Đô thị đại học là một mô hình phát triển cao của nền giáo dục đại học, được xuất hiện lần đầu tiên ở Anh và sau đó tại một số nước phát triển. Quy hoạch xây dựng đô thị đại học thông thường từ 5 – 10 năm, đều thuộc vào quy hoạch ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi tính toán đến hiệu quả của giáo dục và tính chất phát triển bền vững của đại học thì bắt buộc phải lập quy hoạch từ 10 năm trở lên.
Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Láng - Hòa Lạc, Đại học Quốc gia TP.HCM, khu đại học phố Hiến (Hưng Yên)… hay những dự án khu đô thị đại học được đầu tư xây dựng nhằm di dời các trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm TP.HCM và TP.Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay các dự án chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, khi nhiều trường đại học "ngại" dời đến.
Tại khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, sau gần 20 năm được xây dựng mới chỉ có số ít công trình theo quy hoạch, mục tiêu. Trước đó, các đơn vị chức năng của Đại học Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội) đã báo cáo Phó Thủ tướng những khó khăn trong việc triển khai dự án xây dựng dự án.
Cụ thể, trong năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp 150 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng nhưng hiện Đại học Quốc gia Hà Nội mới giải ngân được 7 tỷ; nhiều hộ dân không nhận đất tái định cư; Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp hơn 1.000 ha nhưng chồng lấn nhiều loại đất; quá trình thu hồi đất vướng nhiều đơn vị quản lý; khó khăn trong xác định nguồn đất…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, hiện Đại học Quốc gia Hà Nội mới được cấp hơn 2.000 tỷ/25.000 tỷ thì phải điều chỉnh lại các dự án nhỏ, nhưng khi hỏi ý kiến các bộ, ngành thì các bộ, ngành đều yêu cầu “phải đúng theo quy định pháp luật”.
Do đó, đây chính là một vướng mắc lớn, dẫn đến chậm tiến độ xây dựng dự án. Thêm nữa, dự án triển khai từ năm 2008, đã qua gần 13 năm và đến năm 2025 phải xong, tức là chỉ còn 3 năm nữa, nhưng hiện mới giải ngân được 10%, thì liệu năm 2025 dự án có xong?
Dự án Đại học quốc gia Hà Nội nằm trên đất của huyện Thạch Thất cách trung tâm Hà Nội 30km về phía tây, với quy mô sử dụng đất là khoảng 1.113,7 ha.
Các dự án đô thị đại học tại những thành phố lớn hiện chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí nhiều dự án chậm tiến độ đến hàng chục năm. |
Liên quan đến vấn đề đô thị giáo dục, tháng 12/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã trình Thủ tướng xin kết thúc việc triển khai Đề án xây dựng khu Đại học Phố Hiến sau 13 năm triển khai không có hiệu quả và và thu hẹp lại khu đại học, chỉ giữ lại khoảng 200 ha đất để bố trí cho trường đại học có nhu cầu về xây dựng cơ sở đào tạo.
Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến được phê duyệt năm 2009, quy mô sử dụng đất khoảng 1.000 ha, gồm đất xây dựng các cơ sở đại học, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ khoảng 700 ha, đất xây dựng đô thị khoảng 300 ha tại TP.Hưng Yên và huyện Tiên Lữ, quy mô đào tạo khoảng 80.000 sinh viên và khoảng 500 - 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu.
Một trường hợp khác là dự án khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, dù đã triển khai thực hiện hơn 20 năm nhưng đến nay chưa hoàn thành do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Được biết, Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện trên diện tích lớn, thời gian thực hiện kéo dài từ năm 1998 đến nay, trượt giá cao, dẫn đến việc khiếu nại của người dân tăng cao. Đặc biệt tại các vị trí có khả năng kinh doanh sinh lợi cao; các hộ dân xây phòng trọ, cho thuê mặt bằng, buôn bán kinh doanh nên nhiều hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng hoặc cố tình kéo dài thời gian thu hồi mặt bằng.
Bên cạnh đó, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vốn cấp cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hằng năm. Chính sách giá đền bù các khu vực có thay đổi theo thời gian do chế độ chính sách của địa phương thay đổi dẫn đến diện tích đất được người dân bàn giao không liền thửa nên rất khó khăn trong công tác quản lý chống tái lấn chiếm, đất để trống nhưng không sử dụng được.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô các đô thị lớn đang vấp phải cùng lúc ba khó khăn, đó là thiếu quỹ đất đủ lớn, thiếu nguồn lực xây dựng và thiếu cơ chế chính sách phù hợp để di dời các trường đại học.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia quy hoạch cho rằng, tâm lý cán bộ, giảng viên, sinh viên ngại di chuyển về cơ sở mới của các trường đại học xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, thiếu ký túc xá, thiếu nhà ở tại các khu đại học mới. Muốn di dời các trường đại học cần tính tới cả nơi ở để giảng viên, chuyên gia yên tâm chuyển tới nơi mới. Trong đó, cần tính tới việc hỗ trợ chỗ ở cho giảng viên, chuyên gia với giá hợp lý, điều mà hiện nay chưa có.