Vùng đất của tiếng cười

GD&TĐ - Vậy là, sau bao ngày mong ngóng, tôi đã có thể trở thành sinh viên đại học, chính thức đặt chân vào ngôi trường mà bản thân hằng ao ước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lớp 12 tôi có một nỗi khổ tâm vô cùng to lớn. Nỗi khổ tâm đó có tên là chọn ngành để học. Đây thật sự là một vấn đề rất lớn mà mọi học sinh trong khoảng thời gian chuyển cấp đều phải trải qua.

Bởi lẽ, với học sinh cuối cấp, việc đặt nguyện vọng vào các trường đại học, không chỉ đơn thuần dựa trên danh tiếng hay tình cảm của bản thân với ngôi trường như hồi thi lên cấp ba. Cũng bởi, việc chọn theo đuổi ngành học nào khi đặt chân vào cổng trường đại học sẽ quyết định trực tiếp đến không chỉ nghề nghiệp mà còn là cả tương lai của mỗi người.

Vì nó quan trọng như vậy nên tôi đã phải cân nhắc rất kĩ và rất lâu, nhấc lên đặt xuống. Sau khi tham khảo thông tin từ thầy cô, người thân, Internet và tính toán các xu hướng nghề nghiệp, tôi đã tìm thấy ngành học phù hợp với chính mình - ngành An toàn thông tin. Nhưng sau đó tôi lại phải đối mặt với một bài toán cũng nan giải không kém: Chọn trường.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi có một lợi thế lớn so với rất nhiều bạn khi không phải thuê trọ do học gần nhà. Ấy thế mà chút lợi thế ấy lại khiến tôi đau đầu vì trên địa bàn Hà Nội, không ít trường đào tạo ngành tôi đã lựa chọn. Thế là, sau một vài cuộc tranh luận “nho nhỏ” cùng bố mẹ, gia đình tôi đã đưa ra quyết định chọn Học viện Kỹ thuật Mật mã.

Là ngôi trường luôn nằm trong top đầu về ngành an toàn thông tin, thế nhưng ngôi trường này lại được rất ít người biết đến. Có lẽ do là trường dành cho quân đội nên truyền thông không thể mạnh bằng những ngôi trường dân sự. May mắn là bố tôi cũng trong quân đội nên tôi đã sớm biết đến và tìm hiểu kĩ càng.

Ngôi trường này có hai hệ, “hệ quân” và “hệ dân”. Hay nói cách khác, trong thời gian học tập tại trường tôi sẽ học cùng luôn với các anh bộ đội. Cho dù không cùng lớp nhưng chúng tôi vẫn luôn gặp gỡ, giao lưu.

Điều đầu tiên khiến cho tôi vô cùng bất ngờ chính là ngay ở cổng trường đã có hai anh bộ đội đứng gác. Những hôm đầu còn bỡ ngỡ, mỗi lần đi qua cổng là tôi lại… tim đập chân run. Cũng đúng thôi, trường của quân đội thì kỉ luật, an ninh sẽ phải khác hẳn so với các trường khác rồi.

vung-dat-tieng-cuoi-2.jpg
Ảnh minh họa.

Thật ra ban đầu tôi rất “cảnh giác” khi theo học ở môi trường quân đội. Tôi không khỏi đặt ra cho mình những câu hỏi rằng, không biết kỉ luật có quá gắt gao không, cơ sở vật chất của trường như thế nào nhỉ, trường có rộng không, thầy cô sẽ giảng dạy theo phương pháp nào. Thế nhưng, sau vài tuần được học tập, tôi đã thích mê tơi.

Khác hẳn với những gì mà tôi tưởng tượng, sau khi bước qua cánh cổng, tôi như được đặt chân đến vùng đất của tiếng cười cũng như những điều thật bất ngờ. Đầu tiên chính là sự thân thiện của các anh “hệ quân”.

Có thể khi các anh khoác bộ quân phục lên người để thực hiện nhiệm vụ trông thật “ngầu” và nghiêm túc. Thế nhưng, lúc các nhiệm vụ đã hoàn thành, tất cả lại giống như chúng tôi, đều là những chàng trai nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mê thể thao.

Trong suốt khoảng thời gian được tiếp xúc với nhau qua trái bóng tròn hay qua những pha cầu kịch tính, tiếng cười và ánh mắt đã thay chúng tôi nói ra những điều cần nói. Để rồi khi trận đấu kết thúc là những cái bắt tay, khoác vai cùng những câu hỏi “Này, quê cậu ở đâu thế?” hay “Cậu học hệ quân thì có khác gì so với chúng tớ không?”.

Lên đại học rồi tôi được chỉ dẫn bởi các giảng viên chứ không còn là giáo viên như thời học phổ thông nữa. Trái với tưởng tượng về một sự nghiêm khắc, kỉ luật của quân đội, mái tóc hoa râm…, các thầy cô tôi được theo học đều rất trẻ trung.

Và thật đặc biệt hơn nữa, giữa giảng viên và sinh viên luôn có một sự gần gũi, ấm áp, không chỉ là về khoảng cách tuổi mà còn là sự quan tâm chỉ bảo tận tình. Sau những giờ học tập chăm chỉ, tập trung, căng thẳng, thi thoảng thầy trò lại trở thành những đồng đội máu lửa trên sân bóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bạn có bao giờ nhận thấy một số người bạn chỉ xuất hiện khi họ cần giúp đỡ? (Ảnh: ITN).

4 dấu hiệu bạn đang bị lợi dụng

GD&TĐ - Bị gia đình hoặc bạn bè lợi dụng là điều rất khó chấp nhận. Nó khiến bạn nghi ngờ tính xác thực của cả hai mối quan hệ.