Nữ diễn giả khiếm thị lan tỏa tinh thần vượt khó tới học sinh

GD&TĐ - Là cựu học sinh khiếm thị của Trường Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội), Đào Thu Hương đã truyền cảm hứng về tinh thần vượt khó tới các em học sinh.

Chị Đào Thu Hương (trái) chia sẻ về hành trình nỗ lực học tập của mình tới các em học sinh Trường Lương Thế Vinh.
Chị Đào Thu Hương (trái) chia sẻ về hành trình nỗ lực học tập của mình tới các em học sinh Trường Lương Thế Vinh.

Nghị lực phi thường

Sáng 15/5, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) đã tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc với chủ đề “Vượt qua khó khăn, chuyển áp lực thành động lực để thành công”. Diễn giả là thạc sĩ Đào Thu Hương – cựu học sinh của Trường Lương Thế Vinh niên khóa 2003 - 2006. Chị là nữ khiếm thị đầu tiên của Việt Nam làm việc tại tổ chức Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Bà Đào Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Lương Thế Vinh nhớ lại, khoảng 20 năm trước, Đào Thu Hương là cô bé học trò đặc biệt nhất của trường. Khi học hết bậc THCS, gần như không một trường THPT công lập nào dám tiếp nhận em vào học lớp 10 vì em bị khiếm thị. Thời điểm đó, Hương đã đến gặp và trình bày nguyện vọng với thầy Văn Như Cương – khi đó là Hiệu trưởng nhà trường. Sau buổi gặp mặt đó, Hương đã được nhận vào học lớp 10 tại trường và học rất giỏi.

Bà Đào Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Lương Thế Vinh không thể quên được cô học trò xuất sắc Đào Thu Hương của 20 năm trước.

Bà Đào Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Lương Thế Vinh không thể quên được cô học trò xuất sắc Đào Thu Hương của 20 năm trước.

Cô Văn Thùy Dương – Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ lòng khâm phục khi trong những năm tháng học tại trường, cô học trò nhỏ Đào Thu Hương dù khiếm thị nhưng đã thể hiện rất tốt tư duy Toán học của mình. Thậm chí, những bài toán Hình học được Hương giải quyết rất nhanh và chính xác không thua kém các bạn cùng trang lứa. Đây là một cô gái có nghị lực phi thường đã vượt mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Giao lưu với các em học sinh tại chương trình, thạc sĩ Đào Thu Hương vẫn không thể quên được những năm tháng được gắn bó với mái trường này, nơi mình đã được các thầy cô dìu dắt, yêu thương và dạy cho những bài học làm người vô cùng quý giá. Trong đó, phải kể tới công lao rất lớn của thầy Văn Như Cương - người đã trao cho Hương cơ hội được tiếp tục chặng đường học tập để khẳng định giá trị của bản thân.

Những câu hỏi thắc mắc của học sinh đều được diễn giả trao đổi, trả lời ngay tại sân khấu.
Những câu hỏi thắc mắc của học sinh đều được diễn giả trao đổi, trả lời ngay tại sân khấu.

"Thời điểm đó, xã hội còn khá kỳ thị với những người yếu thế, trong đó có người khiếm thị. Dù vậy, hình ảnh những người khiếm thị đi hát ở các ngã tư đường phố luôn ám ảnh tôi để mình càng quyết tâm phải tự khẳng định được giá trị của mình. Và chỉ có con đường học là con đường đúng đắn nhất nên tôi đã được gia đình, thầy cô động viên, truyền động lực để ra sức phấn đấu trong học tập thì mới mong cuộc sống mình tốt lên được" - nữ diễn giả Đào Thu Hương tâm sự.

Biến khó khăn thành động lực

Các em học sinh Trường Lương Thế Vinh chăm chú lắng nghe chia sẻ từ vị nữ diễn giả về bài học tinh thần nghị lực.

Các em học sinh Trường Lương Thế Vinh chăm chú lắng nghe chia sẻ từ vị nữ diễn giả về bài học tinh thần nghị lực.

Dù là người khiếm thị, thạc sĩ Đào Thu Hương đang làm khá nhiều công việc như quản lý chương trình hòa nhập cho người khuyết tật. Chị làm việc với nhiều tổ chức, đơn vị cá nhân hoặc các Bộ như: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động thương binh và Xã hội để góp phần cải thiện chính sách về người khuyết tật tại Việt Nam để tương thích hơn với các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia. Giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và đóng góp vào giám sát việc đảm bảo quyền lợi người khuyết tật tại Việt Nam.

"Người khuyết tật khi sinh ra đã thiệt thòi, thiếu tự tin nên càng dễ bị tổn thương. Họ cũng có lòng tự trọng và cần được đối xử công bằng trong xã hội. Ngày nay, chúng ta phải làm sao để cộng đồng có cái nhìn đồng cảm hơn với những người khuyết tật và người yếu thế trong xã hội. Ta phải có một áp lực trong cuộc sống để tạo động lực cho mình. Cuốn sách hay nhất của cuộc đời mình chính là do ta tự viết nên. Ta phải chịu khó vượt qua áp lực để vươn lên trong cuộc sống", thạc sĩ Thu Hương nói.

Đại diện nhà trường đánh giá cao những chia sẻ tâm huyết của Th.sĩ Đào Thu Hương tại chương trình.

Đại diện nhà trường đánh giá cao những chia sẻ tâm huyết của Th.sĩ Đào Thu Hương tại chương trình.

Chia sẻ với các em học sinh, nữ diễn giả cho hay khi lên học đại học, mỗi khoa/trường lại chọn những quyển sách khác nhau nên người khiếm thị rất khó khăn khi tiếp cận vì chưa có sách chữ nổi. Từ đó đã thôi thúc cô mong muốn những người khiếm thị sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, tiếp cận với sách nhiều hơn, trong đó có sách số từ nhiều nước trên thế giới. Đó là cái duyên đưa Hương đến với UNDP.

Tại ngày hội, học sinh của trường còn được lựa chọn nhiều đầu sách các loại để về nhà đọc.

Tại ngày hội, học sinh của trường còn được lựa chọn nhiều đầu sách các loại để về nhà đọc.

"Các em học sinh đang có rất nhiều cơ hội tốt để phát triển. Sách có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Cho dù chúng ta có khiếm khuyết nào đó trên cơ thể hay không, nhưng nếu có tinh thần vượt khó vươn lên thì ta sẽ chiến thắng mọi rào cản, tự khẳng định được bản thân. Tôi rất tâm đắc với lời dạy của thầy Văn Như Cương, lửa thử vàng gian nan thử sức, có khó khăn chông gai sẽ tôi luyện nên những người tử tế" - diễn giả Đào Thu Hương tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.