Cảm giác “vui như Tết” trong ngày lễ trọng đại này không chỉ là được nghỉ ngơi, được ăn ngon mặc đẹp, được đi thăm thú đây đó mà nó còn bao hàm cả ý nghĩa thiêng liêng trong đó nữa. Lâu nay chúng ta quen gọi Ngày Quốc khánh 2/9 là Tết Độc lập là vì thế.
Trong buổi lễ thoái vị và trao ấn, kiếm của triều trình nhà Nguyễn cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Huế ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại có nói đại ý rằng, ông thà làm công dân của một nước độc lập còn hơn là làm vua của một nước nô lệ. Hơn ai hết, trong suốt 20 năm “trị quốc” dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn rất thấm thía với hai tiếng “độc lập” này.
Vì muốn có một nền độc lập thật sự cho đất nước, suốt 80 năm ròng rã kể từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm 1858, bao thế hệ người Việt Nam đã phải ngã xuống để có được điều thiêng liêng ấy. Trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Hà Nội ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói với quốc dân đồng bào một lời khẳng quyết khi thực dân Pháp lăm le trở lại xâm lược nước ta lần nữa: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Cũng để giữ vững nền độc lập ấy mà cả dân tộc đã phải ra trận trong cuộc trường chinh ròng rã 30 năm sau đó để đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975. Cái giá phải trả cho độc lập mà bao thế hệ người Việt phải đánh đổi suốt 30 năm đó là không thể nào đong đếm hết.
Nhưng độc lập cũng mới chỉ là nền móng để chúng ta xây một ngôi nhà no ấm cho tương lai. Ngay trong những ngày cả nước hân hoan đón chào nền độc lập của nước Việt Nam non trẻ ấy, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 14/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về sự hách dịch, công thần, nhũng nhiễu, vun vén lợi ích cá nhân của một số ít cán bộ lúc bấy giờ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Như một lời tiên báo, 75 năm rồi mà tính thời sự của câu nói trên vẫn chưa hề lạc hậu.
45 năm qua, non sông ta đã liền một dải, nền độc lập nước nhà cũng đã được xác lập và vị thế của đất nước ngày một nâng lên trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một quốc gia hùng cường chúng ta còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách.
Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đến năm 2045 nước ta sẽ thành nước phát triển. Nghĩa là, khi mục tiêu ấy trở thành hiện thực thì phải đúng 100 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Việt Nam mới có thể thoát ra khỏi nhóm những quốc gia đói nghèo và lạc hậu.
Một trăm năm cũng chỉ là cái chớp mắt của thời gian trong chiều dài lịch sử của một dân tộc, song đó là quãng thời gian không hề ngắn ngủi để một đất nước chạm tay vào ấm no và hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, đất nước ta đang rất cần sự đồng lòng và đoàn kết để cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng mạnh. Những gì mà cả nước đã và đang làm được trong việc “chống giặc Covid-19” thời gian qua đang củng cố niềm tin cho sự kỳ vọng đó.