Hưng Yên xin dừng triển khai đô thị đại học Phố Hiến: Nút thắt nằm ở đâu?

GD&TĐ - Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã trình Thủ tướng xin kết thúc việc triển khai Đề án xây dựng khu ĐH Phố Hiến sau 13 năm triển khai không có hiệu quả.

Hưng Yên xin dừng triển khai đô thị đại học Phố Hiến: Nút thắt nằm ở đâu?

Cụ thể, Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến được phê duyệt năm 2009, quy mô sử dụng đất khoảng 1.000 ha, gồm đất xây dựng các cơ sở đại học, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ khoảng 700 ha, đất xây dựng đô thị khoảng 300 ha tại TP.Hưng Yên và huyện Tiên Lữ, quy mô đào tạo khoảng 80.000 sinh viên và khoảng 500 - 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu.

Về nguồn vốn đầu tư, khu đại học Phố Hiến theo phê duyệt ban đầu có chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung khoảng 5.530 tỉ đồng, trong đó tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng 300 ha đất đô thị trong khu đô thị đại học khoảng 4.800 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác 730 tỉ đồng.

Theo Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến năm 2009 thì sẽ có 10 trường đại học được xây dựng tại đây gồm: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông nghiệp 1, Đại học Công đoàn, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Đại học tư thục mỹ thuật công nghiệp Việt Á Châu, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Giao thông vận tải, Viện đại học Mở Hà Nội.

Trong quá trình triển khai đề án những năm qua, có thêm một số trường, nhà đầu tư khảo sát đầu tư xây dựng cơ sở mới tại khu đại học Phố Hiến như Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, các trường: Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Ngoại giao, Đại học FPT, Đại học Kyungpook, Đại học Suwon và Trung tâm sáng tạo khoa học Hàn Quốc.

Khu đô thị đại học Phố Hiến sau nhiều năm chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Khu đô thị đại học Phố Hiến sau nhiều năm chậm tiến độ, không phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Tỉnh Hưng Yên cho biết, hầu hết các trường đã tổ chức đoàn khảo sát, tìm hiểu khu đại học Phố Hiến, đều ghi nhận, đánh giá cao và lên phương án sơ bộ để di dời từ Hà Nội về khu đại học Phố Hiến. Tuy nhiên, các trường chưa tìm được giải pháp về nguồn vốn đầu tư xây dựng và một phần do tâm lý của cán bộ giảng viên, sinh viên các trường chưa đồng thuận, chưa yên tâm khi chuyển về địa điểm mới.

Để tháo gỡ khó khăn cho các trường, UBND tỉnh Hưng Yên đã có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các trường đại học công lập nhưng đến nay sau 13 năm triển khai, khu đại học này mới chỉ thu hút được Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An về xây dựng cơ sở đào tạo.

Từ tình hình triển khai xây dựng khu đại học Phố Hiến quá chậm, không phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra, Hưng Yên kiến nghị Thủ tướng cho dừng thực hiện Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến. Tỉnh cam kết giữ lại 200ha đất trong khu đại học để tiếp tục nhận các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp có nhu cầu xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại khu đại học Phố Hiến.

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, tại Việt Nam, cách hiểu về đô thị đại học vẫn mang tính khép kín về công năng và quản lý, chưa quan tâm nhiều đến sự tương tác của các bộ phận trong đô thị đại học với các hoạt động kinh tế – xã hội khác bên ngoài nhà trường đại học.

Các nhà quản lý và quy hoạch quan tâm nhiều nhất đến các chức năng giáo dục và dịch vụ phục vụ sinh viên và những người đang làm việc bên trong cơ sở giáo dục đại học. Bản thân các mô tả về đô thị đại học ở Việt Nam chưa nhấn vào khía cạnh thể chế pháp lý đô thị của đô thị đại học.

Mặt khác, theo ông Phương, các dự án xây dựng khu đại học ở phía Bắc đến nay vẫn không có nhiều chuyển động, sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học đến các khu đô thị đại học mới này cho chúng ta thấy tư duy quản lí mới dừng ở xây dựng mới hạ tầng cho giáo dục mà chưa suy xét đến mối quan hệ kinh tế – xã hội của các khu đại học với các địa phương lân cận.

Ở một góc nhìn khác, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhận định, việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô các đô thị lớn đang vấp phải cùng lúc ba khó khăn, đó là thiếu quỹ đất đủ lớn, thiếu nguồn lực xây dựng và thiếu cơ chế chính sách phù hợp để di dời các trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.