Sinh hoạt chuyên môn tạo môi trường tương tác khi giảng dạy Chương trình mới

GD&TĐ - Tại Nam Định, các trường tận dụng hình thức sinh hoạt chuyên môn khi giảng dạy Chương trình GDPT 2018 nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tiết Tiếng Việt – Đọc bài: “Nhà phát minh 6 tuổi”của cô giáo Phạm Thị Thu Hiền tại lớp 4A2 Trường Tiểu học Hải Minh.
Tiết Tiếng Việt – Đọc bài: “Nhà phát minh 6 tuổi”của cô giáo Phạm Thị Thu Hiền tại lớp 4A2 Trường Tiểu học Hải Minh.

Tổ chuyên môn cùng vào cuộc

Năm học 2023-2024, Chương trình GDPT 2018 đang được tiến hành với lớp 4 ở cấp Tiểu học. Để thực hiện tốt chương trình lớp 4, giáo viên phải biết tổ chức các hoạt động theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thầy cô cần có nhiều đổi mới tích cực, sáng tạo để cho ra những bài giảng hấp dẫn.

Để làm tốt việc này, BGH Trường Tiểu học Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định) đã chỉ đạo tổ chuyên môn 4, 5 tích cực sinh hoạt, trao đổi chuyên môn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh giúp cho cán bộ, giáo viên được học hỏi, giao lưu nâng cao năng lực chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

BGH nhà trường chỉ đạo và sinh hoạt cùng nhóm chuyên môn khối 4.

BGH nhà trường chỉ đạo và sinh hoạt cùng nhóm chuyên môn khối 4.

Thực hiện Kế hoạch năm học 2023-2024 của Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, ngay từ đầu năm học, BGH Trường Tiểu học Hải Minh đã chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề: “Dạy học các môn học lớp 4 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.

Trong các buổi sinh hoạt cùng nhóm chuyên môn khối 4, nhà trường đã chỉ đạo việc thực hiện chương trình lớp 4 chú trọng vào việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh, để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của các em trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi tổ chức các hoạt động, giáo viên phải luôn luôn chú ý xem các hoạt động của mình đã hướng tới học sinh chưa? Đã khơi gợi sự hứng thú, tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh chưa? Học sinh có chủ động, tích cực chiếm lĩnh kiến thức không? Học sinh đang gặp những khó khăn gì?

Cô trò cùng trao đổi ở tiết Khoa học tại lớp 4G1 bài: “Gió, bão và phòng chống bão”.

Cô trò cùng trao đổi ở tiết Khoa học tại lớp 4G1 bài: “Gió, bão và phòng chống bão”.

Nội dung và phương pháp dạy có phù hợp, có gây hứng thú cho học sinh không? Có phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh không? Sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh với học sinh có tốt không…

BGH nhà trường còn chỉ đạo giáo viên đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Thầy cô đánh giá, nhận xét học sinh; học sinh nhận xét, đánh giá học sinh phải trên cơ sở năng lực, phẩm chất học sinh và làm sao phải phát triển được năng lực, phẩm chất.

Tiết Toán minh họa chuyên đề của cô giáo Nguyễn Thị Trang.
Tiết Toán minh họa chuyên đề của cô giáo Nguyễn Thị Trang.

Giáo viên chủ động trong từng tiết dạy

Trên cơ sở chỉ đạo của nhà trường, các giáo viên khối 4 đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo đúng hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhóm chuyên môn khối 4 đã cử cô Phạm Thị Thu Hà nghiên cứu và trình bày phần lý thuyết chuyên đề: “Dạy học các môn khối 4 theo hướng phát triển, phẩm chất, năng lực học sinh”.

Với tinh thần trách nhiệm cao, cô Phạm Thị Thu Hà đã trình bày chuyên đề theo đúng chỉ đạo, được các thầy cô và BGH nhà trường cùng nhau xây dựng làm rõ những nội dung cần hướng tới. Các giáo viên dạy khối 4 đã tích cực thảo luận làm rõ những vấn đề còn đang băn khoăn, trăn trở khi dạy để cùng tìm cách phân tích, tháo gỡ và đi đến thống nhất.

Trên cơ sở lý thuyết của chuyên đề đã được nghiên cứu thấu đáo, cô Nguyễn Thị Trang dạy minh họa tiết Toán: Bài 12 “Các số trong phạm vi lớp triệu” để toàn thể các thầy cô trong khối 4 dự và trao đổi.

Ở tiết học các em học sinh đã được ôn lại kiến thức về hàng và lớp cũng như cấu tạo số của các số trong phạm vi lớp triệu. Tiết học trở nên sôi nổi và hào hứng hơn khi các em được cô giáo tổ chức thông qua trò chơi “Đi tìm kho báu”.

Trò chơi đã kích thích sự hứng thú cho học sinh đồng thời giúp các em khắc sâu hơn kiến thức. Từ đó, tạo sự yêu thích, niềm đam mê môn học và tích cực hợp tác với các bạn trong lớp.

Tiết Lịch sử và Địa lý tại lớp 4D1 với bài: “Dân cư và hoạt động sản xuất ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”.

Tiết Lịch sử và Địa lý tại lớp 4D1 với bài: “Dân cư và hoạt động sản xuất ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”.

Sau tiết dạy minh họa, các thầy cô trong khối lại cùng nhau trao đổi, thống nhất về phương pháp, cách thức tổ chức lớp học để phát huy năng lực, phẩm chất học sinh. Ai ai cũng phấn khởi và tự tin hơn cho việc thiết kế bài giảng, tổ chức lớp học đúng theo tinh thần đổi mới.

Thầy cô tự tin đăng ký các tiết dạy theo chuyên đề hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và ngày Nhà giáo Việt nam 20/11. Những ngày sau đó các tiết dạy của các môn học đã được thầy cô trong khối 4 tiếp tục dạy và dự giờ góp ý rút kinh nghiệm sâu sắc.

Cô Trần Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Minh cho biết, dạy học theo định hướng phát triển năng lực là một trong những xu hướng quan trọng trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Hình thức giáo dục này đặt mục tiêu tạo ra một môi trường học tập tương tác, khuyến khích học sinh vận dụng các kỹ năng, kiến thức và giá trị trong thực tế cuộc sống.

"Thầy cô sẽ là người hướng dẫn, đồng hành cùng trẻ trong quá trình khám phá, tìm hiểu và xây dựng kiến thức mới. Đối với việc dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, nhà trường đã áp dụng từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 một cách nghiêm túc và bài bản" - cô Trần Thị Thủy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ