Học tập không bao giờ là đủ
Vấn đề cơ bản có tính quyết định và là giải pháp đột phá trong yêu cầu nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng sư phạm của người giáo viên (GV) chính là các kỹ năng tự hướng nghiệp, tự học, tự nghiên cứu. Vì vậy, việc bồi dưỡng kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của GV trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi, có thầy giỏi ắt có trò giỏi.
Đề cao vai trò tự học, cô Nguyễn Thị Tuyết , GV Trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) đã tự tìm tài liệu học, dần thay đổi phương pháp dạy học. Trong mỗi giờ dạy, cô cũng cố gắng cải tiến phương pháp để học sinh phát huy tối đa tính tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức và nhận thấy sự tương tác trong mỗi giờ học đã giúp các em nâng cao kĩ năng tổng hợp.
Học tập không bao giờ là đủ. Nhất là đối với nghề dạy học. Nếu tự bằng lòng với mình sẽ tụt hậu ngay so với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí tụt hậu hơn cả học sinh. Có nhiều cách tự học nhưng cách mà cô Tuyết tâm đắc nhất là tìm tòi kiến thức trên mạng Internet.
Cô Tuyết đặt nhiều kỳ vọng ở chương trình bồi dưỡng thường xuyên ngay tại chỗ bằng nguồn học liệu mở trên nền tảng công nghệ thông tin. Cô đề xuất, nên có một kênh hoặc trang online để giáo viên, cán bộ quản lý vào học và có hình thức kiểm tra đánh giá xem có thực hiện theo chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp dạy học hay không. Cũng nên có trang web chuyên về nội dung đổi mới với danh sách cụ thể cho giáo viên từng trường. Từng cá nhân phải ghi chú lại những đổi mới mình thực hiện được, kèm minh chứng.
Cập nhật các nguồn tri thức mới
Trong kỷ nguyên số hóa, người thầy phải hiểu được sự khác nhau giữa “học cái gì và học để làm gì””; Phải giúp người học thực hiện cái “học để làm gì?” nhằm đạt kết quả đầu ra, nâng hiệu suất trong đào tạo. Với giảng viên, có vai trò mở rộng, nuôi dưỡng lối tư duy phê phán, óc sáng tạo và nhiệt tình khoa học ở người học để họ biết cách tự học và tự học suốt đời.
Cũng cho rằng việc bồi dưỡng các kỹ năng thực hiện việc dạy – học bằng công nghệ thông tin là cần thiết, cô Nguyễn Thu Hà, giảng viên Học viện Quản lý giáo dục cho biết: Mỗi bước đột phá trong công nghệ áp dụng vào giáo dục sẽ làm thay đổi cách dạy, cách học và phương thức đào tạo.
Theo TS Nguyễn Đức Danh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình GDPT mới chú trọng dạy học theo tiếp cận năng lực của HS; GV lúc này chỉ đóng vai trò “sư phạm hóa kiến thức SGK” thông qua các phương pháp giảng dạy mới nhằm thiết kế nội dung giảng dạy sao cho phù hợp nhất, còn HS phải tự vận dụng năng lực cá nhân cộng với hiểu biết của bản thân để trang bị kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm giúp tìm tòi, sáng tạo và quan sát trên các “vật liệu sư phạm” mà GV đã chuẩn bị sẵn.
Vì vậy, ngoài việc tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, GV cũng cần chủ động tự nâng cao kĩ năng nghề nghiệp thông qua các kênh, nguồn khác nhau để thực hiện thành công nhiệm vụ giáo dục được giao.
TS Nguyễn Đức Danh cho rằng: Từ vai trò là người truyền thụ kiến thức chuyển sang vai trò thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động lĩnh hội tri thức cho HS, hay từ việc đánh giá dựa trên kiến thức sang đánh giá dựa trên năng lực của HS, đòi hỏi GV phải không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và phát triển nghề nghiệp theo hướng chuyên sâu về kiến thức chuyên ngành và năng lực thực hành sư phạm; chủ động tiếp cận, cập nhật các nguồn tri thức mới thông qua Internet hay các nguồn tư liệu khác nhau như sách báo, băng đĩa, các buổi tổ chức chuyên môn liên trường...
Người thầy trở thành tấm gương tự học
Để tối ưu hóa quá trình vận dụng kiến thức chuyên ngành khác nhau cho một môn học, TS Nguyễn Đức Danh cho rằng: GV phải được bổ sung những kiến thức cơ bản trên cơ sở nắm vững chuyên môn của mình và được hỗ trợ của đồng nghiệp và các nhà quản lí về môn học có liên quan thông qua các đợt tập huấn, thảo luận chuyên đề.
Ngoài ra, tổ bộ môn hay các nhà quản lí phải chỉ rõ được đâu là mạch logic liên môn, chuyên sâu của từng môn, từ đó giúp GV nắm bắt được mạch logic của các môn tích hợp trong tiết dạy.
Theo cô Nguyễn Thị Tuyết, xu thế mới của giáo dục hiện nay là tạo ra những học sinh toàn diện, phát huy tối đa năng lực trong quá trình học tập… Vì vậy, người thầy với vai trò tổ chức, hướng dẫn quá trình sư phạm nhất định phải trở thành tấm gương về tự học, thành thạo kĩ năng tự học. Chỉ có tự học, tự nâng cao tri thức mới có thể giúp người GV tìm được chỗ đứng tốt nhất trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.