(GD&TĐ) - Mỗi lần đi qua cầu Rạch Miễu, nhìn về phía hạ lưu, thấy một vùng cây trái xanh tốt xa xa giữa lòng sông Tiền rộng lớn, tôi lại thấy mình như mắc nợ cùng cồn Long bởi mấy lần cứ lần lữa mãi mà chưa đến. Lần này, sau khi uống hết ly cà phê, ngắm những chiếc thuyền, ghe chở nặng trái cây của buổi bình minh sông nước, thấy gió xuân nhè nhẹ trên từng gợn sóng lăn tăn phía xa, tôi quyết định về thăm cồn Long.
Du khách tham quan cồn Long |
Sáng sớm, mặt trời còn e thẹn núp sau những tán sầu riêng xanh thẫm, gió từ phía sông thổi vào mát rượi, trên con đường đất đỏ nhỏ xíu có hàng cau cảnh thẳng tắp đan xen hai bên, tôi được anh bạn người địa phương dẫn qua hết các nhà vườn này đến nhà vườn khác. Dễ dàng nhận ra, ở cồn Long, nhà nào cũng trồng rất nhiều trái cây. Từ những đặc sản nổi tiếng như sầu riêng, chôm chôm, sơ-ri cho tới ổi không hạt, cam, xoài, vú sữa, mít… đều bén duyên cùng mảnh đất cồn Long. Nói vậy để thấy đây là một vùng đất lành, một chốn an cư dễ dàng với nhiều loại cây. Mùa này, gần Tết, trời phương Nam ấm áp hơn và cũng thơm nức hương và rộn ràng ong bướm. Anh Bùi Hữu Đôn, chủ một nhà vườn tâm sự cùng chúng tôi: “Gia đình mình chuyển tới cồn Long này đã gần hai chục năm. Trước kia, lúc còn nhỏ, nghe ai nói tới cồn Long là sợ”. Hỏi tại sao? Anh cười chẳng giấu giiếm gì: “Thì các cụ già bảo, hồi chiến tranh, Mỹ Diệm đã cho tất cả những người hủi (bệnh phong) của thành phố Mỹ Tho ra cồn Long ở vì nơi đây là một cù lao độc lập, tách biệt với đất liền. Thế nên, ai về sống ở đây là coi như bị hủi”. Mấy chục năm sau, cái tiếng vùng đất chết cứ đeo bám cồn Long, cho tới khi nó trở thành một điểm du lịch miệt vườn lý thú của đất Tiền Giang như bây giờ. Anh Đôn còn nói thêm, mà cái đất cồn Long này cũng lạ, mấy lần dân ở đây tưởng phải bỏ xứ mà đi, ai dè trời lại giúp, lại sống khỏe. Như cái vụ du lịch gần đây thôi. Hồi năm ngoái, nghe nói cù lao Thới Sơn bên kia tổ chức Hoa hậu thế giới, khách du lịch đổ hết về bên đó, nhiều người dân làm du lịch ở cồn Long định nhổ cây, bán ghe thuyền chuyển qua nghề khác thì bên Thới Sơn lại hết hoa hậu, du khách lại về với cồn Long.
Được mệnh danh là một trong tứ linh của đất miệt vườn vùng châu thổ, cồn Long, cùng với cồn Quy, cồn Phụng và cồn Lân đã tạo nên một bức tranh sông nước đẹp đẽ quyến rũ lòng người bởi những câu chuyện vừa hiện thực, vừa thần bí từ thủa cha ông đi mở cõi tới nay. Nghe các bậc cao niên trong cồn kể lại, cồn Long có từ thời vua Minh Mạng trị vì. Khi ấy, dòng sông Tiền rộng lớn và hung hăng hơn thế này rất nhiều. Tàu thuyền đi qua vùng này thường bị chìm do có một con giao long ở giữa dòng hút lấy. Thế là cư dân hai bên bờ sông Tiền không làm sao qua lại buôn bán được. Sợ quá, người dân liền lập đền thờ cúng trời đất bảy ngày, bảy đêm cầu mong con giao long ấy mang lại bình yên cho mọi người. Quả nhiên, lời cầu ứng mệnh. Giữa lòng sông hiện lên một vùng đất, nhìn xa xa dài như một con rồng nằm phục. Dân bảo nhau, con giao long xưa đã hóa thân vào trời đất, tạo nên một trong những cồn trù phú bậc nhất xứ miệt vườn. Ngày nay, đứng trên cầu Rạch Miễu nhìn ra xa, chúng ta sẽ dễ dàng thấy cồn Long nằm như thế rồng phục sát bờ sông, đầu ghếch hướng thành phố Mỹ Tho, đuôi vẩy xuống đoạn cù lao Thới Sơn. Hiện nay, ở trên cồn Long vẫn còn một ngôi miếu nhỏ để thờ con giao long ngày xưa, một chứng tích mà tiền nhân để lại cùng những lời giáo huấn sâu sắc cho con cháu về đạo đức của con người và thiên nhiên.
Cồn Long - nhìn từ dòng sông Tiền |
Mùa này, sông Tiền sóng lặng, khách đến cồn Long sẽ dễ dàng và êm ả hơn. Những chuyến đò với người con gái mặc áo bà ba, quàng khăn rằn ri chèo lặng lẽ cũng là một đặc sản của người dân sông nước nếu có ai muốn khám phá xung quanh cồn Long. Hòa chung không khí mùa xuân đang về trên các nẻo đường đất nước, người dân cồn Long cũng tất bật chuẩn bị thu hoạch những sản vật của quê hương mình. Ai đó nói, nếu Tiền Giang là vương quốc trái cây của khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì những cù lao ở sông Tiền lại là vương quốc trái cây của Tiền Giang. Trong hơn chục cái cù lao của tỉnh này, nơi nào tôi cũng thấy vô vàn những trái cây ngon ngọt mà cồn Long là một trong số đó.
Ấn tượng hơn cả, ở cồn Long, nhà kho, vườn cây không bao giờ phải đóng cửa. Ngay cả trên những con đường chạy khắp xã, hoa trái sai trĩu quả cứ quấn lấy chân người. Có lẽ, đây là điều đặc biệt của riêng những xứ cù lao mới có mà thôi. Ở đó, mọi cái đều hào phóng, không ai tham lam, bon chen của ai một chút gì. Con người sống với nhau bằng tình cảm, sự tin yêu và cả những điều cao thượng mà có lẽ ngoài cù lao ra, không nơi đâu có được. Tất cả, tạo nên một bản nhạc cồn Long êm đềm, yên ả, thanh bình và nhẹ nhõm giữa dòng sông đời xô bồ, cuộn sóng.
Chia tay cồn Long, tôi cứ lưu luyến mãi. Không phải vì chùm nhãn mòng ngọt lịm mà chủ quán nước hào phóng đưa cho bảo, chú ăn thử đặc sản cù lao xem có khác trên thành phố không mà vì tôi không hình dung được về cồn Long. Đó là việc làm sao ở cách Mỹ Tho hơn một trăm mét đường chim bay lại có một nơi kỳ lạ và độc đáo đến thế. Nói rõ hơn, tôi gần như bị lạc đường, bị mê mải, hút hồn trong một xứ sở chỉ có màu xanh miên man bất tận, chỉ có hương thơm ngào ngạt dẫn đường, chỉ có những nẻo đất đỏ hiền hòa đưa lối. Vì thế, tôi phải lên lại cầu Rạch Miễu, ngắm cồn Long từ trên cao, ở phía xa xa và thật kỳ lạ, giờ cồn Long y chang một con rồng nằm phủ phục bên thành phố Mỹ Tho hoa lệ, như tự bao giờ.
Đoàn Đại Trí