Tại Lạc Xao có khá nhiều khách sạn, nhưng khách sạn lớn thì hầu như chủ là người Việt hoặc người Lào gốc Việt. Một số chủ khách sạn là những đầu mối buôn “hàng con” (từ dùng chỉ dân buôn động vật hoang dã). Khách sạn H. là một trong số đó.
Khách sạn H. ở ngay trung tâm thị trấn Lạc Xao. Bất cứ ai đi từ cửa khẩu Nậm Phao về Lạc Xao đều bị chú ý bởi sự bề thế khang trang. Nó có vị trí thuận lợi, lại được xây dựng rất quy mô. Khách sạn H. có tất cả các dịch vụ từ ngủ nghỉ, ăn uống, đổi tiền cho đến mua sắm quà lưu niệm (chủ yếu là bạc Lào, vàng và cả móng hổ…). Tuy nhiên, điều lạ là quán ăn rất vắng khách. Có lẽ sự bề thế đó chỉ là vỏ bọc cho hoạt động ngầm phía sau.
Hôm đầu tiên tới quán ăn, suốt cả buổi tối, nhóm PV là khách hàng duy nhất. Chúng tôi định đứng dậy ra về thì bất chợt nghe thấy tiếng láo nháo, rồi bà chủ quán chạy quanh lùa một số người vào trong nhà và đóng kín cửa.
Hỏi ra thì được biết, đó là lực lượng chức năng của Lào đi kiểm tra và truy bắt những tay buôn “hàng con” ở thị trấn, mà phần lớn là những người Việt từ bên kia biên giới sang. Mỗi lần như vậy, bà chủ lại bắt mọi người lẩn trốn trong khách sạn của mình.
Lần thứ 2, chúng tôi kéo thêm anh bạn Lào mới quen vào ăn uống. Bà chủ quán ngồi im một chỗ cảnh giới. Có lẽ, bà nghi ngờ khi không biết vô tình hay ngẫu nhiên mà lần đầu tiên chúng tôi ngồi ăn ở quán, công an Lào lại mở đợt truy quét ngay khu vực khách sạn H.
Phải lần thứ 3 tìm đến, nhóm PV mới tiếp cận được chủ quán. Bà tên K., quê ở Thanh Hóa, sang Lạc Xao buôn bán khoảng 20 năm nay. Chiều nào cũng vậy, bà khá bận rộn đổi tiền cho cánh lái xe và dân buôn từ Việt Nam sang. Đợi lúc vắng khách, chúng tôi lân la bắt chuyện một hồi rồi đặt vấn đề mua hổ.
Bà K. là người đa nghi, thận trọng. Sau những cái nhìn sắc lạnh ném về phía PV, bà thẳng thừng hỏi lại: “Có bán, nhưng tôi không dám nói. Các anh giống công an lắm”.
Tôi chỉ tay vào chiếc xe biển Hà Nội nói: “Chúng tôi từ Hà Nội sang. Mà nếu là công an Việt Nam thì đâu có dễ sang đất Lào bắt người được. Bà chủ đa nghi quá”.
Bà chủ khách sạn H.
Ngay lúc đó, có thêm 3 thanh niên bặm trợn đến rồi ngồi phía bàn nước trước cửa quán. PV nhanh chóng kể tên một số chủ buôn cỡ lớn người Việt trên đất Lạc Xao và nói được họ giới thiệu đến gặp bà Kim.
PV: Bà không tin thì thôi vậy. Tôi cũng có mối để xem hàng rồi, chỉ là nghe giới thiệu bà là một trong những chủ "hàng con" có uy tín nên muốn đến tham khảo. Thôi vậy, chúng tôi xin phép về.
Bà K.: Nói thật tôi vẫn sợ các chú là công an, vì dạo này tình hình nghiêm ngặt lắm. Mua ở đây thì tôi có, nhưng chú không mang hàng về được.
PV: Chủ hàng sẽ vận chuyển qua biên giới, còn phía Việt Nam chúng tôi sẽ lo.
Bà K.: Như thế thì được. Đặt cọc tiền chắc chắn mua mới được xem hàng, nhưng phải bao gồm cả giá vận chuyển đấy. Cho tôi xem hộ chiếu của chú được không?
Lấy lý do để tại khách sạn, chúng tôi hẹn bà hôm sau sẽ quay trở lại. Bà vẫn tỏ ra ngờ vực chúng tôi là công an. Vờ như tự ái, chúng tôi quay lưng lên xe bỏ đi. Không khó để nhận ra mấy thanh niên ngổ ngáo kia cũng lặng lẽ lên xe máy bám theo sau với một khoảng cách nhất định.
Về đến khách sạn, một người trong chúng tôi đi lên tầng, tìm một góc khuất phía ban công để quan sát. 3 thanh niên cũng đồng loạt tiến vào trong sảnh chính. Một người trong chúng tôi thì đi vào phòng vệ sinh tại tầng 1, hé cửa nhìn ra ngoài theo dõi hành động của nhóm thanh niên bám đuôi. Chúng vào quầy lễ tân mở sổ ghi chép thông tin của khách hàng thuê phòng, xì xồ một lúc bằng tiếng Lào với nhân viên lễ tân trước khi bỏ đi.
“Bà trùm”, người phụ nữ ở Hương Sơn mà chúng tôi đã kể chi tiết ở kỳ trước tiết lộ, bà K. là một chủ buôn “hàng con” cỡ bự ở Lạc Xao. Khách sạn H. chỉ là điểm giao dịch, còn kho hàng cất giấu ở đâu không ai biết, nhưng cái gì cũng có.
Trong lúc ăn cơm, biết chúng tôi sang Lào đánh hàng, em chồng bà K. tiết lộ, nguồn hàng của gia đình chủ yếu lấy từ Thái Lan, về tập kết Lạc Xao rồi vào Việt Nam qua mấy đường tiểu ngạch ở khu vực cửa khẩu Cầu Treo, hoặc đi đường 12 ở Quảng Bình. Đa phần là hổ chết, vì một phần là hổ săn bắn được trong tự nhiên, phần khác là vì vận chuyển chặng đường dài, thì ít có con hổ nào có thể sống sót.
Anh Hoàng (người Lào gốc Việt) cũng là dân buôn gỗ lậu mà chúng tôi tiếp cận được trong những ngày ở Lạc Xao khẳng định: Ở Lào có tiền là có thể vận chuyển hổ về. Có nhiều cách vận chuyển như lọc riêng thịt và xương hổ rồi đóng hộp xốp vùi dưới các mặt hàng phổ thông như thịt bò, thịt lợn,... hoặc cho vào gầm xe khách đưa qua cửa khẩu. Còn với những đường dây lớn, họ có nhiều thủ đoạn để vận chuyển với số lượng lớn qua cửa khẩu.
Ngoài ra, còn một con đường mà dân "hàng con" sử dụng là đi tiểu ngạch. Hổ được vận chuyển đến biên giới, rồi chúng thuê người dân tại các bản vùng biên vác qua núi mang vào Việt Nam.
Anh Hoàng, "bà trùm", hay những tay buôn người Việt trên đất Lạc Xao đều khẳng định, vận chuyển hổ từ Lào qua biên giới thì đơn giản, cái khó là lọt qua được đất Việt Nam bởi phía bên kia biên giới, các lực lượng chức năng truy quét khá gắt gao.
Tuy nhiên, với vô số mưu ma chước quỷ, các đầu nậu ở Việt Nam cũng tìm được đủ cách để đưa được hàng vượt qua biên giới, đến tận tay người mua và vào thẳng... nồi cao.