Người nuôi dưỡng hoài bão cho sinh viên trường nghề

GD&TĐ - Quá trình giảng dạy của thầy giáo trẻ Trương Văn Chuyên – Khoa Điện, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội mới trải qua 8 năm nhưng đã đào tạo ra những lứa sinh viên thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp.

Thầy Trương Văn Chuyên giảng bài thực hành hệ thống tự động hóa cho các sinh viên.
Thầy Trương Văn Chuyên giảng bài thực hành hệ thống tự động hóa cho các sinh viên.

Không chỉ có vậy, nhiều sinh viên của thầy đạt thành tích cao trong các kỳ thi Kỹ năng nghề.

Truyền cảm hứng tư duy và kỹ năng mới

Đến với nghề nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp được xem là một lựa chọn khó khăn, tuy nhiên đối với thầy Chuyên thì đó dường như là một quyết định đúng đắn bởi niềm đam mê và nhiệt huyết. Trong hơn 8 năm giảng dạy, nhiều lứa sinh viên do thầy đào tạo trưởng thành và vững bước trên con đường nghề nghiệp. Các sinh viên ra trường đã phát triển độc lập, mở doanh nghiệp riêng hoặc làm việc tại các doanh nghiệp lớn về cơ điện tử trong và ngoài nước như Samsung, Denso, Hawee,…

Đặc biệt, trong công tác huấn luyện thí sinh nghề Robot di động, thầy Chuyên đã truyền đạt được cho sinh viên tư duy mới trong lập trình tự động hóa, phát huy được khả năng sáng tạo của từng sinh viên.

Đối với lĩnh vực này, khó khăn ở chỗ là nhiều công nghệ mới còn chưa có tại Việt Nam, nguồn tài liệu rất khó tìm kiếm. Để giải quyết vấn đề này, thầy Chuyên phải mày mò với những công cụ tìm kiếm chuyên sâu, tận dụng mối liên hệ với các hãng thiết bị ở nước ngoài để xin hoặc đặt hàng tài liệu kỹ thuật. Sau đó nghiên cứu, bóc tách những kiến thức cốt lõi, biên soạn lại cho phù hợp. 

Những bài giảng và chương trình huấn luyện của thầy đã giúp sinh viên nhanh chóng tiếp cận với công nghệ mới, phát triển kỹ năng nghề và đạt được nhiều thành tích trong các kỳ thi Kỹ năng nghề.

Thầy Chuyên chia sẻ: “Thế giới việc làm và công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, điều này đặt ra những thách thức lớn cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh việc cập nhật, đào tạo những kỹ năng mới, thì việc truyền đạt cho các em sinh viên tinh thần khởi nghiệp, nuôi dưỡng hoài bão trên con đường nghề nghiệp là rất quan trọng. Tôi luôn cố gắng khơi gợi niềm đam mê của các em bằng cách tạo sự hấp dẫn từ chính những bài học chuyên môn, cách áp dụng những công nghệ mới và tư duy sáng tạo ra những kỹ năng mới, sản phẩm mới”.

Thành công của người thầy

Nói về thầy của mình, sinh viên Nguyễn Văn Huân – K13 Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, người vừa giành Huy chương Vàng tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 nghề Robot di động chia sẻ: “Có được thành công này là nhờ vào phần rất lớn công lao đào tạo và tâm huyết của thầy Chuyên.

Em được thầy trực tiếp giảng dạy ngay từ năm đầu tiên học tại trường. Cách giảng dạy của thầy rất cuốn hút và phù hợp với giới trẻ, truyền cảm hứng cho em luôn đam mê và theo đuổi nghề nghiệp mình đã lựa chọn”.

Đặc biệt những kiến thức quan trọng về lập trình tự động hóa được thầy giảng dạy và hướng dẫn thực hành rất kỹ, trong đó bao gồm nhiều kỹ năng mới được cập nhật và đưa vào chương trình giảng dạy.

Em đã được thầy Chuyên truyền đạt những kiến thức và kỹ năng lắp đặt vận hành Robot di động, hệ thống tự động hóa trong vận chuyển, quản lý kho hàng, cách nhớ được các vị trí lắp đặt để đưa vào lập trình vận hành...  Những phần mềm lập trình này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Quá trình luyện thi thầy trò luôn cùng gắn bó, tại xưởng thực hành của nhà trường, mọi ngày đều bắt đầu từ sáng sớm cho đến tận chiều tối, thầy trò cùng miệt mài, thực hành lắp đặt, lập trình, trao đổi, đề ra các giải pháp để tối ưu hóa sản phẩm. Từ đây, cả thầy và trò đã cùng đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập.

Trong công tác, thầy Trương Văn Chuyên đã được nhận nhiều bằng khen cấp bộ về chuyên gia huấn luyện thí sinh, vinh danh giáo viên dạy giỏi, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cùng nhiều giải thưởng khác. Điều quan trọng hơn thầy Chuyên đã đào tạo ra những lứa sinh viên thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.