Tết đầm ấm hơn với mẹ Việt Nam Anh hùng

GD&TĐ - Nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã đến thăm hỏi, tặng quà và chúc Tết bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây cũng là một hoạt động giáo dục thế hệ trẻ đầy ý nghĩa.

Thầy Đồng Văn Ngọc (ngoài cùng bên trái) và thầy Trần Trọng Đạt cùng các sinh viên đến thăm và chúc Tết bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâu
Thầy Đồng Văn Ngọc (ngoài cùng bên trái) và thầy Trần Trọng Đạt cùng các sinh viên đến thăm và chúc Tết bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâu

Cứ đến cuối tháng các sinh viên trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội lại phân công nhau đến nhà bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâu ở xã Cao Minh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc để thăm hỏi và giúp bà quét dọn nhà cửa, sân vườn,...

Trong tháng cuối năm này, công việc cũng vẫn được thực hiện nhưng vui vẻ và đầm ấm hơn nhiều, khi có thầy Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cùng thầy Trần Trọng Đạt – Phó hiệu trưởng, sinh viên đoàn trường và đại diện UBND xã Cao Minh cùng đến tặng quà và chúc tết mẹ.

Bà Đỗ Thị Thanh Phương – cán bộ Phòng LĐ-TB&XH xã Cao Minh cho biết: bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâu có hai người con là liệt sĩ, năm nay mẹ đã 91 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Hàng năm vào các ngày lễ, tết, ngày thương binh – liệt sĩ, UBND và các đoàn thể địa phương trong đó có trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên tặng quà cho cụ.

Sinh viên nhà trường quét dọn sân vườn nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâu
Sinh viên nhà trường quét dọn sân vườn nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâu

Thầy Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Được biết tại địa bàn “đóng quân” cơ sở 3 của nhà trường có một bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống.

Nhà trường đã có văn bản báo cáo và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Sâu suốt đời, mức phụng dưỡng là 1,5 triệu đồng/tháng để mẹ có thêm khoản chi phí thuốc men, bồi dưỡng sức khỏe,… Bên cạnh đó, những ngày lễ, tết nhà trường cũng đến thăm hỏi, tặng quà.

“Chúng tôi cho rằng cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng, thì giáo dục văn hóa truyền thống, sự tự hào dân tộc, biết ơn thế hệ trước đã hy sinh cho dân tộc là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo.

Thực tế khoản tiền không lớn, nhưng ý nghĩa lớn là để các em sinh viên nhận thức được sự đóng góp của mình trong việc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ trẻ hôm nay.” – thầy Đồng Văn Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ