Kỷ niệm ăn Tết tại nhà... Tổng Lãnh sự

GD&TĐ - Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm 2017, chị Phạm Thị Bích Ngọc -  nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Sydney, học viên Chương trình Học bổng Chính phủ Australia - bồi hồi, xúc động kể lại những trải nghiệm không thể nào quên vào dịp tết cổ truyền đầu tiên ở xứ sở Kangaroo.

Chuẩn bị tiệc đầu năm tại nhà Tổng Lãnh sự. Ảnh: Khoa Le Dang
Chuẩn bị tiệc đầu năm tại nhà Tổng Lãnh sự. Ảnh: Khoa Le Dang

Trái ngược với hình dung của chị về  không khí vắng lặng của tết cổ truyền Á Đông trên đất nước phương Tây này, tết Đinh Dậu diễn ra thật bất ngờ và rộn ràng đến đến mức chị tưởng chừng mình vẫn đang đón tết ở quê hương.

Nấu bánh chưng giữa lòng Sydney

Chị Ngọc kể:

“Ngày Tết Việt ở Úc ,sinh viên vẫn đi học, Việt kiều vẫn đi làm nhưng may mắn Tết năm rồi rơi đúng vào cuối tuần nên không khí chuẩn bị trở nên sôi động hơn. Trước Tết vài ngày, nhóm sinh viên tụi mình đã cùng với các gia đình Việt Kiều ở Dulwich Hill đã tổ chức nấu bánh chưng.

Thịt và nếp được mua từ siêu thị bán sỉ với giá rất hợp với sinh viên. Lá gói bánh là những lá dong khô được gởi từ Việt Nam sang rồi luộc lại. Nồi và khuôn bánh được mượn từ một người bạn Úc rất mê văn hóa Việt Nam và ông đã đúc sẵn nồi cho dịp đặc biệt này.

Gói bánh chưng tại nhà Dulwich Hill, Ảnh: Ngoc Pham
Gói bánh chưng tại nhà Dulwich Hill, Ảnh: Ngoc Pham

Mình vẫn nhớ cảm giác lo lắng việc đốt lửa nấu bánh chưng trong sân vườn có ảnh hưởng đến việc báo cháy không. Thật may khi sang nói chuyện với những người hàng xóm Úc, họ rất cởi mở đón nhận văn hóa của người Việt. Nhờ có ánh lửa bập bùng của nồi bánh mà không khí tết chợt ùa về tràn ngập khắp nơi.

Ngoài ra, tụi mình còn có một bạn nữ khéo tay khác của Đại học Sydney đã phụ trách tự cắt dán trang trí cành đào, cành mai và dưa hấu đỏ cho ngày tết.  

Sydney là thành phố được rất nhiều người dân Châu Á chọn làm đất lành để phát triển sự nghiệp nên ngày xuân ở những nơi công cộng như Darling Harbour cũng nhộn nhịp những lễ hội văn hóa Á Đông. Mình đã dẫn con gái tham dự lễ hội với cảm giác rất lạ. Nó vừa quen thuộc mà cũng thiếu vắng, mênh mang cái gì đó.

Có lẽ, đó là cảm giác không còn gánh trên vai cái trách nhiệm mà xã hội đã “để dành” của những người phụ nữ chuẩn bị tết cho gia đình, cho cơ quan và cho xã hội.

Ảnh lưu niệm tập thể. Ảnh: Hang Luong
Ảnh lưu niệm tập thể. Ảnh: Hang Luong

Đón xuân tại nhà Tổng Lãnh sự

Mồng Hai tết, du học sinh chúng mình đã được cùng bà con Việt Kiều đón Tết tại nhà Tổng Lãnh sự Việt Nam ở Sydney. Ban đầu, chỉ là câu chuyện giữa bạn Đinh Quỳnh Anh và mình định làm một buổi gặp gỡ, giao lưu ngoài công viên để đón xuân tại Úc cho các bạn sinh viên không có điều kiện về quê ăn tết.

Sau đó, Tổng Lãnh sự, anh Hoàng Minh Sơn, biết được và mời về nhà “vì nhà Tổng Lãnh sự là đất của Việt Nam, đón xuân tại nhà Tổng Lãnh sự coi như mọi người đón tết trên quê hương Việt Nam”.

Anh Hoàng Minh Sơn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney phát biểu. Ảnh: Ngoc Pham
Anh Hoàng Minh Sơn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney phát biểu. Ảnh: Ngoc Pham

Lời mời gọi với hai tiếng Việt Nam ấy có sức mạnh thu hút đến không ngờ. Từ chỗ dự định khoảng vài chục người thì số lượng tăng lên hàng trăm người tham dự. Thế là ngày hôm ấy đã thật sự trở thành ngày hội của những người già, của trẻ em, của sinh viên với  với người đại diện Chính phủ Việt Nam.

Khi được hỏi con thích gì nhất trong dịp tết vừa rồi ở Sydney, bé Minh Thi (lớp 2, theo mẹ sang Úc học) đã  trả lời “Con thích nhất  là được chơi ở nhà Đại sứ. Con thích  được nhận lì xì. Trước hôm đó, con còn thích được cùng các cô chú tô màu cho hoa mai, hoa đào và tranh ông đồ nữa.”

Chuẩn bị trò chơi. Ảnh: Hang Luong
Chuẩn bị trò chơi. Ảnh: Hang Luong

Những tấm lòng hướng về quê hương

Một cảm nhận rõ nét và xuyên suốt cả cả mùa Tết xa nhà đó là tấm lòng của tất cả mọi người con Việt Nam hướng về quê hương với những cầu mong tốt đẹp cho đất nước, bà con và bạn hữu. Những nghi lễ cúng Tết cổ truyền trong các gia đình Việt kiều và các du học sinh vẫn được chuẩn bị tùy vào điều kiện của từng nhà.

Nhìn chung ai cũng cố gắng có mâm cơm cúng gia tiên đêm giao thừa, nghi lễ xuất hành và đi chùa lễ Phật đầu năm. Trước đó, bà con cũng tham gia ủng hộ chương trình Cơm Có Thịt do nhóm sinh viên Học bổng Chính phủ Úc tổ chức ủng hộ trẻ em nghèo vùng cao Việt Nam.

Niềm vui sum vầy. Ảnh: Hang Luong
Niềm vui sum vầy. Ảnh: Hang Luong

Những tấm lòng ấy nói rõ một điều là dù ở phương trời nào thì dòng máu Việt Nam cũng luôn cuộn chảy, văn hóa Việt Nam vẫn được gìn giữ, duy trì và phát huy đến nhiều thế hệ.

Những du học sinh Việt Nam như mình càng cảm thấy yêu quê hương và mong muốn học được nhiều nhất những điều tiến bộ để trở về đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Trong những ngày như vậy, chúng mình cũng cảm thấy cảm kích Chương trình Học bổng Chính phủ Australia đã tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên Việt Nam sống và học tập tại xứ sở Kangaroo. Khi trở về nước, chúng mình sẽ là cầu nối cho tình hữu nghị hai nước Việt – Úc ngày một phát triển hơn”.

Kỷ niệm ăn Tết tại nhà... Tổng Lãnh sự ảnh 6

Cô Phạm Thị Bích Ngọc

- Học viên Tiến Sĩ, Trường Đại học Sydney;

- Giảng Viên Trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh;

- Học viên Chương trình Học bổng Chính phủ Australia Khóa 2016-2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.