Hổ: Con giáp quan trọng nhất văn hóa Hàn Quốc

GD&TĐ - Theo dữ liệu từ Học viện Hàn Quốc (Korean Studies), kho tàng văn học dân gian Triều Tiên có tổng cộng 1.283 câu chuyện 12 con giáp.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu mừng năm mới 2022 dưới biểu tượng hổ khổng lồ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu mừng năm mới 2022 dưới biểu tượng hổ khổng lồ.

Trong đó, con giáp Dần chiếm đến 40%. Ngay cả với K-pop đương đại, hình ảnh hổ cũng thống lĩnh.

Suýt thành thần khai quốc

Truyền thuyết Đàn Quân Vương Kiệm (Dangun Wanggeom) của người Triều Tiên kể lại, thuở hồng hoang, nhân gian nằm dưới sự cai quản của Hoàn Hùng (Hwanung) – thiên tử của thiên đế Hoàn Nhân (Hwanin).

Sau khi được thiên phụ ban cho 3 thiên phù là gươm, gương và nước, Hoàn Hùng rời thiên giới, hạ phàm tại đỉnh núi Thái Bạch (ngày nay là núi Bạch Đầu (Baekdu), Bắc Triều Tiên).

Cùng hạ phàm với Hoàn Hùng là 3 vị thần và 3 nghìn thủ hạ. Họ đảm trách các vị trí quan trọng trong vương triều Hoàn Hùng Thiên Vương, quản lý mọi mặt đời sống nhân gian.

Trong thời gian Hoàn Hùng cai quản, có 2 con vật là hổ và gấu đến thỉnh cầu hóa thân thành người. Hoàn Hùng đưa cho mỗi con một nắm lá ngải cứu và 20 củ tỏi, bảo nếu ở yên trong hang tối và chỉ ăn 2 loại rau củ này đủ 100 ngày, thì sẽ cho biến                       thành người.

Mới được vài ngày, con hổ đã chịu không nổi và bỏ cuộc. Con gấu thì cố gắng kiên nhẫn và đúng ngày thứ 100, nó biến thành phụ nữ.

Có được nhân dạng, con gấu lấy tên Hùng Nữ (Ungnyeo). Nó bước vào xã hội con người, nhưng không được nam giới nào hỏi cưới. Tuyệt vọng, Hùng Nữ cầu cứu Hoàn Hùng. Thiên vương đành kết duyên với nàng, hạ sinh Vương Kiệm (Wanggeom).

Năm 2333 TCN, Vương Kiệm quyết định lập vương quốc. Ông đặt tên nước là Triều Tiên (Joseon, thường được gọi là Joseon cổ đại để phân biệt với nhà nước Joseon trung đại), định đô tại Bình Nhưỡng, mở ra vương triều đầu tiên.

Biểu tượng quốc gia

Tranh hổ của Hàn Quốc được vẽ vào thế kỷ XIX.
Tranh hổ của Hàn Quốc được vẽ vào thế kỷ XIX.

Mặc dù, gấu thành công biến thành người, thậm chí là mẫu thân của nhà vua khai quốc, văn học dân gian Triều Tiên hiếm khi nhắc đến nó. Trái lại thì hổ - con vật thất bại hóa nhân vì không thể ăn chay, lại được nhắc nhiều trong mọi thể loại nghệ thuật.

Suốt thời đại Joseon (1392 – 1897), hổ được xếp hạng mãnh thú số 1. Người Triều Tiên vừa kinh sợ vừa ngưỡng mộ sức mạnh của hổ, xem nó như biểu tượng quyền lực.

Cũng trong thời Joseon, tranh vẽ hổ đặc biệt đáng giá và phổ biến. Người Triều Tiên sùng bái, thờ phụng hổ, treo tranh vẽ hổ trong nhà như bảo vật trấn tà, mang lại cát tường.

Đầu thế kỷ XX, nhà văn kiêm sử gia Choe Nam-seon (1890 -1957) hoàn thành bản vẽ bản đồ Bán đảo Triều Tiên (Korean Peninsula). Dưới ngòi bút của ông, mảnh đất này mang hình con hổ. Kể từ lúc đó, hình ảnh hổ là biểu tượng quốc gia Hàn Quốc.

Trong Thế vận hội mùa hè năm 1988 được tổ tại Seoul, Hàn Quốc giới thiệu Linh vật Hodori. Nó là con hổ màu cam, đại diện cho cả đội tuyển lẫn quốc gia Hàn Quốc.

Trong Thế vận hội mùa đông 2018 được tổ chức tại PyeongChang, Hàn Quốc lần nữa sử dụng hình ảnh hổ làm linh vật. Lần này, họ giới thiệu Soohorang (hổ trắng), thân thiết gọi nó là “hậu duệ của Hodori”.

Linh hồn dân tộc

Lý giải sự cuồng nhiệt của người Hàn Quốc với hổ là bài toán khó. Đầu tiên, nó không hề là con vật đáng được ca ngợi trong truyền thuyết lập quốc. Tiếp theo, nó là nỗi ám ảnh suốt thời trung – cận đại.

Bán đảo Triều Tiên từng vô cùng nhiều hổ. Theo tài liệu được viết cách đây 120 năm, “một nửa thời gian mỗi năm là người Joseon săn hổ, nửa còn lại là hổ săn người”. Nếu say mê drama cổ trang Hàn Quốc, bạn sẽ thường xuyên thấy biên kịch đề cập đến nỗi sợ hổ. Người dân Joseon luôn thấp thỏm sợ bị hổ vồ, còn triều đình phải lập biệt quân tiêu diệt hổ.

Ngày nay, người Hàn Quốc chỉ có thể thấy hổ trong sở thú. Dù vậy, niềm say mê đối với con vật này vẫn vẹn nguyên. Năm 2020, ban nhạc truyền thống Leenalchi ra mắt bài hát Hổ đang đến (Tiger is Coming).

Họ lấy cảm hứng sáng tác từ pansori (hát tự sự truyền thống kiểu Hàn Quốc) có tên Sugungga, kể về con rùa lên cạn kiếm gan thỏ chữa bệnh cho Long vương, nhưng lại sơ ý triệu hồi nhầm hổ.

Chẳng mấy chốc, Hổ đang đến đã càn quét tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc. Khi Leenalchi đưa bài hát này vào chiến dịch quảng cáo Cảm nhận nhịp điệu Hàn Quốc (Feel the Rhythm of Korea) của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (Korea Tourism Organization), họ còn thu hút được 600 triệu lượt xem khắp thế giới.

Cùng năm, nhóm K-pop toàn cầu SuperM (tập hợp thành viên từ 3 nhóm nhạc nam siêu nổi tiếng: EXO, SHINee và NCT 127) cũng “chào sân” quốc tế bằng nhạc phẩm Nội tâm như hổ (Tiger Inside).

“Chúng tôi chọn hổ để thể hiện màu sắc SuperM, nêu bật sức mạnh tổng hợp từ 7 thành viên”, Tập đoàn giải trí S.M. Entertainment tuyên bố. Với vũ đạo uyển chuyển mà mạnh mẽ như cử động của hổ cùng tiếng gầm gừ, SuperM phát đảo thị trường âm nhạc thế giới.

Đối với người Hàn Quốc, không hình ảnh nào thể hiện bản sắc văn hóa, dân tộc mạnh hơn hổ. Các thương hiệu Hàn Quốc thi nhau lấy hổ làm biểu tượng đại diện, tạo điều kiện cho sự ra đời của Công ty vẽ minh họa Muzik Tiger (chủ yếu thiết kế hình hổ).

Ngoại trừ sức mạnh, hổ trong tâm thức người Hàn Quốc còn đại diện cho lòng dũng cảm, ý chí quật cường và… tính hài hước. Cứ đến năm con hổ là người Hàn Quốc đặc biệt hân hoan. Tất nhiên, bao gồm năm nay – Nhâm Dần 2022.

Theo Koreaherald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.