Giáo viên bắt nhịp
Xuất sắc nằm trong 10 nhóm tác giả đoạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh, cô Phạm Thùy Dương, giáo viên Toán và cô Trần Thị Nhã Phương Trường THCS - THPT Newton (Hà Nội) chia sẻ, mặc dù cuộc thi đã kết thúc nhưng mỗi lần nhắc đến, cô lại xúc động, bồi hồi khi nhớ lại hành trang của mình.
“Chúng tôi đã dành những gì tâm huyết nhất, sáng tạo nhất để thiết kế bài giảng. Đây cũng là điều chúng tôi luôn trăn trở trước mỗi lần soạn giáo án" – cô Phạm Thùy Dương bày tỏ.
Chia sẻ về tác phẩm dự giành giải Đặc biệt, cô Thùy Dương cho hay, bài giảng có chủ đề Tết của Việt Nam. Cô và đồng nghiệp đã xâu chuỗi kiến thức thành phiên chợ quê đặc biệt với 5 gian hàng ảo.
Mỗi gian hàng giúp học sinh tìm hiểu kiến thức về Tết ở Việt Nam. Bài giảng không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp các em hiểu thêm về Tết của các dân tộc trên đất nước Việt Nam và các em thêm yêu, tự hào với phong tục quê hương mình.
Trước khi thiết kế bài giảng này, cô Thùy Dương và cộng sự đã áp dụng phần mềm, thao tác ở ngoài thực tế. Sau đó, chọn lọc những gì tinh túy nhất, rồi đưa vào bài giảng thực tế, đúc rút đóng góp của học sinh và đồng nghiệp để có được bài giảng trọn vẹn.
Theo cô Thùy Dương đánh giá, việc xây dựng bài giảng điện tử có vai trò quan trọng, tích hợp nhiều phương tiện giúp học sinh và giáo viên có thể tương tác nhiều chiều. “Ví dụ học sinh có thể thao tác ghép nối, kéo thả, tự đưa mình vào bài giảng. Không gian học không chỉ giới hạn trong lớp” – cô Thùy Dương viện dẫn và quả quyết, bài giảng điện tử cũng là một trong những mấu chốt nhằm đổi mới quá trình dạy - học
Được phát động từ ngày 15/1/2024, Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh nhận được hơn 4.000 tác phẩm dự thi, với hơn 7.500 người đăng ký trên khắp mọi miền Tổ quốc. Phần lớn các bài thi được đánh giá là có chất lượng cao, chứa đựng nhiều công sức của người thực hiện.
Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 248 giải cá nhân và 63 giải tập thể để trao giải, với giá trị trên 2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận, những bài giảng này không chỉ thể hiện trình độ chuyên môn vững vàng mà còn cho thấy sự sáng tạo, kỹ năng ứng dụng công nghệ và tâm huyết của tác giả dự thi.
Kho bài giảng điện tử Tiếng Anh phong phú và chất lượng
Theo ông Nguyễn Tiến Thanh, Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh nhằm tạo ra sân chơi chuyên môn bổ ích và thiết thực dành cho giáo viên phổ thông và sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh.
Đồng thời, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp và triển khai hiệu quả việc dạy - học sách giáo khoa Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thông qua cuộc thi hình thành kho bài giảng điện tử Tiếng Anh phong phú và chất lượng, giúp cán bộ quản lí, giáo viên và sinh viên Tiếng Anh trên toàn quốc tham khảo, sử dụng.
“Kho bài giảng điện tử Tiếng Anh có được từ cuộc thi sẽ góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục như: tăng cường xây dựng học liệu số. Cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy, nâng cao kĩ năng số cho đội ngũ giáo viên” - ông Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh.
Chuyên gia giáo dục Trần Nguyễn Phương Thùy - Phó Trưởng ban Giám khảo thường trực Cuộc thi cho biết, nhiều bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng, chú trọng đến phát triển kỹ năng ngôn ngữ toàn diện cho học sinh, bao gồm nghe, nói, đọc, viết.
Đặc biệt, các bài giảng không chỉ tập trung vào kiến thức ngôn ngữ mà còn lồng ghép các yếu tố văn hóa, xã hội, giúp học sinh mở rộng tầm nhìn. Nhiều bài giảng được thiết kể dưới dạng câu chuyện, hay những trải nghiệm điểm đến… dẫn dắt học sinh đi qua các nội dung hết sức tự nhiên và thú vị trên cơ sở nền của sách giáo khoa Global Success.
Cũng theo bà Trần Nguyễn Phương Thùy, nhiều bài giảng ứng dụng công nghệ tốt, hiệu quả và thông minh khiến việc học trở nên thú vị và rất hấp dẫn. Giáo viên đầu tư thời gian nghiên cứu và sử dụng tích hợp các công cụ đa phương tiện như: video, hình ảnh và âm thanh để làm cho bài giảng sinh động.
Các phần mềm hay nền tảng E-learning như được giáo viên tận dụng tối đa để thiết kế và tổ chức nội dung. “Đáng chú ý, nhiều giáo viên đầu tư quay và dựng video chất lượng cao, giúp bài giảng có tính ứng dụng cao và có thể áp dụng ngay vào các tiết học hàng ngày hoặc việc tự học của học sinh” - bà Trần Nguyễn Phương Thùy ghi nhận.
Từ những trải nghiệm và chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị từ các giáo viên tham gia Cuộc thi, bà Trần Nguyễn Phương Thùy mong muốn, giáo viên hãy tích cực tham gia các sân chơi, diễn đàn trí tuệ. Bởi mỗi lần tham gia là một lần thầy, cô được học hỏi thêm, tự nâng cao năng lực bản thân.
“Càng biết nhiều, càng thấy công việc trở nên chủ động, thú vị và lại càng đam mê học hỏi hơn nữa” - bà Trần Nguyễn Phương Thùy nhìn nhận; đồng thời tư vấn, với các sản phẩm E-learning, cần chú ý tiết chế và sử dụng hợp lý AI. Giáo viên nên đầu tư vào khâu thu âm giọng nói và hình ảnh để đảm bảo chất lượng bài học. Nên chú ý bố cục: chắc, đủ và cần có yếu tố sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), để triển khai thành công chuyển đổi số, nhà giáo có vai trò quan trọng. Nhà giáo không chỉ là người thầy truyền thụ kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng với tinh thần đổi mới sáng tạo. Các thầy, cô là người tạo ra những bài giảng số, những hoạt động giáo dục số trực quan, sinh động, để mang lại những giờ học rất bổ ích cho người học.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin ghi nhận, Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức là một hoạt động chuyên môn có tính sáng tạo cao, tạo sân chơi hữu ích và cơ hội tốt để các nhà giáo thể hiện sự sáng tạo tâm huyết của mình.
Cuộc thi là hoạt động rất ý nghĩa đối với ngành Giáo dục trong bối cảnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Sơn Hải tin tưởng, mỗi nhà giáo khi tham gia cuộc thi này, các thầy cô sẽ có những trải nghiệm rất thú vị về thiết kế, về xây dựng kịch bản, rồi số hóa các bài giảng và đây là những năng lực số rất quan trọng đối với mỗi nhà giáo trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
“Với việc đóng góp hàng nghìn bài giảng trực tuyến miễn phí, Cuộc thi đã góp phần xây dựng phát triển các kho bài giảng, kho học liệu số trực tuyến bổ ích để phục vụ chuyển đổi số trong ngành Giáo dục”- ông Nguyễn Sơn Hải nhấn mạnh.