Chia sẻ triển khai hiệu quả các chuyên đề học tập

GD&TĐ - Trong Chương trình GDPT 2018 cấp THPT có một số chuyên đề học tập. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Từ thực tiễn 1 năm triển khai, giáo viên đã rút ra kinh nghiệm, giải pháp để khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả nội dung mới.

Giáo viên, học sinh đều bỡ ngỡ

Dù sách giáo khoa, sách giáo viên đều biên soạn rõ ràng, chi tiết nội dung kiến thức mỗi bài, xong các thầy cô tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long) nhận định: Chuyên đề Ngữ văn khá nặng so với học sinh; bài soạn dù chi tiết song còn không ít hàn lâm.

Chẳng hạn, chuyên đề 1 là “Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian”, nhưng học sinh lớp 10 chỉ học 2 thể loại thần thoại và sử thi. Chưa kể, từ lớp 9 lên, hầu hết các em chưa có kĩ năng tự nghiên cứu, do đó bỡ ngỡ, chưa quen. Trong khi quỹ thời gian của học sinh lớp 10 có giới hạn, các em còn phải học nhiều môn khác.

Tương tự với giáo viên, năm 2022 - 2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở THPT nên thầy cô chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức tiết dạy và dạy chuyên đề học tập càng là thử thách. Khi soạn giảng, thực hiện tiết dạy, chủ yếu giáo viên chỉ có nguồn tài liệu tham khảo từ sách giáo khoa, sách giáo viên và vận dụng kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu được học ở đại học để giảng dạy. Nguồn tài liệu cho các chuyên đề còn hạn hẹp.

Là Tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lí - Giáo dục công dân, Trường THPT Công Nghiệp (Hòa Bình), cô Đào Phương Thảo cho rằng, một số chuyên đề tương đối khó so với nhận thức, tư duy học sinh, đặc biệt học sinh lớp 10 vừa tốt nghiệp THCS, hầu hết chưa có kĩ năng về nghiên cứu.

Nội dung học chuyên đề không liên kết với nội dung chương trình học chính khóa. Kiến thức chuyên đề khá hay nhưng nặng về lý thuyết, lại không biết có nằm trong giới hạn đề thi hay không, nên nếu không có sự liên kết với nội dung học chính khóa sẽ thành “tăng tải” cho học sinh.

Về thời lượng, theo cô Đào Phương Thảo, với 35 tiết/năm chia cho nhiều chuyên đề, nên có những chuyên đề hay nhưng không đủ thời gian để giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu cặn kẽ, đầy đủ. Quỹ thời gian của học sinh có giới hạn trong khi các em phải học nhiều môn học khác mà môn học nào cũng có sự đổi mới, yêu cầu cao hơn chương trình hiện hành.

Về phân bố tiết kiểm tra, tất cả các môn học chuyên đề đều lấy 1 đầu điểm và lấy vào học kì II của năm học, dẫn đến học sinh bị áp lực hơn trong học kì II; các em cũng có thể bị quên kiến thức với nội dung chuyên đề đã học từ kì I.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tránh sa đà lý thuyết

Trước những khó khăn khi triển khai dạy chuyên đề học tập, giải pháp cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) đưa ra là thiết kế tiến trình dạy học chuyên đề thành các hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện ở trên lớp và nhà. Mỗi tiết học trên lớp có thể chỉ thực hiện một số hoạt động trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kĩ thuật dạy học được sử dụng.

Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học mỗi chuyên đề theo phương pháp dạy học tích cực, học sinh cần được đặt vào các tình huống xuất phát gần gũi với đời sống, dễ cảm nhận và các em sẽ tham gia giải quyết các tình huống đó. Những hoạt động do giáo viên đề xuất cho học sinh được tổ chức theo tiến trình sư phạm nhằm nâng dần mức độ học tập. Các hoạt động này làm cho chương trình học tập nâng lên và dành cho học sinh một phần tự chủ khá lớn.

“Mục tiêu chính của quá trình dạy học là học sinh tìm hiểu và chiếm lĩnh được kiến thức. Vì vậy, giáo viên nên có cách thức tổ chức dạy học phù hợp để mang lại hiệu quả cao cho tiết học chuyên đề. Sách chuyên đề được in ấn, bổ sung kênh hình rõ nét và đẹp, đó là lợi thế để giáo viên tổ chức cho học sinh khai thác phục vụ cho hoạt động hình thành kiến thức”, cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Từ khó khăn gặp phải, các thầy cô tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm rút ra bài học triển khai dạy học chuyên đề hiệu quả hơn. Theo đó, khi thiết kế bài học và tổ chức thực hiện, giáo viên lưu ý dành thời gian cho phần thực hành là chính, không sa đà cho học sinh tìm hiểu kiến thức lý thuyết khô khan, khó hiểu khiến các em giảm hứng thú học tập.

Trong hoạt động khởi động, nên cho học sinh xem các clip sản phẩm chuyên đề để tạo hứng thú và giúp các em có định hướng ban đầu khi thực hiện các hoạt động tiếp theo. Cùng đó, không cần thiết cho học sinh ghi chép các kiến thức trong mỗi chuyên đề vì sách đã cung cấp đầy đủ, khi cần học sinh có thể tra cứu để thực hiện.

Mặt khác, cần kết hợp tốt giữa học trên lớp và học ở nhà. Trước và trong mỗi chuyên đề, giáo viên thiết kế, chuyển giao các nhiệm vụ học tập ở nhà cho học sinh để các em thực hiện bằng hình thức cá nhân, cặp đôi, nhóm hoặc kết hợp cá nhân và nhóm. Về hình thức báo cáo kết quả, với môn Ngữ văn, cả 3 chuyên đề đều có thể lựa chọn hình thức thuyết trình (trình diễn) trực tiếp hoặc gián tiếp qua file PowerPoint (với chuyên đề 1) và video clip (với chuyên đề 2, 3), sau đó trình chiếu trên lớp…

Trong Chương trình GDPT 2018, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Nổi bật

Đừng bỏ lỡ