(GD&TĐ) - Anh bạn tôi là PGS.TS, làm cán bộ quản lý một trường đại học nọ, vừa có chuyến công tác từ Ý trở về. Tôi chúc mừng anh về việc được thường xuyên qua nước ngoài, học hỏi được nhiều điều bổ ích của nước bạn. Tưởng anh vui, không ngờ anh cười buồn: “Qua bên ấy rồi trở về lại phải chứng kiến những chuyện thường ngày xảy ra xung quanh lại càng thấy buồn hơn!”. Rồi anh dẫn chứng: “Vui sao được khi lái xe ra khỏi cửa là đụng chạm thanh niên đậu xe máy cười nói nghênh ngang chắn giữa đường; mình bảo họ đứng gọn vào một bên để được đi qua thì họ bảo mình “thiếu văn hóa”. Bà xã mình thấy có người đem bao rác vứt ngay trước nhà liền nhắc nhở thì họ quay qua mắng bảo là đồ dở hơi.
Ảnh minh họa/internet |
Câu chuyện của bạn vô tình chạm đúng mạch ngầm suy nghĩ lâu nay của tôi về hai chữ “văn hóa”. Nhớ lại mấy lần ra Hà Nội, lần nào cũng được bạn bè đưa đi chiêu đãi. Nghe giới thiệu quán phở bà A ngon cực, quán nem ông B có tiếng… Tới nơi, lại quên cả để ý phở, nem có ngon hay không mà chỉ thấy lạ lùng về việc: Bàn ghế không ra bàn ghế, người ngồi chen chúc với nhau, giấy lau chùi trắng xóa vứt bừa bãi. Chủ quán đã không chào mời đon đả như ở chốn tôi, mà còn lẩm bẩm khi chúng tôi thắc mắc vì bị chờ đợi lâu: “Nhà anh chị vào không nói to lên thì ai mà biết!”. Thấy tôi tỏ vẻ khó chịu, người bạn xứ Hà Thành cười thú vị: “Ở trong ấy (miền Nam) không nghe món “phở chửi, cháo quát” à?
Tôi đã được nghe dư luận nói về “phở chửi, cháo quát” ở phố phường Hà Nội từ rất lâu. Nhưng cho tới nay, khi nền văn minh thế giới đã tiến triển khá xa mà ở thủ đô vẫn còn y nguyên những cảnh tượng thiếu văn hóa như thế thì đúng là kỳ lạ thật! Càng kỳ lạ hơn nữa là không ít người dân miền Bắc còn mặc nhiên coi đó là điều bình thường mà không hề có ý nghĩ phải loại bỏ nó, phải tẩy chay nó ra khỏi xã hội…
Tẩy chay những thứ vô văn hóa - tại sao người ta lại không quyết tâm làm điều đó? Ví dụ như khách hàng vào quán ăn thấy người ngồi, đứng chen chúc, bẩn thỉu thì quay ra, đi tìm quán khác, hay thấy chủ quán ăn nói thiếu lịch sự thì nhắc nhở. Tại sao lại im lặng khi trong quy luật phát triển của thị trường khách hàng vốn thuộc hàng “thượng đế”? Bên cạnh việc tẩy chay những thái độ, cử chỉ, hành vi vô văn hóa ấy, cũng cần biểu dương những địa chỉ nổi tiếng là văn hóa. Trong thực tế, chúng ta đã được nghe khá nhiều về cây cầu này dài nhất, tòa nhà kia hiện đại nhất, bức tượng nọ cao nhất nhưng chẳng bao giờ nghe nói tới một kỷ lục nào về văn hóa, trong khi, văn hóa là gốc rễ của sự phát triển.
Nên chăng có một chiến lược về tẩy chay vô văn hóa với sự tham gia của toàn xã hội…
Hồng Thúy