Chàng trai khiếm thị tự học thành luật sư

GD&TĐ -Pan Mingjing, 35 tuổi, sống tại Quảng Châu, hiện là người khiếm thị đầu tiên vượt qua Kỳ thi nghề luật quốc gia Trung Quốc, và được cấp chứng chỉ luật sư chuyên nghiệp. Hành trình vượt lên số phận của Pan đã truyền cảm hứng tự học cho nhiều người khuyết tật.

Pan Mingjing nhận chứng chỉ năng lực hợp pháp vào tháng 5.
Pan Mingjing nhận chứng chỉ năng lực hợp pháp vào tháng 5.

Đối với Pan Mingjing, việc nhận được chứng chỉ năng lực nghề luật hợp pháp vào giữa tháng 5 vừa qua là điều đã mong ước từ lâu.

“Tôi đã chờ đợi giây phút này hơn 4 năm. Người khuyết tật có ước mơ hãy dũng cảm và mạnh dạn theo đuổi chúng. Chúng ta không bao giờ từ bỏ ước mơ”, Pan chia sẻ.

Pan mất thị lực sau một cơn bạo bệnh khi mới 4 tuổi. Thời trẻ, anh học mát-xa ở Nam Ninh rồi chuyển đến sống tại Quảng Châu năm 2003. Từ năm 2017, anh bắt đầu nghe các khóa học trên điện thoại di động 3 - 4 giờ mỗi ngày để chuẩn bị cho các kỳ thi luật pháp lý.

Biết hoàn cảnh khó khăn của Pan, hiệp hội luật sư địa phương và các tình nguyện viên đã giúp Pan thu thập tài liệu học tập và đăng ký trực tuyến cho kỳ thi. Nhân viên thư viện Sun Yat-Sen tại Quảng Châu còn giúp Pan thực hành hai lần một tuần để cải thiện tốc độ.

Văn phòng Tư pháp Quảng Châu cũng tạo điều kiện cho Pan khi sắp xếp cho anh làm bài thi ở một địa điểm riêng biệt có kết nối giao thông thuận tiện. Giám thị là những người có kỹ năng phát âm tiếng Trung chuẩn xác và thông thạo thuật ngữ pháp lý.

Sau khi nhận được chứng chỉ vào tháng 5, Pan chính thức bước vào con đường luật sư. Hiện, Pan là thực tập sinh tại công ty luật Kingpound Quảng Châu

Chàng trai dự định trở thành luật sư phúc lợi công cộng và hy vọng cung cấp các dịch vụ pháp lý cho người khuyết tật bằng cách sử dụng kiến thức của mình về luật để bảo vệ quyền của họ và giúp họ hòa nhập xã hội.

Một thành viên của Trung tâm Dịch vụ Pháp lý công Quảng Châu nhận xét, câu chuyện của Pan gây xúc động và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị.

Ông Cai Fei, Phó Giám đốc Kingpound Quảng Châu, bày tỏ: “Câu chuyện của Pan rất truyền cảm hứng. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp nền tảng và cơ hội cũng như đóng vai trò là người hướng dẫn cho anh ấy. Tôi tin Pan sẽ nhận được chứng chỉ năng lực và trở thành luật sư toàn thời gian trong thời gian tới”.

Dù vậy, Pan thừa nhận con đường phía trước có thể không suôn sẻ. Anh cho biết hiện nay không có nhiều người khiếm thị làm luật sư ở Trung Quốc nên có ít bài học và kinh nghiệm từ các tiền bối. Hiện, anh chủ yếu học luật lao động và tìm hiểu về tranh chấp lao động với người hướng dẫn.

Theo thống kê, Trung Quốc có hơn 80 triệu người khuyết tật, trong đó 10 triệu người khiếm thị.

“Là luật sư, tôi chắc chắn sẽ sử dụng kiến thức của mình để giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật”, Pan chia sẻ.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...