Biết bao kiến thức và kinh nghiệm sống tôi đã được các thầy cô trao cho một cách hào phóng, vô tư.
Người thầy tôi muốn nói trong bài viết này là Giáo sư, Tiến sĩ Mark Grigorievit Kachurin - người hướng dẫn khoa học khi tôi làm luận văn Phó Tiến sĩ ở Khoa Văn, Đại học Sư phạm Quốc gia Leningrat mang tên A.I.Ghéc sen.Khi đến trường, tôi tự tìm hiều về thầy hướng dẫn mình qua anh bạn Valeri người Nga, cùng tổ nghiên cứu sinh.
Khá tự tin vào trình độ tiếng Nga, tôi không nhờ người cũ dẫn đến gặp Giáo sư hướng dẫn như mọi người, mà tự mình đến tổ bộ môn gặp thầy. Giáo sư là người Do Thái rất nổi tiếng toàn Liên bang. Thầy viết nhiều sách giáo trình, chuyên luận, còn lên truyền hình trong chương trình văn học với nhà trường.
Có thể nói ở Liên bang Xô viết, bộ môn Phương pháp dạy tiếng Nga và Văn học mạnh nhất và nổi tiếng nhất với các Giáo sư, Tiến sĩ Rez Zinaida Iacolebna, M. G. Kachurin (thầy tôi), M. G. Maransman (thầy PGS.TS Nguyễn Viết Chữ). Giáo trình Phương pháp luận dạy Văn học của tổ bộ môn được dùng cho toàn Liên bang (Dịch giả Phan Thiều có dịch một phần và công bố ở Nhà xuất bản Giáo dục).
Ngày đầu tiên, tôi gặp Giáo sư của mình, ông ân cần hỏi thăm gia đình tôi (bố mẹ, anh chị em, vợ con), hỏi về việc học hành, công tác của tôi. Và cũng sơ lược trao đổi luôn về đề tài luận án.
Khi đi thi nghiên cứu sinh ở Việt Nam, tôi làm đề cương nghiên cứu môn Lí luận Văn học. Tôi để ý thấy chúng ta có truyền thống cười hài và châm biếm. Ta có ca dao cười, có kho truyện tiếu lâm. Các tác giả châm biếm hài hước trong văn học viết có Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tú Mỡ…
Văn châm biếm có Nguyễn Công Hoan, Bùi Huy Phồn… Tuy vậy, lí thuyết về tiếng cười, lí thuyết về văn châm biếm thì hầu như là một khoảng trống. Tôi muốn nghiên cứu lí thuyết văn châm biếm, hài hước của Nga và thế giới.
Khi không được thi về Lí luận Văn học, chuyển sang Phương pháp, tôi vẫn đeo đẳng đề tài văn châm biếm hài hước nên đã đổi đề cương nghiên cứu thành: “Phương pháp dạy học các tác phẩm châm biếm, hài hước”.
Khi gặp GS hướng dẫn, tôi mới biết rằng, ông không quan tâm đến mảng đề tài này. GS có gợi ý tôi đề tài Giáo dục tinh thần quốc tế cho học sinh qua các tác phẩm văn chương. Tôi thấy đề tài rộng quá, lại cũng không hợp với mình.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp. Tôi tự tin vì mình có thể nghe, hiểu những điều thầy nói, và mình cũng nói để thầy hiểu được.
Sau khi về đọc lại danh mục các cuốn sách đã xuất bản của Giáo sư, tôi thấy có một mảng sách ông viết về “đọc diễn cảm”. Tôi nghĩ ở ta ngay khi tôi đi học đã nghe nói đọc diễn cảm, mọi người coi đây là một nghệ thuật quan trọng khi dạy học Văn. Tôi còn nghe GS Lê Trí Viễn cũng rất quan tâm.
Ông đến lớp sinh viên ở Hà Nội chỉ để đọc diễn cảm tác phẩm làm mẫu! Thế là tự tôi đề nghị với GS là tôi muốn làm về lí thuyết đọc diễn cảm, một thứ mà nước ta không có. GS hướng dẫn đồng ý ngay với đề nghị của tôi.
Và ông đề nghị tên cho luận án: “Vận dụng kinh nghiệm đọc diễn cảm của nhà trường Xô viết vào trường phổ thông Việt Nam”. Tôi có cơ sở để tha hồ đọc, tổng kết lí thuyết đọc diễn cảm của nhà trường Xô viết. Rồi rút ra những gì cốt lõi, cơ bản nhất phù hợp nhất để vận dụng vào nhà trường Việt Nam.
Như vậy, ngay sau khi gặp GS hướng dẫn, tôi đã sớm xác định được đề tài. Và tôi đọc tài liệu tiếng Nga để phục vụ cho đề tài. Điều kiện đi lại không cho phép tôi về Việt Nam làm thực nghiệm. Tôi nhờ các bạn sinh viên Trường Ghec-sen và Trường Tài chính để phỏng vấn các em về đọc diễn cảm. Tôi cũng mời GS đến nói với các em về việc đọc.
Tôi cũng trình bày với các bạn sinh viên mới xong phổ thông những thu hoạch bổ ích của tôi về nghệ thuật đọc mà tôi định sẽ vận dụng vào nhà trường Việt Nam. Công việc khá vui. GS Kachurin rất hài lòng.
Trong khi viết luận án, với sự giúp đỡ và khuyến khích, động viên của thầy, tôi đã viết 3 bài báo tiếng Nga đăng trong tạp chí “Tiếng Nga trong nhà trường Mondavi”, “Tiếng Nga ở nước ngoài” và “Lưu trữ các bài báo khoa học”. Tôi cũng gửi đăng 2 bài ở Tạp chí Giáo dục cấp 1 + 2 của Vụ cấp 1 + 2. Như vậy, tôi là người nước ngoài hiếm hoi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ có 5 bài kể trong tóm tắt luận án.
Thật may mắn cho tôi, khi đó có Hội nghị đọc diễn cảm toàn Liên bang Xô viết tổ chức ở Matxcơva. GS hướng dẫn tôi là một trong các nhà phương pháp hàng đầu của Liên bang. Vì vậy, tôi là nghiên cứu sinh nước ngoài duy nhất được tham dự Hội nghị và đọc báo cáo khoa học.
Việc này tôi có kể trong cuốn sách “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016; tái bản có bổ sung, Nhà xuất bản Thanh niên, 2019). Chỉ biết sau hội nghị, tôi về tổ bộ môn, được các bạn Nga nói rằng GS hướng dẫn rất hài lòng về tôi tại hội nghị, ông bảo tôi là “arator” (người hùng biện).
Thêm một lí do GS quý mến tôi vì năm đó cuốn sách dịch thứ hai của tôi “Misa Laxkin” được Nhà xuất bản Kim Đồng in, có bày bán trong hiệu sách ở Leningrat. Tôi có mua để tặng ông. Như vậy ngoài 5 bài báo, lúc đó tôi còn có 2 cuốn sách dịch từ tiếng Nga được in ở Việt Nam.
Vì tiếng Nga tốt nên tôi đọc tài liệu nhanh, viết các phần của luận án cũng nhanh. Mặc dù làm Bí thư Thành Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh, tham gia các hoạt động xã hội nhưng tôi vẫn viết xong luận án sớm. Tôi xếp luận án lại và đi lao động kiếm tiền. Rồi sau tôi cũng bảo vệ vào ngày 22 tháng 6, trước hạn về nước bốn tháng.
Từ nội dung luận án, tôi đã in thành sách “Nghệ thuật đọc diễn cảm” (Nhà xuất bản Thanh niên, 1999, được xếp vào sách best seller bán hơn 25.000 bản). Vì nghiên cứu đọc diễn cảm liên quan đến giáo dục thẩm mĩ, phát triển năng khiếu, cho nên nhiều vấn đề khác như năng lực thẩm mĩ, năng lực văn chương, năng lực liên tưởng, tưởng tượng… cũng được tôi tìm hiểu về các thành tựu của Xô viết. Bởi vậy, tôi có một phông văn hóa khá rộng để nghiên cứu các vấn đề của thực tiễn nhà trường Việt Nam.
Phải nói rằng gặp được thầy giỏi chuyên môn là một may mắn và hạnh phúc của người đi học. Khi viết luận án, tôi đã cố trình bày tiếng Nga theo phong cách khoa học. Nhưng những phần tôi viết, Giáo sư chỉ bỏ đi một vài từ, thêm một vài từ khác hoặc đảo lại câu rồi trả lại.
Tôi vô cùng thấm thía thấy đoạn văn sang trọng, chặt chẽ hơn rất nhiều. Càng về sau thì những trang viết của tôi thầy không phải sửa chữa nhiều nữa. Tôi có cơ hội để theo Thầy và các Giáo sư trong tổ bộ môn đi dự giờ của Nhà giáo Nhân dân I. Ilin. Thật là một kỉ niệm nhớ mãi không quên.
Hôm đó thầy Ilin dạy tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi. Đoạn trích giảng có tên “Mẩu khoai tây của Platon Karataev”. Dù chỉ hiểu được 80% những gì diễn ra trong lớp (Lúc bấy giờ tôi mới ở Nga hơn 2 năm một chút), nhưng buổi học thật thú vị và hấp dẫn (có những phút căng thẳng nữa).
Nhà giáo đi từ trên xuống dưới lớp, đặt ra các câu hỏi kích thích suy nghĩ. Khi học sinh trả lời chưa thật đúng, ông bổ sung. Hấp dẫn và thú vị như xem một buổi trình diễn nghệ thuật. Tôi thấy thầy tôi hết lời ca ngợi thầy giáo Ilin sau tiết học.
Trong suốt bốn năm làm luận án với Giáo sư, tôi không một lần đến nhà thầy. Nhưng tôi lại đến nhà một chị nghiên cứu sinh cùng tổ ở ngoại ô, uống “vốt ca” tự nấu, và đó cũng là một lần duy nhất.
Tôi có tặng thầy mấy thứ quà Việt Nam là tranh vẽ trên mành, rượu “Lúa mới” mà tôi mua lại của các anh chị sang sau, chú sư tử bằng than đen… Thầy tặng tôi sách, cuốn album để lưu giữ ảnh, và khuyên tôi nên dịch nhiều tác giả Nga khác nhau về đề tài “đọc diễn cảm”.
Được làm việc với một người thầy là nhà khoa học lớn, tôi vô cùng may mắn. Năm 2010 có dịp trở lại tổ bộ môn, lớp các Giáo sư thời tôi học không còn ai. Tôi có gặp Giáo sư Chủ nhiệm khoa kiêm Trưởng bộ môn phương pháp. Tôi nói từng là nghiên cứu sinh của GS.TS M.G.Kachurin, bà chủ nhiệm khoa rất cảm động.
Mỗi khi đến ngày nhà giáo, bên cạnh việc nhớ các thầy cô Việt Nam đã dạy dỗ mình, tôi không nguôi nhớ thầy Kachurin của tôi, một nhà khoa học, một người thầy Nga gần gũi, quý mến. Chính nhờ gặp thầy mà tôi mới có được chút tên tuổi và những cuốn sách ít nhiều bổ ích cho thầy giáo và học sinh như ngày hôm nay.
Hà Nội, 2021