2,33 triệu người vào học nghề
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2019, toàn ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Hoàn thành 3 chỉ tiêu của Ngành, góp phần vào cùng cả nước hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2019, là năm thứ tư liên tiếp Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Bộ đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 90,06%, đây là Bộ luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, nhạy cảm, qua đó đã nội luật hóa công ước và các cam kết quốc tế, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.
Bộ đã hoàn thành 196 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ, không có nhiệm vụ quá hạn. Năm 2019, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động, đạt 103,2% kế hoạch; đưa 148 nghìn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, về đích trước 1 năm trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Tuyển sinh dạy nghề đạt trên 2,33 triệu người, là năm thứ hai liên tiếp tuyển sinh vượt kế hoạch; giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo năm 2019 giảm 1,35%, đến nay hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%; theo tiêu chí của Liên hợp quốc chỉ còn 1,45%, đã xuất hiện nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo, tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo tại một số địa phương...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của Ngành LĐ-TB&XH trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức như: Công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn hạn chế; chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn thấp.
Tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chậm được khắc phục. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, không có chiều hướng giảm...
Toàn cảnh hội nghị |
Tập trung xây dựng chính sách
Hội nghị đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2019, phân tích những tồn tại hạn chế, làm rõ những nguyên nhân và bàn các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Cụ thể: Về công tác xây dựng thể chế, trong năm 2020, số lượng văn bản phải xây dựng để ban hành hoặc trình ban hành rất lớn, đặc biệt là các văn bản trình Quốc hội, Chính phủ ban hành gấp hơn 2 lần trung bình hằng năm, dự kiến tổng số khoảng 80 đề án, bao gồm: 1 dự án luật, 1 hồ sơ gia nhập công ước, 48 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 25 nghị định, ưu tiên 11 Nghị định liên quan đến hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động…
Phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp; mở rộng thị trường lao động ngoài nước.
Về giáo dục nghề nghiệp, tạo sự bứt phá mạnh mẽ hơn, đột phá về quy mô, chất lượng, có những mô hình hiệu quả. Gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển…