Ngoài ra, với bất cứ phương thức xét tuyển riêng nào của các trường, thí sinh dù đạt đủ điều kiện xét trúng tuyển, chỉ được xác nhận trúng tuyển khi Bộ GD&ĐT thực hiện xong lọc ảo. Điều này khiến các trường đại học phải tăng tốc tư vấn để tìm người học và giữ chân thí sinh.
Hỗ trợ thí sinh để giữ nguồn tuyển
Mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh chỉ trúng tuyển (ở tất cả phương thức xét tuyển) sau khi Bộ GD&ĐT thực hiện quy trình lọc ảo. Điều này khiến cho kế hoạch tuyển sinh và nhập học của các trường đại học thay đổi khá nhiều.
Những năm trước, khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT (chưa thi) nhiều trường đã nắm được số lượng thí sinh chắc chắn trúng tuyển, thậm chí đã tuyển được 30-40% tổng chỉ tiêu nhờ phương thức xét học bạ. Tuy nhiên, năm nay ngoài số lượng thí sinh ít ỏi đã tốt nghiệp THPT thì mọi thứ đều phải chờ lọc ảo theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ông Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: 3 năm trở lại đây công tác tuyển sinh của nhà trường phụ thuộc khá nhiều vào phương thức xét học bạ THPT và điểm thi THPT. Năm nay, số lượng học sinh xét tuyển bằng các phương thức riêng vào trường cũng tăng hơn năm trước. Tuy vậy, do chưa thể xác nhận số lượng thí sinh trên trúng tuyển nên trường khá lo.
“Theo quy định từ ngày 22/7/2022 đến 17 giờ ngày 20/8/2022, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển (NVXT) không giới hạn số lần. Từ ngày 21/8/2022 đến ngày 17 giờ ngày 28/8/2022, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự NVXT trên hệ thống, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng NVXT bằng hình thức trực tuyến.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG |
Đây là thời điểm thí sinh đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT nên sự dao động và thay đổi trong lựa chọn nguyện vọng, phương thức xét tuyển chắc chắn sẽ có, nếu điểm thi của các em tốt. Vì vậy, để tránh bị chênh lệch về số lượng chỉ tiêu đã trúng tuyển có điều kiện (chờ tốt nghiệp THPT và lọc ảo), trường đang hỗ trợ thí sinh hết sức từ nhắn tin, điện thoại đến tham vấn cách đặt nguyện vọng như thế nào khi đăng ký lên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Sự bị động là không thể chối bỏ nhưng trường cũng đang làm hết cách để giữ thí sinh cũng như hỗ trợ các em trúng tuyển NV1 một cách hiệu quả nhất”, ông Trung nói.
Thực tế, tới thời điểm này các trường Đại học thuộc khối Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các trường có sử dụng kết quả điểm thi Kỳ thi Đánh giá năng lực như một phương thức xét tuyển đều công bố điểm chuẩn xét tuyển các ngành nghề đào tạo. Tuy vậy, chưa một thí sinh nào được xác nhận trúng tuyển đại học khi Bộ GD&ĐT chưa chạy phần mềm lọc ảo và xét kết quả trúng tuyển.
Vì vậy, theo ThS Trần Nam- Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), thí sinh dù có đạt điểm chuẩn vào ngành học mà mình chọn lựa, nhưng khi đăng ký NVXT lên cổng chung của Bộ GD&ĐT mà không đặt ngành mình đã đạt điểm và muốn học ở NV1 vẫn có thể trở thành không trúng tuyển.
Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tư vấn ngành nghề cho học sinh. |
Tăng tốc hướng nghiệp, hướng nghề để tìm nguồn tuyển
Theo quy định, với thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng, từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8 có thể xác nhận nhập học trên hệ thống. Trước 17 giờ ngày 30/9, tất cả thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Với thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét học bạ, ngoài việc chờ tốt nghiệp THPT, ghi và xác nhận trúng tuyển trên hệ thống của Bộ, các em còn phải làm thủ tục nhập học với các trường.
Việc xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT có ý nghĩa quan trọng. Theo ThS Phạm Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nếu thí sinh không xác nhận nhập học, đồng nghĩa với việc các em từ chối cơ hội trúng tuyển, hệ thống sẽ không ghi nhận. Điều này buộc các trường phải đẩy mạnh giải pháp thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn cặn kẽ cho thí sinh, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong bối cảnh mà công tác xét tuyển và tuyển sinh phụ thuộc vào khung thời gian quy định của Bộ GD&ĐT, các phương thức xét tuyển riêng đang được các trường đẩy mạnh và triển khai quyết liệt nhằm tìm kiếm nguồn thí sinh cho mình ngoài phương thức xét điểm thi THPT. Điều này không có gì khó hiểu khi nhiều trường đã gửi thông báo trúng tuyển có điều kiện đến thí sinh nhằm bảo đảm nguồn tuyển.
Hiện không ít trường tìm kiếm người học thông qua các buổi tư vấn, livestream và hướng nghiệp theo chuyên đề, chuyên ngành cho thí sinh trên fanpage hay trang website của nhà trường. Hoạt động này không phải diễn ra trong bối cảnh lúc cao điểm (đã qua) nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp các trường tìm kiếm thêm nguồn tuyển, cũng như định hình đậm nét hơn về mục tiêu, cơ hội trúng tuyển của các thí sinh.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định nhìn nhận: Trong bối cảnh không trường nào có thể chắc chắn tỷ lệ nhập học với tỷ lệ trúng tuyển khớp 100% như mọi năm thì tư vấn, hướng nghiệp ngành nghề sâu sau khoảng thời gian thi tốt nghiệp THPT là giải pháp tốt nhất.
“Thí sinh có thể đã đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành bằng phương thức xét học bạ THPT nhưng các em có thể bỏ và chọn một ngành học tương tự ở trường khác bằng phương thức xét điểm thi THPT (nếu đạt điểm cao). Việc thay đổi này rất dễ xảy ra. Trong hoàn cảnh như vậy, các giải pháp song hành như tư vấn, định hướng ngành nghề, cơ hội việc làm sau khi ra trường cùng các chính sách học bổng, khuyến học khuyến tài của đơn vị cho học sinh sẽ đóng vai trò rất lớn giúp các trường bảo đảm và tìm kiếm thêm nguồn tuyển”, TS Mai Đức Toàn chia sẻ.
“Nhà trường cùng bộ phận tuyển sinh đang tích cực hỗ trợ thí sinh trong việc ghi NVXT lên phần mềm chung của Bộ, cũng như lưu ý các em phải nhớ và ghi đúng NV1 của mình nhằm tránh bị trượt khi phần mềm quét. Bởi khi các em đặt sai nguyện vọng, trường không chỉ mất thí sinh mà các em cũng mất cơ hội vào trường yêu thích của mình”. - ThS Trần Nam, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)