Hỗ trợ kiến thức, kỹ năng nghề tạo việc làm bền vững

GD&TĐ - Hướng tới môi trường phát triển bền vững, sáng tạo, phải có việc làm bền vững thông qua phát triển các loại hình doanh nghiệp, đi đôi với nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động và đó cũng là lợi ích của họ.

Hỗ trợ kiến thức, kỹ năng nghề tạo việc làm bền vững

Phát triển doanh nghiệp và đào tạo nghề

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá: Tình trạng việc làm ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, hiện tỷ lệ lao động nông thôn nông nghiệp đang chiếm tới 60% việc làm, đây là khu vực việc làm thiếu bền vững và năng suất lao động thấp so với lao động khu vực công nghiệp; tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức của Việt Nam rất cao chiếm 58%;

Phụ nữ cũng chiếm tới 65% trong khu vực việc làm phi chính thức; Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp bình quân, 7,03% so với 3,7%... Theo kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần chuyển hướng cho lao động nông nghiệp, sang lĩnh vực lao động phi nông nghiệp, chuyển lao động phi chính thức vào khu vực lao động chính thức.

Còn theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Bùi Văn Cường: Thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động, công nhân, viên chức lao động và đoàn viên công đoàn. LĐLĐ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả trong thực hiện chương trình việc làm bền vững như:

Tổ chức chương trình nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên công đoàn, người lao động theo Chương trình số 1464/CTr-TLĐ ngày 8/10/2013, qua 4 năm triển khai đã nâng cao trình độ học vấn, chính trị, pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp cho 5,3 triệu lượt đoàn viên liên đoàn và người lao động; Tổ chức các hoạt động thi tay nghề, thi thợ giỏi cũng như các phong trào lao động sáng tạo.

Đó là những cơ sở để góp phần tích cực nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Hệ thống các trường của tổ chức công đoàn gồm 38 trường ĐH, CĐ và TC đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo cụ thể nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động...

Hợp tác ba bên và tập trung hỗ trợ kiến thức

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Trong hai chu kỳ hợp tác quốc gia Việt Nam - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về việc làm bền vững giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2012 - 2016, ILO và các đối tác ba bên của Việt Nam đã triển khai chương trình việc làm bền vững, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội.

Các hoạt động kỹ thuật hỗ trợ của ILO được thực hiện thông qua các chương trình dự án hợp tác, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng chính sách pháp luật về lao động, đào tạo tăng cường năng lực cho các đối tác ba bên ở cấp Trung ương và địa phương, cung cấp chia sẻ thông tin, tài liệu, hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội, phát triển kỹ năng nghề...

“Trong chu kỳ hợp tác mới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee khẳng định: “ILO cam kết cùng chung sức với các đối tác ba bên để đạt được những mục tiêu chung”. Theo ông Chang-Hee Lee, chương trình hợp tác giai đoạn 2017 - 2021 nên được sử dụng như pha chuyển đổi sang một hình thức hợp tác và đối tác mới, từ việc tập trung vào nguồn lực sang tập trung vào kiến thức.

Trong giai đoạn này, sự hỗ trợ cần được đồng thời dành cho các đối tác ba bên (Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) ở cấp địa phương nhằm trang bị cho họ năng lực tổ chức để tiến hành những thay đổi mang tính bền vững.

“Lao động tự tạo việc làm, lao động khu vực kinh tế hộ gia đình đang chiếm khoảng 50%, vì vậy để tạo việc làm bền vững, cần phải tạo ra những “cỗ máy” việc làm, chính là doanh nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong bối cảnh hiện nay, với sự tác động mạnh mẽ của KHCN, các doanh nghiệp siêu nhỏ có khả năng trở thành hạt nhân dẫn đầu của nền kinh tế thế giới và tạo ra được nhiều việc làm nhất” - ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.