Tạo khí thế học tập từ 'Tiếng trống học bài'

GD&TĐ - 19 giờ 00 mỗi ngày, khi hiệu lệnh học tập vang lên trên hệ thống loa truyền thanh, tất cả học sinh trên địa bàn lại ngồi vào bàn học.

Thầy Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS Thuần Mỹ (đứng thứ nhất, từ trái sang) cùng ban kiểm tra đến nhà học sinh kiểm tra việc thực hiện “Tiếng trống học bài”. Ảnh: Việt Cường
Thầy Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS Thuần Mỹ (đứng thứ nhất, từ trái sang) cùng ban kiểm tra đến nhà học sinh kiểm tra việc thực hiện “Tiếng trống học bài”. Ảnh: Việt Cường

Hoạt động này đã hình thành nền nếp, ý thức học tập cho học sinh huyện miền núi Ba Vì (Hà Nội).

Tiếng trống thúc học bài

Tại xã Phú Châu từ nhiều năm qua, cứ 19 giờ, đồng loạt trên loa truyền thanh của các thôn lại vang lên âm thanh rộn rã của tiếng trống thúc học bài cùng lời căn dặn “Đã đến giờ tự học buổi tối. Học tập suốt đời - chìa khóa của mọi thành công, học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc. Xin mời tất cả chúng ta cùng nhau tự học”.

Phong trào “Tiếng trống học bài” tại xã Phú Châu được triển khai từ năm 2016, do thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phú Châu phối hợp cùng chính quyền địa phương. Từ đó đến nay, xã duy trì đều đặn phong trào. Vào buổi tối, mỗi khi hiệu lệnh phát xong, học sinh đều nhanh nhẹn ngồi vào bàn học bài.

Thầy Nguyễn Văn Nghiệp sinh năm 1961 - từng nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo, nay đã nghỉ hưu nhớ lại: “Chuẩn bị cho năm học 2016 - 2017, tôi đề nghị UBND xã Phú Châu ban hành quy chế thực hiện phong trào ‘Xây dựng xã hội học tập’ thông qua ‘Tiếng trống học bài’ vào buổi tối tại các cụm dân cư trên địa bàn”.

Ngày 15/8/2016, tiếng trống học bài lần đầu tiên vang lên trên hệ thống loa truyền thanh xã. Giọng nói của phát thanh viên kết hợp tiếng trống như lời thúc giục nhắc nhở mỗi người dân ý thức tự học. Sau 1 tháng triển khai, phong trào có tác dụng rõ rệt, học sinh tiến bộ rất nhiều. Cùng đó, thanh thiếu niên không còn tụ tập ngoài đường, các tệ nạn giảm đáng kể.

Mặt khác, thông qua “Tiếng trống học bài”, mỗi người dân xã Phú Châu đều ý thức học tập không chỉ là việc riêng của trẻ em trong độ tuổi đến trường mà còn là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình. Tùy từng hoàn cảnh và yêu cầu công việc, người dân có hình thức học tập, việc làm phù hợp khi nghe “Tiếng trống học bài”.

Tiếp nối thành công ở Phú Châu, tiếng trống học bài đã lan tỏa sang các địa bàn khác của huyện Ba Vì, giúp học sinh hình thành nền nếp học tập, phụ huynh quan tâm giám sát, nhắc nhở con em. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì nhận định: Phong trào “Tiếng trống học bài” đã lan tỏa và nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và phụ huynh học sinh. Qua đó, hình thành ý thức tự học của học trò vào buổi tối, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của gia đình, nhà trường và địa phương.

“Tiếng trống học bài” là hiệu lệnh học tập được truyền tải qua hệ thống loa truyền thanh trong xã. Ảnh: Lan Anh

“Tiếng trống học bài” là hiệu lệnh học tập được truyền tải qua hệ thống loa truyền thanh trong xã. Ảnh: Lan Anh

Nâng cao nhận thức học tập

Không dừng ở phong trào, thầy Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS Thuần Mỹ có ý tưởng thực hiện bài bản mô hình “Tiếng trống học bài” trên địa bàn. Theo đó, thầy cô giáo trong các trường THCS và tiểu học là nhân tố quyết định giúp việc học bài buổi tối của học sinh đi vào thực chất, hiệu quả. Thầy Ngọc có nhiều năm công tác cùng thầy Nguyễn Văn Nghiệp và tham gia tích cực vào phong trào “Tiếng trống học bài” tại Trường THCS Phú Châu. Khi chuyển về Trường THCS Thuần Mỹ, thầy đã mang mô hình này về áp dụng.

Từ năm học 2022 - 2023, lãnh đạo Trường THCS Thuần Mỹ đã xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết nhằm thực hiện hiệu quả mô hình “Tiếng trống học bài”. Thầy cũng chủ động đề xuất Ðảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục, UBND xã ban hành quyết định và quy chế thực hiện phong trào xây dựng xã hội học tập thông qua “Tiếng trống học bài” vào mỗi buổi tối tại các cụm dân cư.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, thực chất hơn cần sự phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương. Do đó, nhà trường đã thành lập ban kiểm tra “Tiếng trống học bài” tại các cụm dân cư vào mỗi buổi tối. Cụ thể, ban kiểm tra gồm hiệu trưởng, các thầy cô trong trường cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn đến từng nhà kiểm tra việc học bài của học sinh.

Sau tiếng trống học bài, em nào không tự giác ngồi vào bàn học bị nhắc nhở, hộ gia đình nào không giảm thiểu tiếng ồn làm ảnh hưởng đến việc học của các em bị phê bình vào những lần họp xóm, họ. Nội dung của phong trào “Tiếng trống học bài” được lồng ghép vào các tiêu chí của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư.

Cùng đó, trong các giờ học trên lớp, thầy cô giáo luôn nhắc nhở học sinh phải thực hiện nghiêm túc hiệu lệnh của “Tiếng trống học” bài vào mỗi tối. Giáo viên được phân công theo từng xóm phối hợp với ban khuyến học, hội phụ huynh đến từng nhà theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc học của các em.

Ðến nay, ban kiểm tra ‘Tiếng trống học bài’ xã Thuần Mỹ đã tới 68 hộ gia đình để đôn đốc việc học tập, định kỳ mỗi tháng một lần. Thầy Ngọc đã đi thực tế cả 6 thôn trên địa bàn xã với 56 hộ gia đình. Không có lần kiểm tra nào thầy hiệu trưởng vắng mặt.

Bà Trần Thị Hoài Hương - Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Thuần Mỹ cho biết: Cán bộ và người dân trong thôn rất vui và hưởng ứng phong trào. Qua các cuộc họp chi hội phụ nữ, nông dân, người cao tuổi, phong trào “Tiếng trống học bài” được tuyên truyền, phổ biến để hội viên nắm bắt, động viên con em hưởng ứng tham gia.

Trước đây, khi chưa có “Tiếng trống học bài”, có những gia đình uống rượu, hát từ chập tối đến đêm khuya. Nay nhờ có tiếng trống nhắc nhở đều đặn lúc 7 giờ tối thông qua hệ thống loa phát thanh với nội dung ngắn gọn dễ hiểu, học sinh tự giác ngồi vào bàn học nghiêm túc, người dân dừng mọi hoạt động để con em có không gian yên tĩnh học tập.

Em Trần Thị Khánh Linh - học sinh lớp 9A, Trường THCS Thuần Mỹ chia sẻ: “Tiếng trống học bài” đã tạo cho em thói quen ngồi vào bàn học đúng giờ. Mọi người xung quanh đều tạo điều kiện cho em có không gian học tập. “Tiếng trống học bài” tạo nên khí thế học tập sôi nổi, là động lực để chúng em vươn lên học tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.