(GD&TĐ) - Từ 1/8, các bệnh viện của Hà Nội đồng loạt áp dụng mức viện phí mới. Khảo sát tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố cho thấy người dân không quá bất ngờ với việc tăng viện phí, mức tăng… nhưng tất cả đều có chung một băn khoăn: Tiền tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?
Trút gánh nặng cho bệnh viện
Khung giá viện phí ra đời cách đây 16 năm với quy định mỗi lần khám bệnh chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng nếu vẫn tiếp tục áp dụng sẽ không phù hợp với điều kiện thực tế khi lương cơ bản, giá xăng dầu liên tục tăng.
Tuy nhiên, lý thuyết là vậy nhưng thực tế các bệnh viện công đã “xé rào” từ lâu. Khảo sát tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố cho thấy giá viện phí cũ chỉ áp dụng cho bệnh nhân đúng tuyến, khám theo bảo hiểm còn bệnh nhân khám tự nguyện hay vượt tuyến đã phải chi trả cho mỗi lần khám từ 30.000 -50.000đ từ lâu.
Tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba hay Xanh - Pôn, mỗi lần khám, người bệnh cũng phải chi trả từ 30.000đ - 60.000 tuỳ bệnh viện. Lý giải cho việc một cơ sở y tế tồn tại 2 bảng giá, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng trong khi nhà nước chưa cho phép tăng viện phí thì bản thân các bệnh viện phải tự “cứu mình” bằng cách mở ra các phòng khám dịch vụ với quan điểm “thu đủ bù chi” cải thiện đời sống cho cán bộ cũng như có ngân sách tái đầu tư.
Từ mức giá mà các bệnh viện đang áp dụng cho thấy mức giá mà khung viện phí mới đã tính đúng, tính đủ, giúp các bệnh viện không phải lo bù lỗ do sự chênh lệch giữa giá viện phí với số tiền thực chi cho vật tư/thủ thuật. Theo quy định của Bộ Y tế, kinh phí thu được từ tiền khám chữa bệnh sẽ được đầu tư trực tiếp cho bệnh viện.
Theo quy định trên, Hà Nội sẽ chi 70 - 80% số tiền thu được cho tiền thuốc, vật tư tiêu hao. Phần còn lại chỉ cho các cơ sở khám chữa bệnh với dự kiến 3 - 5 tỷ/đơn vị/năm. Với số tiền trên, các bệnh viện đã trút được gánh nặng bù lỗ, có điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Người dân lại băn khoăn trước ngưỡng cửa viện phí mới. Ảnh: Xuân Tùng |
Tăng nỗi lo cho người nghèo
Theo bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước khi áp dụng khung viện phí mới, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là khâu đón tiếp, cải cách thủ tục hành chính...
Tại khoa Khám bệnh, BV Thanh Nhàn đã thực hiện lấy số khám bệnh tự động, bổ sung thêm người vào vị trí tiếp đón, hướng dẫn người bệnh làm thủ tục khám bệnh, thanh toán viện phí. Các khoa làm việc sớm hơn 30 phút để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân…
Ý chí của lãnh đạo ngành Y tế là vậy nhưng thực tế cho thấy những bất cập của ngành Y vẫn tồn tại hàng ngày hàng giờ với những ai không may phải vào viện. Người bệnh phải nằm ghép giường, tệ nạn phong bì, phong bao trước mỗi ca mổ vẫn diễn ra, sai sót của bác sĩ… liên tục được phát hiện. Bên cạnh những “mảng tối” đang tồn tại trong các bệnh viện, việc tăng viện phí cũng khiến không ít người bệnh nghèo trăn trở.
Chị Hoàng Thị Luyến (Ứng Hòa, Hà Nội) tuy không thuộc diện cận nghèo hay nghèo nhưng do ruộng ít, không có nghề phụ nên cả nhà trông chờ vào 8 sào ruộng. Chị cho biết: Số tiền thu được chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và lo cho 3 con ăn học. Hai vợ chồng dù đau yếu luôn nhưng vẫn chưa dám nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế.
Bà Đoàn Thị Hồng (Thạch Thất, Hà Nội) tuy có bảo hiểm nhưng do phải chạy thận nhân tạo nên số tiền phải đóng mỗi khi vào viện không hề nhỏ. “Nay viện phí tăng lên, tôi không biết liệu mình có đủ tiền để cùng chi trả các loại phí nữa không”, bà Hồng tâm sự.
Với trên 30% dân số chưa có bảo hiểm hiện nay, đặc biệt việc triển khai bảo hiểm y tế cho nông dân, ngư dân vẫn gặp nhiều khó khăn nên việc tăng viện phí đã nhân lên khó khăn cho đối tượng này. Thiết nghĩ, tăng viện phí phải đi cùng với việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân để giảm bớt khó khăn cho người dân nghèo khi khám chữa bệnh và giảm bớt gánh nặng bù lỗ cho các bệnh viện.
819 dịch vụ tăng giá - Hà Nội là địa phương áp chót (trước TPHCM) quyết định thực hiện mức viện phí mới với 819 dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh. Được biết, giá viện phí mới tăng gấp 2,5 lần so với viện phí hiện hành. - Tại bệnh viện loại I, tiền khám tăng từ 25.000đ lên 100.000đ; Giường bệnh cấp cứu tăng từ 15.000đ lên 113.000đ/ngày. Giường bệnh tại các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9.000đ /ngày lên 60.000đ /ngày… |
Minh Ngọc