Thanh Hóa: Giải quyết việc làm cho người lao động ảnh hưởng dịch Covid-19

GD&TĐ - Trước vấn đề người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Thanh Hóa đã, đang khẩn tìm hướng giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động  của địa phương.

Người lao động ở Thanh Hóa sau khi trở về quê được tạo công ăn việc làm tại các khu công nghiệp trong tỉnh.
Người lao động ở Thanh Hóa sau khi trở về quê được tạo công ăn việc làm tại các khu công nghiệp trong tỉnh.

Hàng vạn người trở về quê “tránh dịch”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh bị ngưng trệ. Người lao động bị mất việc làm kéo dài, thu nhập, đời sống không còn đảm bảo dẫn đến di chuyển “ồ ạt về quê”.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, với đặc điểm là địa phương có số người lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài đông (trên 330.000 lao động).

Số lao động nêu trên chủ yếu là người trẻ, tập trung ở nhóm tuổi 15-35 tuổi (chiếm 65%), lao động nữ chiếm trên 50%.

Dự kiến, số lao động người Thanh Hóa về quê sẽ ngày càng tăng, nên rất dễ xảy ra tình trạng dư thừa lao động ở những vùng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Trước tình hình đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng phương án đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẩn trương phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện.

Đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành phương án về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.

Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa (người thứ 2 từ phải sang) thăm hỏi công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam.
Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa (người thứ 2 từ phải sang) thăm hỏi công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam.

Bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương này có trên 330.000 lao động đi làm ăn xa, làm nghề tự do, làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da… 

Số lao động tập trung tại TP Hà Nội khoảng 77.500 người, TP.HCM 43.000 người, Bình Dương 48.000 người, Bắc Ninh 25.000 người, Đồng Nai 12.500 người...

Để giải quyết lao động từ vùng có dịch Covid-19 trở về quê, Sở LĐTB&XH Thanh Hóa phối hợp với các địa phương đã, đang khảo sát, phân loại người lao động có nhu cầu việc làm, học nghề, vay vốn tự tạo việc làm...

“Tính đến ngày 11/10, tổng số lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch có nhu cầu việc làm và học nghề là gần 27.000 người. Trong đó chủ yếu là nhu cầu việc làm, như: may mặc, giày da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn, xây dựng, nhôm kính, điện dân dụng…

Trong gian qua, Thanh Hóa đã hỗ trợ, tạo việc làm cho hơn 19.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở thành phố, thị xã, cụm công nghiệp cấp huyện.

Người lao động được tạo công ăn, việc làm chủ yếu là nghề may mặc, giày da với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng”, bà Hương thông tin.

Tỉnh Thanh Hóa đã, đang lo việc làm cho hàng vạn lao động trở về quê "tránh dịch".
Tỉnh Thanh Hóa đã, đang lo việc làm cho hàng vạn lao động trở về quê "tránh dịch".

Cũng theo Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa, hiện, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại tỉnh này là khoảng 50.000 người. Số lao động các doanh nghiệp cần tuyển chủ yếu tập trung vào sản xuất giày da, may mặc.

Địa điểm làm việc của người lao động phân bổ tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu công nghiệp Lễ Môn và cụm công nghiệp ở các huyện.

Lo việc làm cho người lao động

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện, các ngành chức năng của tỉnh đã, đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người lao động ở vùng dịch yên tâm ở lại.

Đồng thời, động viên họ tiếp tục làm việc tại nơi sản xuất cũ trong tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và khi doanh nghiệp ở các thành phố lớn trở lại hoạt động.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương tuyên truyền đến người lao động trở về từ vùng dịch ổn định cuộc sống. Giúp họ tiếp cận với thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp, với phương châm "ly nông bất ly hương".

"UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm.

Tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ưu tiên những người trở về từ vùng dịch vay vốn tại Ngân hàng Chính sách - xã hội để tự tạo việc làm. 

Trường hợp các địa phương không còn nguồn vốn cho vay, Ngân hàng Chính sách - xã hội tỉnh bổ sung nguồn vốn từ nguồn ủy thác của UBND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc từ nguồn huy động khác, để đảm bảo cho người lao động trở về từ vùng dịch được vay vốn theo quy định", ông Tùng cho biết thêm.

Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa động viên, thăm hỏi công nhân bị ảnh hưởng việc làm do dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa động viên, thăm hỏi công nhân bị ảnh hưởng việc làm do dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê của ngành LĐ-TH&XH tỉnh Thanh Hóa, hiện, Khu kinh tế Nghi Sơn có 35 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với hơn 16.000 lao động. Trong đó, công nhân giầy da, may mặc là 13.704 người, công nhân luyện gang thép 414 người....

Tại các Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc ga, Hoàng Long, Lễ Môn có trên 10 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng hơn 10.500 lao động. Trong đó, công nhân giầy da 3.700 người, công nhân may mặc khoảng 2.000 người và lao động phổ thông 3.000 người.

Tại Khu công nghiệp thị xã Bỉm Sơn có 9 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 770 người, chủ yếu là lao động quản lý và lao động phổ thông.

Ngoài ra, các cụm công nghiệp địa phương có trên 50 doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng hơn 33.600 lao động. Trong đó, công nhân giầy da 19.000 người, công nhân may mặc 12.000 người.

Đến thời điểm này, số lao động đã được hỗ trợ tạo việc làm hơn 19.000 người. Trong đó, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.500 người và tại các cụm công nghiệp huyện là 6.700 người.

Số lao động trên chủ yếu là làm công nhân may mặc, giày da với mức thu nhập hàng tháng 6 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo thống kê của của Sở LĐ -TB&XH tỉnh Thanh Hóa, đến nay, số lao động đã đăng ký vay vốn giải quyết việc làm là 613 người, với tổng số tiền đăng ký vay hơn 51 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng CSXH đã và đang khẩn trương giải ngân vốn cho người lao động vay, để giải quyết việc làm.

“Sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người trở về từ vùng dịch được phê duyệt, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã góp phần tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm việc làm.

Họ được tạo điều kiện làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Những công việc được tạo phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp người lao động trở về vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội”, bà Hương chia sẻ.

Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa trao tiền hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa trao tiền hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, hiện sở này đang tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm của lao động trở về từ vùng dịch theo phiếu khảo sát.

Đồng thời, mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người lao động ở vùng dịch yên tâm ở lại, tiếp tục làm việc tại nơi sản xuất cũ trong tình hình dịch đã được kiểm soát và các doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Thông tin, tuyên truyền người lao động trở về từ vùng dịch ổn định cuộc sống tại địa phương, chủ động tiếp cận với các thông tin về thị trường lao động để lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp, với phương châm “ly nông bất ly hương”.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm mới cho người lao động. Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm. Tổ chức sàn giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, với những lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhưng có nhu cầu làm việc ngay, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm để giới thiệu người lao động vào làm việc.

Tạo điều kiện bố trí cho nhóm người nêu trên những công việc giản đơn tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức dạy nghề cho người lao động, sau đó tiếp nhận họ vào làm việc.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có chính sách ưu tiên người lao động trở về từ vùng dịch vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội, để tự tạo việc làm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.