Tiếng trống gọi học sinh ôn bài

GD&TĐ - Đã thành lệ, cứ đến 19 giờ mỗi tối, tiếng trống khuyến học từ Đài Truyền thanh xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại truyền xuống 11 thôn xóm trên địa bàn.

Đã thành thói quen sau khi nghe “Tiếng trống khuyến học”, em Lê Văn Đức (lớp 12A1, Trường THPT Hà Huy Tập) ngồi vào bàn học bài.
Đã thành thói quen sau khi nghe “Tiếng trống khuyến học”, em Lê Văn Đức (lớp 12A1, Trường THPT Hà Huy Tập) ngồi vào bàn học bài.

Gác lại mọi công việc, các bậc phụ huynh đôn đốc con cái ngồi vào bàn học. Nền nếp này đã duy trì gần 3 năm qua.

Tiếng trống báo thức

Sau nhạc hiệu là âm thanh “Bây giờ là 19 giờ, đã đến giờ học tập của các cháu tại gia đình. Hội Khuyến học xã Cẩm Hà kính mong các bậc phụ huynh và người thân của các cháu hãy tạo điều kiện về thời gian và không gian yên tĩnh để các cháu có một buổi học tập đạt hiệu quả cao nhất”. Sau đó là một hồi trống rộn rã vang lên Tùng… Tùng… Tùng… như hiệu lệnh thông báo đến giờ học bài của con em trong các thôn xóm.

Mặc dù, thời lượng của chuyên mục “Tiếng trống khuyến học” chỉ hơn 2 phút, song cũng đủ thúc giục các bậc phụ huynh vặn nhỏ máy thu thanh, thu hình, dành thời gian yên tĩnh cho con học bài.

“Tiếng trống học bài ban đầu còn lạ lẫm nhưng lâu dần thành quen và được đông đảo các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ. Cứ đến 19 giờ tối, những âm thanh từ các phương tiện nghe nhìn, máy sản xuất cũng được giảm công suất. Ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu mình ngồi vào bàn học”, ông Trần Đức Mùi, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cẩm Hà, cho biết.

Thực hiện phong trào “Tiếng trống khuyến học”, hàng ngày đúng 19 giờ, sau tiếng trống báo hiệu giờ học buổi tối, chị Hà Thị Thanh (thôn Xuân Hạ) lại đốc thúc con ngồi vào bàn. Con gái chị Hà năm nay học lớp 3 tại Trường Tiểu học Cẩm Hà. Sau một thời gian dài nghỉ hè do dịch bệnh, các em đến trường được gần 3 tuần.

“Bây giờ nghe tiếng trống khuyến học là các cháu tự giác ngồi vào bàn học không cần bố mẹ nhắc nhở. Cũng nhờ tiếng trống khuyến học, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình với việc học của con”, chị Hà cho hay.

“Trong đợt dịch Covid-19, ngoài nhắc nhở các cháu học tập, chúng tôi còn lưu ý phụ huynh, học sinh các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phụ huynh có con em đi học ở xa cần thực hiện khai báo y tế với địa phương…”, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cẩm Hà thông tin.

Để phong trào đi vào nền nếp, những ngày đầu, cán bộ Hội Khuyến học xã, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể cùng nhau vào cuộc. Ban đầu là đến các trường học đề nghị giáo viên nhắc nhở học sinh học bài sau khi nghe tiếng trống khuyến học và huy động đội ngũ giáo viên trên địa bàn cùng tham gia giám sát học sinh.

Mỗi tối, cán bộ khuyến học tại thôn xóm được phân công đến từng nhà để theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc học của các em. Hội Khuyến học xã Cẩm Hà còn thường xuyên đổi mới nội dung, chuyên mục không tạo cảm giác nhàm chán và phù hợp với tình hình thực tế.

Hội Khuyến học xã Cẩm Hà trao quà khuyến học đến gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Hội Khuyến học xã Cẩm Hà trao quà khuyến học đến gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Điểm sáng khuyến học

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phong trào “Tiếng trống khuyến học” đã góp phần nâng cao xã hội học tập ở 11 thôn xóm trong toàn xã. Các bậc phụ huynh cũng chú trọng hơn đến việc học của con em, hiện tượng thanh - thiếu niên tụ tập ngoài đường, nơi công cộng giảm, các tệ nạn xã hội liên quan đến thanh niên không nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên), từ khi có mô hình tiếng trống khuyến học, sự học của học sinh trong xã có những tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, đặc biệt chất lượng giáo dục mũi nhọn bứt phá.

“Khoảng 10 năm trước, Cẩm Hà là địa phương nhiều năm “trắng” học sinh đậu đại học, nhưng những năm gần đây đã thay đổi. Trong năm 2019, lần đầu tiên xã có hơn 20 em đậu đại học”, ông Hùng thông tin.

Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, xã Cẩm Hà có 42 em đậu đại học, trong đó 60% học sinh đạt từ 25 điểm trở lên. Nhiều em nằm trong tốp đầu của huyện Cẩm Xuyên như: Em Lê Văn Ngân (thôn Đông Tây Xuân) đạt 28,5 điểm; em Nguyễn Văn Phú (thôn Đông Tây Xuân) đạt 28,35 đậu Học viện Bưu chính Viễn thông…

Điều đáng nói, nhiều em trong số này có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng các bậc phụ huynh vẫn dành mọi điều kiện tốt nhất để con được học hành thành tài.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn Nam Xuân) có 4 con trai đều học hành giỏi giang. Hai con trai đầu đang học Trường Đại học Y và Học viện Kỹ thuật Quân sự, cậu con trai thứ 3 vừa đậu Đại học Quốc gia Hà Nội với số điểm 26,6. Toàn bộ kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào hơn 1 mẫu ruộng. Chị Mai kể có những thời điểm vợ chồng chị phải đi vay mượn, cắm sổ để có tiền cho các con ăn học. Căn nhà xây dựng đã gần 10 năm vẫn chưa có tiền làm cửa nhưng tiền học cho con thì chưa bao giờ vợ chồng chị để thiếu.

“Bản thân tôi cũng từng được đi học nhưng do nhà nghèo nên không thể theo đuổi ước mơ của mình. Vì vậy, tôi cũng không thể để cuộc đời các con cũng dang dở ước mơ chỉ vì hoàn cảnh. Dù có khó khăn, vợ chồng tôi vẫn luôn động viên nhau cố gắng vì tương lai của con”, chị Mai tâm sự.

Để duy trì thành tích học tập của thôn, vào đầu năm học, Hội Khuyến học xã đều tổ chức trao thưởng cho học sinh có thành tích tốt trong năm học. Bên cạnh đó, mỗi tháng, hội tổ chức phát học bổng cho những gia đình khó khăn, có các cháu đạt thành tích học tập tốt, nhằm khích lệ, động viên gia đình. Những phần quà tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn, giúp các em có thêm động lực, phấn đấu trong những năm học tiếp theo.

“Tiếng trống khuyến học là mô hình được triển khai tại nhiều địa phương của huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều nơi bị gián đoạn, nhưng xã Cẩm Hà vẫn luôn duy trì và phát huy hiệu quả mô hình này. Mô hình Tiếng trống khuyến học đã đưa Cẩm Hà dần trở thành điểm sáng trong phong trào học tập của toàn huyện Cẩm Xuyên”, bà Trịnh Thị Thi, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Cẩm Xuyên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ