Tết Độc lập trên quê hương Vừ A Dính và chuyện chưa biết về thiếu niên bị giặc sát hại dưới gốc đào

GD&TĐ - Trước năm 1945 tại Điện Biên chỉ có duy nhất một dòng tộc Thống Lý Mông tại Pú Nhung – Tuần Giáo được giác ngộ cách mạng và đi theo cách mạng.

Trang phục của phụ nữ H’Mông trong ngày Tết Độc lập
Trang phục của phụ nữ H’Mông trong ngày Tết Độc lập

Đó là thống lý người Mông – Vừ Khua Dơ, ông nội của anh hùng Vừ A Dính. Hàng năm vào ngày “Tết độc lập” ngày 2-9 trên quê hương anh hùng Vừ A Dính, thế hệ trẻ Điện Biên lại một lần hiểu rõ hơn giá trị truyền thống anh hung tại mảnh đất này. Những anh hùng đã hy sinh để giữ gìn mảnh đất quê hương. Họ đã viết lên bản tình ca đầu tiên tại Điện Biên.

Bản tình ca Điện Biên

Sáng sớm, thung lũng Điện Biên mù sương, con đường 219 ngoằn nghèo, chạy từ Hòa Bình đi qua thành phố đến cửa khẩu Tây Trang rồi sang với bạn Lào. Con đường ấy dẫn chúng ta đến với những khu di tích lịch sử của đất Mường Thanh – Điện Biên.

Sau cách mạng tháng 8, miền Bắc giải phóng, thực dân Pháp vẫn đóng chiếm Điện Biên Phủ. Trung ương Đảng đã vạch chiến lược giải phóng mảnh đất Tây Bắc. Năm đồng chí chiến sĩ cách mạng đầu tiên được cử lên để bắt rễ với dân bản địa, gây dựng cơ sở cách mạng.

Theo con đường Quỳnh Nhai, Sơn La, phải đến Pú Nhung, Tuần Giáo các đồng chí cách mạng mới tiếp xúc được Thống lý người Mông – Vừ Khua Dơ. Khi nghe các đồng chí cán bộ kể về cuộc cách mạng tháng 8, thống lý người Mông đã nhận thức ra rằng chỉ có đi theo Đảng, đi theo cách mạng mới được giải phóng, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc Tây Bắc mới hết khổ, hết nghèo được.

Trong những năm đó, câu chuyện về cháu của Thống lý Vừ Khua Dơ - chiến sĩ liên lạc Vừ A Dính 15 tuổi tại Pú Nhung, Tuần Giáo đã đi vào sử sách. Điều gì đã khiến một người dân tộc trẻ tuổi đi theo cách mạng và chấp nhận hy sinh để bảo vệ địa điểm bí mật của quân ta.

Ngày nay các thế hệ trẻ tại Điện Biên vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện anh hùng Vừ A Dính. Khi đó, mới 13 tuổi nhưng anh tự mình đi vào căn cứ, liên hệ với cán bộ xin đi tham gia lực lượng vũ trang. Dù các đồng chí cách mạng nói rằng đi vũ trang vất vả, khổ cực lắm, làm sao một cậu bé mới 13 tuổi có thể theo được. A Dính vẫn kiên quyết xin cán bộ với một câu nói kiên quyết: “Đội võ trang đi đánh Tây. Em cũng muốn đi đánh Tây”.

Với câu nói đầy gan dạ, anh dũng như vậy, A Dính được tham gia lực lượng vũ trang và dù cuộc sống kháng chiến gian khổ nhưng anh rất lạc quan yêu đời, rất ham học. Lúc nào trong ngực áo của Dính cũng nhét cuốn sách để tranh thủ học. Anh đã học đọc và viết chữ thông thạo.

Địch tăng cường lùng sục tìm diệt đội vũ trang nên đơn vị luôn phải trốn trong rừng sâu ở trên các triền núi cao, xa nguồn nước. A Dính có nhiệm vụ bí mật xuống bản móc nối liên lạc với cơ sở để nhận muối, mực viết, kim chỉ, giấy viết, vải mặc và thuốc men mà đồng bào xuống chợ mua hộ. Mẹ của Dính cũng là một cơ sở bí mật tin cậy, nhiều lần tiếp tế cho đội vũ trang như thế.

 Ông Vừ A Phía – Nguyên chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên, một người con Pú Nhung kể lại: “Vừ A Dính là cháu của Vừ Khua Dơ dòng tộc Thống lý Mông tại Tuần Giáo. Sau khi gia đình Vừ Khua Dơ sang ATK, ở lại bản gia đình Vừ A Dính đã liên lạc với Việt Minh trốn trong rừng. Một lần do trời mù nên Vừ A Dính đã bị địch bắt. Chúng bắt anh khai ra chỗ ở của Việt Minh. Vừ A Dính trả vờ khai để chúng kiêng đi khắp các núi để báo động cho quân ta. Chúng biết bị lừa và bắn anh dưới cây đào cổ thụ trong bản. Sau đó cả gia đình lần lượt bị bắn chết”.

Năm 1951, tri ân đến người thiếu niên kiên cường, bất khuất Vừ A Dính, Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam tuyên dương Anh trong thiếu nhi toàn quốc. Năm 1952, Chính phủ truy tặng Huân Chương Quân công hạng ba cho thiếu niên anh hùng Vừ A Dính. Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lịch sử Đội Thanh niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã ghi nhận Vừ A Dính là một trong những thiếu nhi anh hùng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng đất nước. 

Trong cuộc đời ngắn ngủi 13 năm của thiếu niên Vừ A Dính đã để lại biết bao bài học to lớn về tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần gan dạ, kiên cường, bất khuất, không đầu hàng trước đòn roi, súng đạn của kẻ thù, một lòng đi theo cách mạng, một lòng cống hiến cho Tổ Quốc thân yêu.

Mừng Tết Độc lập – nét đẹp văn hóa

Tục làm giã bánh dày của đồng bào H’mông trong dịp tết
Tục làm giã bánh dày của đồng bào H’mông trong dịp tết

Với đồng bào các dân tộc ở tỉnh Điện Biên nói chung và người H’Mông tại mảnh đất anh hùng Pú Nhung – Tuần Giáo nói riêng, Ngày Quốc khánh 2-9 hay còn gọi là Tết Độc lập trở thành ngày hội truyền thống. Với họ, việc tổ chức ăn mừng Tết Độc lập không chỉ là dịp đoàn tụ con cháu, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dòng họ, quê hương mà còn để bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Những ngày này từ ông già bà cả cho đến các thanh niên nam nữ và trẻ em đều mặc những bộ quần áo mới nhất ra đường, đến nhà nhau thăm hỏi và ăn Tết. Đàn ông làm thịt lợn, thịt gà, phụ nữ gói bánh dày, đồ xôi, nhà nhà sắp mâm cơm cùng bánh trái, hoa quả bày lên bàn thờ tổ tiên, cầu xin phù hộ cho con, cháu có sức khỏe, gia đình được hạnh phúc, làng xã được ấm no, quê hương, đất nước luôn được yên bình, giàu mạnh.

Và dù bận công tác ở tại nơi khác nhưng các thành viên trong dòng họ Vừ - Pú Nhung đều sum vầy tại nhà trưởng họ, cùng nhau sửa soạn bàn thờ Bác Hồ, treo cờ Tổ quốc và quây quần bên bữa cơm đoàn viên vui vẻ. Những câu chuyện về Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà lại được các cụ lớn tuổi kể lại cho con cháu.

Điều đó đã nuôi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước của thế hệ con cháu người H’Mông tại Pú Nhung, nơi từng là căn cứ địa cách mạng và là nơi sinh ra hai Anh hùng LLVT nhân dân: Vừ A Dính và Sùng Phái Sinh. Bao nhiêu sự hi sinh xương máu của đồng bào dân tộc người H’mông đã rơi xuống để mang lại bình yên cho mảnh đất này. Đối với đồng bào nơi đây ngoài đón tết cổ truyền theo phong tục tổ tiên còn rất coi trọng tổ chức đón tết mừng ngày độc lập của dân tộc như là cách để bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Với những trang phục rực rỡ nhiều màu sắc như bông hoa núi rừng, đàn ông thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai mang cây khèn, phụ nữ thì áo váy xúng xính, thêm chút trang điểm và tay cầm chiếc đàn môi làm duyên, trai gái Mông đắm mình trong tiếng khèn, trong điệu nhảy, đắm mình trong những trò chơi đánh pao, đánh quay, múa hát, trong hương sắc “độc lập” Tây Bắc.

Những người phụ nữ H’Mông làm món bánh dày bên bếp lửa. Ánh lửa làm hồng khuôn mặt họ, những nụ cười thân thiện làm họ đẹp hơn. Trong tiếng Khèn, vòng xòe được mở rộng, chào đón nhiều anh em dân tộc khác. Họ dập dìu, uyển chuyển trong tiếng Khèn, say trong men rượu. Hình ảnh thống lý Vừ khua Dơ như hiện ra một ánh mắt dõi theo mảnh đất nơi ông đã sống và bảo vệ.

Trong lòng mỗi người dân Tuần Giáo, con cháu Vừ Khua Dơ ở Pú Nhung luôn nhớ lời ông dạy, phải biết yêu thương, đoàn kết cùng hợp tâm hợp sức xây dựng mảnh đất quê mình. Trên những con đường nhuộm thắm màu cờ, dãy dài những băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày Quốc khánh hòa cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của bà con nơi đây đã dệt nên bức tranh sinh động nhiều màu.

Tết Độc lập này đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng; gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và hun đúc thêm truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ