Ngay cả trong những năm đói nghèo nhất, người dân nơi đây vẫn nỗ lực duy trì một truyền thống khiến họ phải tốn kém: Tặng quà dịp cuối năm.
Truyền thống thơm thảo
Tuần cuối cùng của lịch âm, người Hàn Quốc, đặc biệt là những ai đi làm hoặc kết hôn xa quê hương, bận rộn hơn bao giờ hết. Ngoài dọn dẹp, mua sắm, chuẩn bị Tết cho bản thân, họ còn cần tìm kiếm những món quà ý nghĩa, thiết thực để tặng thân nhân trước khi năm mới sang.
Người Hàn Quốc gọi Tết là Seollal. Theo tư liệu sử, Seollal có từ Thời Tân La (trước Công nguyên). Ban đầu, tặng quà cuối năm là việc làm của bậc cha mẹ, quà tặng cũng chỉ có bánh gạo và trái cây.
Thời phong kiến, nhiều gia đình nghèo, nhất là các cặp vợ chồng trẻ mới ra ở riêng, không có thực phẩm đón xuân. Thương con, các bậc cha mẹ chia sẻ thức ăn trước Tết. Dần dà, đối tượng được nhận quà mở rộng hơn, bao gồm cả bạn bè, đối tác kinh doanh… và người tặng chính cũng đổi vai, từ cha mẹ sang con cái.
Mấy năm sau nội chiến, người dân Hàn Quốc nghèo đói, vất vả. Dù vậy, họ vẫn không bỏ truyền thống tặng quà Seollal. “Ngày ấy, quà tặng chỉ là gói đường, túi trứng hay nắm gạo nếp. Nhà nào sang giàu lắm thì lén lút mua lậu được hộp thịt đóng hộp từ căn cứ đóng quân của quân đội Mỹ làm quà tặng”, nhiều người lớn tuổi ở Hàn Quốc vẫn nhớ.
Trọng tính thiết thực
Tiêu chí chọn quà Seollal là phải thiết thực. Ảnh: Koreatimes.co.kr |
Sau khoảng 2 thập niên nghèo khó, người Hàn Quốc giàu lên vùn vụt. Những năm thuộc thế kỷ XIX, cứ đến tháng 12 âm lịch, các phương tiện giao thông công cộng lại vất vả vì khách nào cũng “tay xách nách mang” đủ kiểu túi, hộp quà Seollal. Khác với người Việt Nam chuộng “của ít lòng nhiều”, người Hàn Quốc đặc biệt nhấn mạnh “quà Seollal quan trọng nhất là phải thiết thực”.
Mặt hàng được yêu thích số 1 là thịt và loại thịt được nhà nhà muốn có là thịt bò Hàn Quốc chất lượng cao. Ít nhất là trong 2 thập kỷ nay, “set bulgogi” (bao gồm thịt bò, sườn bò tẩm ướp sẵn, dùng để nướng) luôn cháy hàng vào cuối năm âm lịch.
Sau thịt bò là các mặt hàng ẩm thực truyền thống như bánh kẹo hangwa, rượu gạo, quả hồng khô… Tiếp đến là các mặt hàng nhu yếu phẩm như dầu gội, xà phòng, kem đánh răng, mỹ phẩm… và gia vị, thực phẩm chức năng có lợi cho sức khỏe.
Mấy năm Covid-19, vì bị hạn chế đi lại, tụ họp, người Hàn Quốc tặng quà Seollal nhiều hơn bao giờ hết. Từ các trung tâm thương mại khổng lồ đến cửa hàng tạp hóa địa phương, tài khoản mạng xã hội bán đồ nhà làm đều tích cực giới thiệu các “set” quà tặng Seollal, phục vụ chuyển phát tới tận nhà.
Ngay cả Đạo luật Kim Young-ran cấm tặng quà nhiều hơn 50 nghìn won cũng nới lỏng cho Seollal, cho phép các “combo” trị giá đến 200 nghìn won.
Thú vị là ngoài thực phẩm tươi sống, quà tặng Seollal ngày nay còn bao gồm cả các set “cơm ngày Tết đóng gói”, có từ phần ăn cho 1 người đến nguyên bàn cỗ cúng tổ tiên.
Dịch vụ giao hàng ở Hàn Quốc được xếp vào diện “nhanh, chuẩn số 1 toàn cầu”. Một số nền tảng thương mại trực tuyến còn đảm bảo giao hàng ngay trong ngày, giúp người Hàn Quốc tiết kiệm không ít thời gian và công sức.
“Trước đây, tôi phải tốn khá nhiều thời gian để đi chợ, chọn lựa quà Seollal vừa thiết thực vừa hợp túi tiền. Bây giờ, tôi chỉ việc ngồi nhà lướt web và nhấp chuột thôi”, Park Jina, nhân viên văn phòng ở Seoul hạnh phúc nói.
Tinh giản trong thời đại số
Thời nay, tiền và thẻ quà tặng mới là quà Seollal số 1. Ảnh: Koreatimes.co.kr |
Cũng trong mấy năm gần đây, người Hàn Quốc thịnh hành loại quà Seollal gọn nhẹ nhất: Tiền mặt hoặc thẻ quà tặng điện tử, chuyển qua tài khoản ngân hàng hoặc ứng dụng trực tuyến.
Tỷ lệ người có điện thoại thông minh ở Hàn Quốc lên đến 96%. Ngày nay, chỉ cần có trong tay một chiếc điện thoại thông minh, bạn gần như thực hiện được mọi giao dịch.
Khách quan mà đánh giá, tiền quả thật là… món quà thiết thực nhất. Với nó, người nhận có thể mua những thứ mà họ cần. Có lẽ cũng chính vì lý do này, người Hàn Quốc nhanh chóng chấp nhận tiền như mọi kiểu quà Seollal khác.
Thẻ quà tặng điện tử cũng tương tự như tiền, chỉ khác ở chỗ phạm vi sử dụng hơi giới hạn hơn một chút. Tuy nhiên, so với người lớn tuổi thích được nhận tiền thì giới trẻ, đặc biệt là lớp trẻ em được lì xì, lại thích thẻ quà tặng hơn.
“Bọn trẻ thích mua sắm trực tuyến hơn là trực tiếp. Chính vì thế mà ngay cả không phải Tết Nguyên đán, các loại thẻ quà tặng kỹ thuật số vẫn bán rất chạy. Bây giờ, lì xì cùng phải kỹ thuật số mới ngầu”, phóng viên Park Han-na cho biết.
“Dù các quy định giãn cách, phong tỏa có được gỡ bỏ thì lượng khách hàng chuyển tiền và thẻ quà tặng làm quà Seollal cũng không giảm, thậm chí còn gia tăng”, Han-na nói thêm.