Hàn Quốc bây giờ chỉ có người già làm nông

GD&TĐ - Có một nghịch lý là, trong nhiều vùng nông thôn ở Hàn Quốc, những người thuộc độ tuổi 60 đang là… lực lượng lao động trẻ nhất.

60,4% nông dân Hàn Quốc là người từ 60 tuổi trở lên.
60,4% nông dân Hàn Quốc là người từ 60 tuổi trở lên.

Theo báo cáo, người cao tuổi đang chiếm đến 46,5% dân số nông nghiệp của quốc gia Đông Bắc Á này.

Già hóa nông thôn

Hàn Quốc là đất nước dân số già. Theo báo cáo từ Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea), tính tới cuối năm 2020, tổng dân số Hàn Quốc là khoảng 51 triệu người. Hiện tại, số người cao tuổi của đất nước này là hơn 8,1 triệu người.

Cũng theo Thống kê Hàn Quốc, lượng nông dân ở đất nước này đang ở mức thấp nhất mọi thời đại: 2,24 triệu người (4,3% tổng dân số). Đặc biệt, có tới 46,5% trong số này là các cao niên từ 65 tuổi trở lên (ngoài độ tuổi lao động). Nếu hạ độ tuổi xuống 5 năm, số lượng người làm nông tuổi từ 60 trở lên còn chiếm đến 60,6%. 

Với con số 60,6% này, tổng số người làm nông nghiệp tuổi từ lục thập trở ra rơi vào khoảng 1,36 triệu người. Trong đó, từ 60 - 64 tuổi có 314.191 người (14%), từ 65 - 69 tuổi có khoảng 293.000 người (22%), từ 70 - 74 tuổi có 268.000 người (20%), từ 75 - 79 tuổi có gần 237.000 người (17%), từ 80 tuổi trở lên có khoảng 248.000 người (18%). 

“Ở nhiều vùng nông thôn, những người thuộc độ tuổi 60 được coi là lực lượng lao động trẻ nhất” - một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn (Ministry of Agriculture, Food and Rural Affairs) Hàn Quốc cho biết - “Họ gánh vác luôn nghĩa vụ giúp đỡ những lão nông trên 80 tuổi, làm những công việc nặng nhọc như bốc vác phân bón, chuyển nông sản...”.

Vì lượng các cụ làm nông cao, dân số các vùng nông thôn của Hàn Quốc thuộc diện vô cùng già. Toàn bộ các khu vực canh tác ở đây đều có tỷ lệ người già cao hơn tại các thành thị. 

Nông nghiệp Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào lao động nước ngoài.
Nông nghiệp Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào lao động nước ngoài.

Giới trẻ từ bỏ

Nông nghiệp là ngành nghề truyền thống của Hàn Quốc. Thập niên 1970, có tới 45,7% dân số Nam Hàn là nông dân. Tuy nhiên cũng từ thập kỷ này, giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu mở rộng lựa chọn nghề nghiệp. Tại các vùng nông thôn, thanh thiếu niên đua nhau bỏ đồng ruộng, tràn vào các thành phố đang phát triển tìm kiếm cơ hội làm giàu.

Bước sang thập niên 1980, lượng nông dân Hàn Quốc chỉ còn chiếm 28,4% tổng dân số. Đến năm 2000, họ tiếp tục giảm, xuống chạm 8,8%. 

Thập niên 2010, chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách khuyến khích những người trong độ tuổi 20 - 40 đang ở thành thị về nông thôn, làm nông nghiệp. Vào năm 2016, họ hạnh phúc báo cáo lượng giới trẻ “về quê” đạt con số cao nhất: Gần 21 nghìn người.

Có điều sang năm 2017, lượng giới trẻ “bỏ phố” giảm dần, còn hơn 19 nghìn người. Sang năm 2018, họ tiếp tục giảm nữa, xuống còn gần 18 nghìn người. 

Đa phần giới trẻ “bỏ phố về vườn” đều gặp chung một rắc rối: Thiếu kinh nghiệm làm nông. Nó dẫn tới hệ quả không thể tránh là thu nhập giảm. 

Văn hóa sống ở nông thôn và thành thị Hàn Quốc cũng vô cùng khác biệt. Những người “về quê” gặp không ít khó khăn trong việc hòa nhập. Sự kết hợp giữa khó thích nghi cộng thu nhập giảm buộc họ phải từ bỏ “mộng nông dân nhàn nhã”, quay lại chốn “đất chật người đông”.

Các lão nông ngoài 80 vẫn chiếm 11% tổng lực lượng lao động nông nghiệp.
Các lão nông ngoài 80 vẫn chiếm 11% tổng lực lượng lao động nông nghiệp.

Thiếu hụt lao động

Tỷ lệ nông dân từ 59 tuổi trở xuống ở Hàn Quốc chỉ chiếm 39,4%, với tổng cộng hơn 882 nghìn người. Trong đó, từ 55 - 59 tuổi có khoảng 235 nghìn người (27%), từ 50 - 54 tuổi có 143.000 (16%), từ 45 - 49 có trên 94 nghìn (11%). 

Nhóm nông dân trẻ, tuổi từ 44 trở xuống chiếm 46%, với tổng cộng khoảng 406 nghìn người. Xét trên tổng dân số, họ chỉ chiếm có 0,8%. Với lực lượng lao động trẻ quá ít ỏi này, ngành nông nghiệp Hàn Quốc tất yếu thiếu nhân công. 

Từ thập niên 1990, xứ sở kim chi đã phải thuê lao động người nước ngoài. Theo báo cáo năm 2019, lĩnh vực nông nghiệp Hàn Quốc phải thuê khoảng 6.400 lao động nhập cư làm chính thức và trên 3.600 lao động nhập cư làm thời vụ, tổng cộng 10 nghìn người. 

Năm 2020, Hàn Quốc lao đao vì Covid-19. Ngành nông nghiệp hứng chịu rủi ro lớn vì không thuê được lao động nước ngoài theo mùa vụ. Họ đăng ký cần 5 nghìn nhân công, nhưng cơ quan quản lý lao động nhập cư không cách nào đáp ứng con số này. Hậu quả là nông dân trong nước phải cật lực thu hoạch. Với đa phần là người già, họ thật sự gặp rắc rối. 

Sau vụ mùa đầu tiên, các trang trại chỉ còn cách giảm số lượng nuôi, trồng. Nó dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng: Thiếu hụt lương thực, thực phẩm trên toàn quốc. 

Trước tình hình Covid-19 vẫn chưa được giải quyết, hiện nông nghiệp Hàn Quốc tiếp tục cảnh lao đao. Bên cạnh đó, họ còn bị tố bóc lột lao động nhập cư. Tháng 12/2020 tại Pocheon, Seoul, một lao động nước ngoài là Nuon Sokkheng (Campuchia) đột tử lúc đang làm việc trong trang trại, nghi ngờ bị ép làm việc quá sức lâu ngày. 

Ước tính đến năm 2060, dân số Hàn Quốc giảm xuống còn 39 triệu người. Trong đó, lượng người từ 65 tuổi trở lên chiếm 40% (15,6 triệu người). Chính phủ Hàn Quốc lo ngại, lượng các cụ cao tuổi làm nông tiếp tục tăng. Dân số nông thôn sẽ ngày càng lão hóa hơn nữa, phụ thuộc vào lao động nước ngoài. 

Cũng theo ước tính đến năm 2060 từ Hàn Quốc, đất nước này có thể cần tới 15 triệu lao động nhập cư, chia vào 3 ngành nghề siêu vất vả: Công – nông – ngư nghiệp. 

Theo Koreaherald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.