùi hụi.

Lúc đó, tôi học Toán thấy dễ lắm, đặc biệt là hình học không gian, có lúc thầy vẽ xong hình đã nghĩ ra cách làm rồi. Cứ từ yêu cầu chứng minh để đặt ra quy trình: Muốn có A thì phải có B, muốn có B thì phải có C, muốn có C thì phải có D… thành thử chốt là tìm được/chứng minh được D là xong. Cái cách tư duy đó được tôi áp dụng rất hiệu quả trong nhiều việc. Bây giờ bao nhiêu sin, cosin, tang, cotang, rồi bất đẳng thức Cosi,

Bunhiacopxki… bay sạch đâu mất rồi nhưng cách tư duy logic, hệ thống của thầy và bao dấu ấn đẹp về thầy đã khắc sâu trong tôi. Một cách tự nhiên, sau này tôi đã bắt chước thầy khá nhiều khi đứng lớp.

Khi sửa Luật Giáo dục năm 2005, có ý kiến rằng bây giờ công việc của giáo viên được hỗ trợ bởi nhiều công cụ hiện đại thì vai trò của người thầy giảm đi?! Lại có quan điểm rằng, giáo viên luôn giữ vai trò quyết định, bởi sự mô phạm, tình thương yêu học sinh của người thầy không thể có máy móc nào thay được, tôi rất ủng hộ quan điểm này, lúc đó tôi đã nghĩ đến thầy.

Tôi chưa thấy thầy quát ai bao giờ nhưng những đứa nghịch như Quân, rồi Trang ở phố Trần Hưng Đạo mới chuyển về lớp, đầy cá tính cũng hoàn toàn bị thầy chinh phục. Còn tôi, Phượng, Đào, Quang… cùng học với nhau từ cấp hai, cùng thích Toán thì như “rồng gặp nước”. Biết chúng tôi đi học xa vất vả, thầy khuyên nên đi cùng nhau thành nhóm, vừa vui, vừa hỗ trợ nhau khi cần…

Chúng tôi ra trường mỗi đứa mỗi nơi, không gặp được thầy thường xuyên, vậy mà khi gặp thầy vẫn nhớ “lớp ta có hai Bình, Thanh Bình và Tất Bình”. Có lần kỷ niệm trường, tôi thấy nhiều trò cũ của thầy rất hào hứng được đứng cạnh thầy chụp ảnh, nhiều trò tóc đã bạc phơ, có trò là Anh hùng lực lượng vũ trang, có trò là nhà văn, là cán bộ cấp cao, là doanh nhân thành đạt…

Khi về hưu, xem lại học bạ lớp 9, tôi cứ đọc đi đọc lại nhận xét của thầy chỉ vài dòng thôi, với những con chữ chân phương, vừa động viên, vừa nhắc nhở, càng cảm phục và biết ơn thầy. Thầy viết: “Có tinh thần phấn đấu, tu dưỡng mạnh mẽ. Quan hệ bạn bè, thầy cô tốt. Lao động tốt. Học khá đều các môn, có tiến bộ nhiều về môn Toán. Ham học, hăng hái phát biểu ý kiến trong lớp. Thái độ học tập tốt nhưng còn hay đùa nghịch. Có khả năng học tốt hơn nữa”.

Thầy đã chuyển sang nhà mới, ngôi nhà giản dị, duy nhất không là cửa hàng trong cả dãy phố. Gian ngoài kê mấy bộ bàn ghế, tấm bảng mi-ca, gian trong là phòng khách với giá sách lớn, nhiều cuốn in bằng giấy đen, chắc từ thập kỷ 60 thế kỷ trước, vài tấm thư pháp, khung ảnh kỷ niệm chụp với các lớp học sinh và một lọ hoa tươi nhỏ.

Phượng học xong cấp 3 thì vào Nam theo bố mẹ, hơn 40 năm mới gặp lại mà thầy vẫn nhớ đầy đủ họ tên, hai thầy trò đều cảm động. Thầy tâm sự: “Gặp lại các em, thầy vui lắm. Nhớ hồi đi chùa Thầy, lần đầu cả lớp rồng rắn mấy chục cái xe đạp, đến nơi thì trèo núi, chui hang, lại còn qua đêm nữa chứ. Trò thì hớn hở, thầy thì lo cả đêm chả ngủ được…”.

Chúng tôi nghe thầy thủ thỉ, chân tình cảm thấy ấm áp như nghe một người cha. Nhớ lại cái thời “nhất quỷ nhì ma”, hồn nhiên, vô tư đâu có biết thầy bao đêm suy tư chỉn chu từng bài giảng, bài chấm cho cả lớp, trăn trở cách giáo dục phù hợp đối với từng học sinh có cá tính…

***

Chúng tôi chào thầy Nhân ra về, chợt nhìn sang bên kia đường, trong một cửa hàng bán đồ vệ sinh có một người trông quen quen. Phượng bảo “hình như thầy Tảo”, thầy dạy Văn chúng tôi một học kỳ lớp 9. Vì không biết thầy ở đây nên chúng tôi không có dự định thăm thầy Tảo, tuy vậy, mai Phượng lại về Nam nên tôi bảo Phượng cùng sang chào thầy luôn.

Thầy Tảo tuổi cũng gần như thầy Nhân, nghe nói cũng về trường một đợt với thầy Nhân. Thầy người to béo, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, thầy dạy Văn nhưng nghe nói thầy tính toán cuộc sống rất giỏi. So với các thầy cô lúc đó thì nhà thầy đàng hoàng hơn cả.

Lúc đó, đa số còn ở nhà cửa xuềnh xoàng lắm, vậy mà thầy đã tìm cách xoay bằng được mảnh đất vuông vắn, làm cái nhà ngay mặt đường. Ngoài việc đi dạy, thầy và gia đình còn làm thêm nghề may. Thầy bảo làm may “sang hơn” trồng rau, nuôi lợn như thầy cô khác. Thoạt đầu là may đo nhưng nghe đâu hay “lây ống”, “hỏm bò” nên mất khách phải chuyển sang làm hàng chợ bán.

Thầy nổi tiếng cắt hàng tiết kiệm vải. Có mẫu nào mới, bán chạy là thầy mua về, tháo ra, lấy từng bộ phận áp lên tấm bìa cứng rồi cắt bìa ra làm mẫu. Rồi thầy rải vải, đặt các mẫu thân, cổ, tay, túi… và các bộ phận khác bằng bìa lên sao cho kín mặt vải, cắt đủ các bộ phận của áo, quần mà số mụn vải bỏ đi là tối thiểu. Người ta cắt cái áo hết hai mét thì thầy cắt chỉ hết mét tám.

Tất nhiên kích thước thì đủ nhưng miếng dọc, miếng ngang, miếng chéo ráp vào về giặt một hai lần là xộc xệch, lạc màu ngay. Có một giai thoại về việc tính giỏi của thầy như sau: Năm ấy, thầy đi chợ mua quất chơi Tết. Có một cây quất quả to, đẹp nhưng chả có dáng gì, nhiều người giả một đồng rưỡi nhưng người bán cứ đòi hai đồng. Thầy đứng ngắm một lúc rồi quyết mua luôn. Mang về bị vợ chê ỏng chê eo, thầy cười nói là “người đời đúng là biết một mà chẳng biết hai”.

Thấy vợ vẫn không hiểu, thầy hào hứng nói: “Tôi đã đếm được cây này có 147 quả, bình quân khoảng 80 quả là một kg. Mua quất về ngâm đường cũng phải mất hơn một đồng một kg. Như vậy riêng tiền quả đã được hơn hai đồng rồi. Mua dây thép để gá lại tạo dáng chỉ mất một hào. Chơi Tết thoải mái xong vẫn lãi. Mấy tay kia thiển cận quá, sao tính được như mình”.

Buổi đầu vào lớp, thầy tuyên bố: “Tính tôi thích cưa đứt, đục suốt. Em nào đi muộn, nói chuyện riêng, quên làm bài một lần là nhận điểm 1 hệ số một, hai lần là điểm 1 hệ số hai, ba lần là điểm 1 thi học kỳ, cứ thế, không oong-đơ gì cả”.

Vào lớp thầy cứ ngửa mặt lên trời đọc cho chép lia lịa, khi kiểm tra cứ tua lại đúng phần đã chép là ăn điểm. Nhiều khi nhớ thầy Nam dạy Văn lớp 7 với giọng đọc thơ khi thì hùng hồn, lúc thì thiết tha, những cảnh đẹp của quê hương đất nước, những con người với bao số phận khắc sâu trong tâm trí, lay động tâm hồn…

Mỗi khi chuẩn bị có thanh tra, thầy dày công “bày binh, bố trận” từ dạy trước bài, ra câu hỏi, đọc cho chép câu trả lời và thỏa thuận với lớp “khi thầy hỏi thì cả lớp phải giơ tay, em nào thuộc thì giơ tay thẳng, em nào không thuộc thì giơ tay gập một ngón tay để thanh tra nhìn cho đẹp còn tôi gọi trúng em đã thuộc. Nghe chửa”.

Có lần thằng Trung đá cầu trong giờ ra chơi vô ý trúng mắt thầy, thầy đã kê ra mấy lọ thuốc đau mắt, rồi thuốc kháng sinh, vitamin A bắt nhà Trung phải đền không thì sẽ “đề nghị đuổi học”. Bọn cái Thanh, cái Xuân chép chuyền tay nhau bài thơ “Lính mà em” và “Hai sắc hoa ty-gôn” bị thầy bắt được chả khốn khổ vì kiểm điểm mãi mới xong. May mà chúng tôi chỉ phải một kỳ “cưa đứt đục suốt” cùng thầy thôi.

Chúng tôi đỗ xe trước cửa hàng bán đồ vệ sinh, đúng thầy Tảo rồi. Tuy thầy có đẫy ra, tóc đã rụng nhiều nhưng cái mụn thịt to như đốt ngón tay trên trán lúc nào cũng đỏ thì vẫn thế, đôi mắt luôn đảo đi đảo lại thì vẫn thế.

Xung quanh thầy rất nhiều xí xổm, xí bệt, lavabo, vòi hoa sen các kiểu… Sâu bên trong là phòng khách nhiều đồ đạc trông rất đắt tiền. Thấy có xe đỗ trước cửa hàng, thầy hướng vào trong cất tiếng: “Có khách này”, giọng vẫn vang, oai vệ như xưa. Chúng tôi xuống xe cùng: “Em chào thầy ạ”. Thầy gỡ kính lão ra hỏi: “Anh chị là ai”.

Tôi thưa là học sinh cũ niên khóa 72 - 75 Trường cấp 3 Hải Thanh, “có được học thầy một học kỳ, thầy có nhớ không ạ”. Thầy buông một câu thật tự nhiên: “Tôi nhớ các anh làm chó gì”. Vẫn biết nhiều bậc trí thức nói thô mà không thô nhưng quả thật nghe câu này của thầy Tảo thì tôi thấy ngượng quá.

Dường như thấy câu đùa (hay thật?) của mình khiến chúng tôi lúng túng, thầy nói tiếp: “Lâu quá rồi. Chả nhớ, chả nhớ. Mà học năm đó thì cũng đến tuổi hưu rồi còn gì”. Chúng tôi: “Vâng ạ! Thầy có khỏe không ạ”. Thầy cười hơ hơ nói: “Em nhìn tôi thì biết. Ngoài tám mươi rồi mà trộm vía, tứ khoái tôi chưa bỏ gì đâu”. Lại cười hơ hơ, rồi hỏi: “Thế trước khi về hưu làm gì”.

Phượng nhanh nhảu nói bạn Bình cũng dạy học ạ. Thầy hỏi: “Thế dạy Toán hay dạy Văn”. Chưa kịp trả lời thì thầy nói luôn: “Dạy Toán như thầy Nhân thì chán chết. Toán mà chả biết tính toán bằng một phần đứa dạy Văn như tôi. Ông ấy ở đối diện nhà tôi đấy. Mặt đường rõ đẹp mà chả biết kinh doanh ra tiền”.

Vẫn sang sảng như lúc ngửa mặt đọc cho chúng tôi chép lia lịa trước kia, thầy tiếp: “Tôi mà cứ dựa vào đồng lương còm nghề giáo thì đâu có tự tin được thế này. Tôi chả dại làm giáo Thứ đâu. Văn phải là cuộc sống. Văn suông là một thứ xa xỉ chỉ có ở tiểu thuyết thôi. Tôi phải lăn lộn, tính toán đủ kiểu ấy chứ. Văn là người mà”.

Hình như chả để ý đến việc chúng tôi có nghe không, thầy tiếp tục say sưa: “Mà tính toán phải có căn cứ khoa học, ngay từ lúc mọi người còn đói, chỉ nghĩ đến đầu vào thì tôi đã nghĩ đến đầu ra. Đầu vào và đầu ra là hai mặt đối lập, là hai món trong tứ khoái cơ mà. Có lần ngồi trên cầu tõm, tôi cứ băn khoăn chả nhẽ thế này mãi.

Tôi sớm kinh doanh và có duyên với đồ vệ sinh là như thế. Có đứa đố kỵ bảo tôi thành người nhờ đồ vệ sinh. Tôi không tự ái và tôi có tiền. Chỉ có mỗi cái tôi tính kỹ rồi mà vẫn hỏng là người ta sửa quy hoạch giao thông lấy mất ngôi nhà mặt đường xưa của tôi nên phải thuê cửa hàng này, vừa ở vừa kinh doanh. Đâu có may như ông Nhân bỗng dưng Nhà nước mở đường nên đang trong ngõ lại được nhảy ngay ra mặt đường”. Rồi thầy cười hơ, hơ… giòn tan.

***

Đã ngoài 80, thầy Nhân vẫn nhỏ nhẹ, giản dị như xưa. Mấy cái bàn ghế gian nhà ngoài của thầy là nơi thầy dạy kèm cho một số học sinh yếu và phụ đạo cho một số học sinh khá con cháu bạn bè và con cháu học trò cũ. Thầy bảo dạy cho vui, cho khỏi nhớ nghề, dạy không thu học phí, không nhận chút thù lao nào.

Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, thầy hóm hỉnh: “Thầy dạy là thầy được vì thầy được tự do làm việc mình thích. Thầy dạy thì thầy phải tư duy. Mà còn tư duy thì còn tồn tại để được các em đến thăm. Còn có cả quà chôm chôm từ miền Nam ra thế này”.

Tôi nhớ đến ông nội tôi xưa dạy chữ Nho cũng vậy, chả thu học phí của ai, bây giờ có trò trên 90 tuổi vẫn nhắc đến ông đầy kính trọng. Kết bạn “phây búc” thấy thầy hay sưu tầm những bài hát hay, bức ảnh đẹp, những bài thuốc quý, câu châm ngôn hay rồi ghi lại những kỷ niệm đẹp về thầy và trò… đưa lên.

Thầy cũng dành thời gian ghi lại những hồi tưởng, kinh nghiệm mấy chục năm dạy học truyền cho con gái và con rể đang là giảng viên đại học. Thầy bảo cuộc sống còn không ít khó khăn, rồi những điều không vừa ý nhưng “hưu rồi, cố gắng sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu, với điều kiện thực có của mình thấy thanh thản, nhẹ nhàng”.

Cứ vẩn vơ trong đầu hai chữ “thành người”.

TP Giao Lưu, ngày đầu tháng 11/2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ