Đô thị hiện đại vẫn ‘vắng bóng’ các trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực trạng các khu đô thị tại Hà Nội, TP.HCM “bỏ quên” trường học đã trở nên rất phổ biến hơn 10 năm qua.

Đô thị hiện đại vẫn ‘vắng bóng’ các trường học

Đô thị phát triển nhưng "bỏ quên" trường học

Thực trạng các khu đô thị tại Hà Nội, TP.HCM “quên” trường học không còn là vấn đề mới, không phải chỉ xảy ra trong vài năm trở lại đây, mà thậm chí đã trở nên rất phổ biến hơn 10 năm qua.

Thống kê số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, năm học 2022 - 2023, TP.Hà Nội có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, sĩ số học sinh/lớp tại thành phố thường cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Sĩ số học sinh tiểu học ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp. Thậm chí, có nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp, nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp.

Theo quy chuẩn xây dựng, mỗi phường có không quá 20 nghìn người, nhưng thực tế một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội có dân số tăng quá cao.

Kết quả rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học phổ thông): 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình công cộng với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; 27 dự án có tiến độ xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch.

Đáng chú ý, còn 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Thực trạng khu đô thị tại Hà Nội, TP.HCM “quên” trường học đã trở nên rất phổ biến hơn 10 năm qua. (Ảnh minh họa)

Thực trạng khu đô thị tại Hà Nội, TP.HCM “quên” trường học đã trở nên rất phổ biến hơn 10 năm qua. (Ảnh minh họa)

Trong số hàng loạt các khu đô thị thiếu trường học phải kể đến những cái tên như: KĐT Đoàn Ngoại giao (do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp làm chủ đầu tư), KĐT Xuân Phương Viglacera (Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư), KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - HUD thuộc Bộ Xây dựng đầu tư), KĐT mới Cầu Bươu (Tổng Công ty Đầu Tư và Phát Triển Nhà Hà Nội - Handico làm chủ đầu tư), Khu chức năng đô thị Ao Sào (Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư), KĐT mới Vân Canh (HUD làm chủ đầu tư), KĐT mới Phùng Khoang (Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư)…

Chuyên gia đề xuất giải pháp

Trao đổi với báo chí, TS Hoàng Ngọc Vinh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo nêu quan điểm: “Việc các khu đô thị không có trường học thể hiện sự yếu kém trong quản lý, thậm chí là thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, các sở ngành tại Hà Nội.

Thậm chí, việc chính quyền địa phương buông lỏng kiểm tra, xử lý, để đất xây dựng trường bị hoang hóa trong các khu đô thị là sự lãng phí rất lớn".

Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm xây nhà để bán, đầu tư thương mại sinh lời, mà không quan tâm đến phục vụ an sinh.

Nhiều khu đô thị trước đây có 5 tòa chung cư với một trường học, 3 năm sau xây thêm 5 tòa khác, quy mô dân số tăng gấp đôi nhưng vẫn chỉ một trường, thậm chí còn không tăng thêm diện tích đất, mở rộng phòng, lớp cho trường học. Trong khi đó, số trẻ của 10 tòa chung cư dồn lại một trường, sĩ số 60 - 65 em/lớp thì lấy đâu ra chất lượng tốt.

Đây chính là nguyên nhân của việc quá dễ dãi trong cấp phép xây dựng và quy hoạch đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển giáo dục, con người.

Đề xuất giải pháp để giải bài toán thiếu trường lớp tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần siết chặt khâu quản lý quy hoạch cũng như quá trình đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch. Mạnh tay hơn có thể quy định, số tòa chung cư, số hộ dân/trường học, nếu không đảm bảo đủ quy định thì cương quyết không cấp phép xây dựng.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần phải thanh tra toàn bộ đất dành cho giáo dục tại các khu đô thị khi mà nhiều khu đô thị ở Hà Nội đang “bỏ quên” trường học.

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan thanh tra vào cuộc, xử lý rõ trách nhiệm của địa phương và các chủ đầu tư không hoàn thành trách nhiệm xây dựng hạ tầng xã hội nhưng đã bán nhà cho người dân. Việc giám sát và triển khai công tác quy hoạch ở các khu đô thị là quan trọng nhất với nội dung trọng tâm là giám sát quỹ đất dành cho trường học trong khu đô thị triển khai đến đâu.

“Nếu chủ đầu tư xây dựng nhà trước để bán thu lợi nhuận trước mà chưa xây trường học thì phải kiểm tra, nếu đã quá hạn rồi thì không chỉ thu hồi mà còn phải xử phạt. Thực hiện nghiêm chế tài về quy hoạch và xây dựng để các chủ đầu tư khác thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ