Vừa qua, cô đã đại diện cho khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2023 phát biểu trong lễ tốt nghiệp của trường.
Bài phát biểu và câu chuyện về sự vươn lên từ nghịch cảnh của người phụ nữ 39 tuổi đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Trung Quốc. Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Dong Lina được chẩn đoán mắc bệnh nhược thị bẩm sinh và mất đi thị lực vào năm 10 tuổi. Từ nhỏ, Lina đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đi học.
Năm 1992, khi lên 8 tuổi, cô chuyển đến học tại trường dành cho người khiếm thị và khiếm thính ở Đại Liên. Tại đây, thay vì học văn hóa, cô được dạy kỹ thuật mát-xa trị liệu của người mù vì hầu hết người khuyết tật ở Trung Quốc làm công việc này để kiếm sống. Tin rằng đây là “lối thoát” duy nhất của bản thân, Lina chăm chỉ học nghề dù bản thân cô mong mỏi được học lấy tri thức.
Năm 2003, Lina bỏ học và làm việc tại một tiệm mát-xa. Hàng ngày, sau giờ làm việc, cô gái trẻ mày mò học tiếng Anh bằng chữ nổi và các chương trình truyền hình. Ba năm sau, cô nghỉ việc và đăng ký tham gia chương trình đào tạo phát thanh và sáng tác thơ dành cho người khiếm thị ở Bắc Kinh.
Nhờ chăm chỉ học hành, Lina là người có số điểm cao nhất trong bài kiểm tra trình độ tiếng Quan thoại và giành vị trí thứ 2 trong cuộc thi đọc thuộc lòng toàn quốc. Để tiếp tục học tập có hệ thống, Lina đăng ký tham gia cuộc thi dành cho người tự học vào năm 2011 nhưng không đủ điều kiện vì là người khuyết tật. Dù vậy, Lina đã kiên trì đăng ký và cuối cùng được ban tổ chức chấp thuận. Cô là người khiếm thị đầu tiên được tham gia kỳ thi.
Nhiều năm sau, Lina nhận bằng cử nhân chuyên ngành Phát thanh và Truyền hình sau khi tham gia kỳ thi dành cho thí sinh tự do tại Đại học Truyền thông Trung Quốc. Cô được mời dẫn chương trình phát thanh về Văn học.
Ngoài ra, Lina còn là thành viên của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các khoá học công cộng cho trẻ em khiếm thị trên toàn quốc. Cô cũng là giáo viên bán thời gian tại một cơ sở đào tạo ngôn ngữ.
Năm 2020, Lina đăng ký học thạc sĩ ngành Phát thanh và Truyền hình tại Đại học Truyền thông Trung Quốc. Cô theo học chương trình giống với các học viên khác nhưng qua hình thức tài liệu điện tử, chữ nổi.
Theo nữ thạc sĩ, ngày xưa không có nhiều sách chữ nổi nên việc học tri thức đối với người khiếm thị còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, người khiếm thị có thể sử dụng Internet với nhiều công nghệ hỗ trợ nên việc học tập có phần thuận lợi hơn.
Trong thời gian làm khoá luận tốt nghiệp, Lina đã đọc hàng vạn trang tài liệu bằng tiếng Trung và tiếng Anh thông qua phần mềm đọc màn hình, xem khoảng 100 bộ phim để bổ sung tư liệu, thu thập dẫn chứng. Cô đã hoàn thành bài luận dài 60.000 từ và xuất sắc nhận bằng thạc sĩ.
“Mong rằng dù ở đâu, làm gì, chúng ta cũng giữ được ước mơ, lòng kiên định, sống thực tế và bình tĩnh vượt qua mọi gian khó”, Dong Lina phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp hôm 28/6.
“Đại học Truyền thông Trung Quốc là môi trường giáo dục hòa nhập, cởi mở với những sinh viên giáo dục đặc biệt như tôi. Thành công của tôi có phần lớn nhờ môi trường giáo dục này”, Dong Lina chia sẻ.