Thắng lợi tuyển sinh nghề: Hiệu quả từ sự song hành chính sách và đào tạo

GD&TĐ - Dù bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng năm học này lại là năm thắng lợi trong tuyển sinh của các trường khối giáo dục nghề nghiệp.

Sinh viên Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM trong một buổi thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM trong một buổi thực hành.

Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2020 của Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan cho các trường nghề trong tương lai.

Nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, năm học 2019 - 2020, số lượng học sinh, sinh viên, học viên nhập học vào 57 trường CĐ, 64 trường trung cấp và các trung tâm GDNN - GDTX, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp là 338.783 người, đạt gần 75% chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, nhiều trường có số lượng đăng ký vượt bậc và đạt 100% chỉ tiêu như các trường: CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Kinh tế đối ngoại, Lý Tự Trọng, Kinh tế kỹ thuật TPHCM, Công nghệ Thủ Đức, Trung cấp Du lịch khách sạn Saigon Tourist...

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, các trường có nhiều đổi mới, sáng kiến trong tuyển sinh. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, nhiều trường đã khẳng định được chất lượng đào tạo cũng như việc làm sau tốt nghiệp.

Được biết, những ngành nghề thu hút tuyển sinh năm 2020 tại các trường CĐ, trung cấp gồm nhóm ngành cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, kế toán, tài chính, bảo hiểm... Đây đều là những nhóm ngành đang có nhu cầu nhân lực lớn, cũng như nằm trong nhóm ngành nghề phát triển nhân lực trọng tâm của TPHCM giai đoạn tới. 

“Năm 2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động 141.832 người, trong đó có 50.699 là sinh viên học sinh nữ và 1.198 là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh tỉ lệ sau đào tạo có việc làm của các trường đạt mức tốt, năm qua khối giáo dục nghề nghiệp còn tạo sức hút với người học ở nhiều chính sách như miễn giảm học phí, học bổng, học nghề miễn phí… Nhiều nhóm ngành nghề tỉ lệ sau tốt nghiệp đạt đến 95%, như kỹ thuật công nghệ nhiều lúc không đủ lao động để cung ứng cho doanh nghiệp có nhu cầu” - ông Lâm nói. 

Theo bà Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục GDNN), dự thảo chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030 ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 16,620 triệu người, trình độ trung cấp là 1,85 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,35 triệu người.

Trong số này ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35% có văn bằng, chứng chỉ.

Thành công nhờ thay đổi tư duy và tránh lối mòn

Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH, chiến lược phát triển hệ thống GDNN giai đoạn tới được coi là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian 10 năm. Đây là sự tiếp nối của chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế. 

“Mục tiêu hướng đến của chiến lược là hình thành, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững; tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động… Vì vậy, sự chuyển dịch trong tư tưởng, suy nghĩ, hành động của người đứng đầu các đơn vị rất quan trọng” - TS Dũng nói.

TS Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng chia sẻ: Để tuyển sinh hiệu quả, nhà trường chú trọng công tác hướng nghiệp, tuyên truyền tại  trường THPT và THCS. Mặt khác, thời gian qua, nhiều hoạt động về nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức thu hút sự quan tâm của người học và doanh nghiệp như tôn vinh người có tay nghề xuất sắc, sinh viên, giáo viên giỏi trường nghề... 

“Các yếu tố đó đã lan tỏa thông tin đến xã hội, làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về đào tạo nghề. Song song với đó, các trường cũng chủ động liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra. Nhiều doanh nghiệp đến tận trường tuyển dụng với số lượng lớn, tạo sự an tâm cho người học về vấn đề việc làm sau tốt nghiệp” - TS Lộc nói. 

Cho rằng tỉ lệ việc làm cao là nguyên nhân thúc đẩy học sinh rẽ hướng học nghề lớn nhất bên cạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trao đổi: 2 năm qua trường tuyển sinh ổn định và tốt hơn là nhờ chính sách cam kết đầu ra việc làm với sinh viên.

“Chính vì sự cam kết ấy với người học, nhà trường đã không ngừng thay đổi trong các hoạt động dạy và học, cũng như đẩy mạnh hợp tác một cách toàn diện với các doanh nghiệp. Khi mình cam kết việc làm với sinh viên đồng nghĩa với việc phải cam kết chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo với doanh nghiệp. Đều đó dần dà mang đến sức hút trường nghề với học sinh và phụ huynh” - TS Lê Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ