Điều đó mang đến những băn khoăn lo lắng nhất định cho khối trường nghề trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Trường nghề lo khó tuyển sinh
Việc dễ dàng có được tấm vé vào giảng đường đại học của học sinh kéo theo xu hướng thanh lọc hệ thống (không ít trường phải sáp nhập, giải thể) khi tuyển sinh khó khăn và không đủ chỉ tiêu. Đây là điều theo nhiều chuyên gia, hệ thống GDĐH và GD nghề nghiệp buộc phải đối mặt khi hướng đến tự chủ toàn diện.
Cơ chế tự chủ tạo ra sự công bằng trong “cuộc chơi” tuyển sinh cho các trường, nhưng theo ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, đa dạng phương thức xét tuyển của trường ĐH, cũng như tâm lý chuộng bằng cấp vẫn nặng nề với nhiều phụ huynh, đồng nghĩa hệ thống trường nghề vẫn phải đối mặt nhiều thách thức.
Theo ThS Nguyễn Đăng Lý, trong bối cảnh mới, muốn tồn tại, các trường nghề, CĐ nghề buộc phải thay đổi. Chất lượng đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất cần được nâng cao, cam kết việc làm với người học, chuẩn hóa chương trình…
“Chúng ta cần phải thực hiện phân luồng và phân tầng mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đối tượng nào đào tạo ra để đi làm, phục vụ cho doanh nghiệp, đối tượng nào đào tạo ra phục vụ cho công tác quản lý nghiên cứu. Phải minh bạch trong đào tạo nhân lực gắn với thị trường và nhu cầu lao động thực tế để tránh hiện tượng “vênh” giữa cung cầu nguồn nhân lực. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài rất thực tế. Họ cần người làm được việc, chứ không cần người có nhiều bằng cấp. Còn chúng ta vẫn theo nếp cũ là mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo, tăng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH mà bỏ quên thực tế nhu cầu xã hội đang rất cần lao động có tay nghề, khiến trường nghề gặp khó trong nguồn tuyển. Đó là một sai lầm” - ThS Lý nói.
Có chung góc nhìn, ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt (TPHCM) nhìn nhận: Việc học sinh dễ dàng đậu ĐH tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh của các trường trung cấp. Bởi dù trường nghề có cố gắng thay đổi bao nhiêu đi nữa nhưng tâm lý chuộng học ĐH vẫn chưa được gỡ bỏ, định hướng phát triển hệ thống của các bộ, ngành chưa gắn chặt với thực tế nhu cầu nhân lực từng địa phương (kéo giảm quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH) gây khó cho các trường nghề.
“Bảo không lo lắng là tự huyễn hoặc mình. Bởi thực tế, công tác tuyển sinh vài năm trở lại đây vô cùng khó khăn. Vẫn biết việc phân luồng đã ít nhiều có hiệu quả, chính sách siết giảm chỉ tiêu tuyển sinh - đào tạo hệ CĐ trong trường ĐH làm rất mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu ở tầm vĩ mô, việc cho phép trường ĐH gia tăng chỉ tiêu, mở thêm nhiều ngành nghề mới, rất khó để các trường nghề có thể so kè sòng phẳng” – ThS Đức trao đổi.
Thí sinh cần chọn điều đúng đắn cho mình
Dù đã cố gắng “làm mới” mình, thích ứng với bối cảnh mới trong thời gian qua bằng việc đẩy mạnh chất lượng đào tạo, không ít trường nghề còn mở rộng liên kết với các trường quốc tế, nhập khẩu chương trình đào tạo theo chuẩn nghề của khu vực ASEAN và thế giới, cũng như cam kết đầu ra việc làm với sinh viên… Nhưng khó khăn trong nguồn tuyển vẫn là mối lo chung của nhiều trường.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, đây là thực tế mà hệ thống GDĐH Việt Nam, cũng như hệ thống GD nghề nghiệp chưa “tương hỗ” cho nhau trong suốt thời gian qua, dẫn đến tình trạng bên này tuyển sinh ổn, thì bên kia thiếu hụt nguồn tuyển.
“Thực tế, xu hướng lựa chọn học nghề để lập thân đã dần rõ nét và lớn hơn. Nhưng xét trong bối cảnh chung và tổng số học sinh THCS - THPT tốt nghiệp chúng ta có hàng năm, số em theo học nghề vẫn rất khiêm tốn. Nguyên nhân vì sao ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng nguyên nhân chính lại nằm ở định hướng từ chính gia đình, từ những ảo mộng mà xã hội (các trường ĐH) vẽ ra cho các em trước ngưỡng cửa tương lai.
Nhu cầu thị trường lao động hiện nay cần đủ các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, CĐ, đến ĐH... Các bạn trẻ cần biết lựa chọn bậc học nào phù hợp với năng lực của mình. Bên cạnh lao động “trí thức” có bằng cấp cao, xã hội cần lao động có nghề nghiệp, kỹ năng, am hiểu về công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại và có thể tương tác được với robot.
Đây là nguồn nhân lực đang thiếu hụt lớn ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Cần đưa thông tin này tới phụ huynh và học sinh khi thực hiện tư vấn hướng nghiệp” – ông Trần Anh Tuấn nói.
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho rằng: Khó khăn mà hệ thống trường nghề phải đối mặt rất nhiều. Tuy nhiên, nếu các trường thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, cam kết đầu ra việc làm với học sinh của mình sẽ dần thay đổi được thói quen và định kiến xã hội, phụ huynh về trường nghề (học nghề ra làm công nhân) bấy lâu nay.
“Việc các trường nghề cần làm là định hướng, hướng nghiệp thật tốt cho học sinh. Các trường phải làm sao cho cha mẹ, các em thấy, học nghề nhưng vẫn có thể có mức lương cao, con đường học lên vẫn rộng mở. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với doanh nghiệp bằng cam kết việc làm với sinh viên, các trường nghề (thông qua thầy cô) phải giúp học sinh thấy được điều đúng đắn nhất của việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình… Từ đó, các em sẽ lan tỏa những thông điệp đẹp cho xã hội về việc học nghề” – TS Lê Lâm nói.
Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy: Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường CĐ, trung cấp là hơn 22.000 em, tăng gần 50% so với năm 2018. Tính đến hết tháng 9/2019 nhiều trường nghề tuyển đạt, thậm chí vượt 10% (so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018). Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác phân luồng dẫu vẫn còn nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu.