Ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

GD&TĐ - Đây là một trong những công tác cần được đặc biệt quan tâm. Bởi qua đó, người khuyết tật (NKT) có thể tự nuôi sống bản thân và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm các địa phương đã tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho NKT.

Cụ thể, các địa phương đã rà soát, cập nhật, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có NKT; phê duyệt danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; tổ chức xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo; xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT hàng năm và chương trình hỗ trợ 5 năm; Xây dựng, phê duyệt mức phí đào tạo đối với từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng; Tổ chức triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn và NKT. Trong đó tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.

Các trung tâm dịch vụ việc làm cũng đã tích cực tổ chức các ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm lồng ghép với tư vấn, tìm kiếm việc làm, hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng.

Hội Người mù Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chương trình trọng tâm cho vay vốn, tạo việc làm, với tổng số tiền là 28 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ vay, tạo việc làm cho 4.000 lao động; tổ chức dạy nghề cho 148 người mù, với kinh phí trên 650 triệu đồng.

Hiện Hội đang quản lý 385 cơ sở sản xuất tập trung, trong đó có 247 cơ sở xoa bóp - bấm huyệt, 138 cơ sở sản xuất thủ công, với các mô hình hợp tác xã, công ty TNHH, trung tâm với các ngành nghề: Thủ công, cơ khí, văn phòng phẩm, xoa bóp - bấm huyệt...

Các cơ sở sản xuất của Hội đã thu hút hơn 4.000 lao động có mức thu nhập bình quân gần 1,3 triệu đồng/tháng, tăng hơn gần 15% so với cùng kỳ năm 2015.

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã mở các lớp dạy nghề học điện tử, điện dân dụng, sửa chữa ti vi, may thêu, hội họa, tin học cho 221 trẻ, trong đó có 25 trẻ khuyết tật thành nghề đã có việc làm mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng…

Thúc đẩy hoàn thiện chính sách

Ông Lương Phan Cừ - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam - cho biết: Thông qua những hoạt động của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, NKT đã được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn, NKT đã được hưởng những chính sách cụ thể theo công ước quốc tế về NKT.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cho NKT hiện vẫn còn chậm. Hỗ trợ dạy nghề, việc làm thúc đẩy sinh kế cho NKT còn chưa kịp thời.

Tới đây, cần huy động thêm các nguồn lực xã hội; những chính sách cụ thể cho NKT được tiếp cận hơn nữa với học nghề, tạo việc làm, vốn vay phát triển sản xuất, khởi nghiệp…

Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề hỗ trợ NKT học nghề và tạo việc làm và coi đó như là một chính sách ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định kiện toàn Ủy ban NKT Việt Nam, đây là một bước tiến lớn cho việc hoàn thiện các chủ trương hỗ trợ NKT, đặc biệt trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo cho NKT.

Trên thực tế, nhiều hoạt động của các cơ quan, ban ngành đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho NKT; nhiều NKT đã tự mưu sinh và thu nhập chính đáng, đảm bảo được cuộc sống ổn định bằng chính công sức lao động của mình.

Nhiều cá nhân, tập thể NKT đã tự khẳng định mình vươn lên, đồng thời hỗ trợ cho những NKT khác. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các ban ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, đưa công tác hỗ trợ NKT từng bước đi vào các hoạt động cụ thể; Phối hợp chặt chẽ hơn nữa để công tác hỗ trợ NKT đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Việt Nam hiện có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số; người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%; khoảng 58% người khuyết tật là nữ; 28,3% người khuyết tật là trẻ em; 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi; khoảng 15% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ