Tăng năng lực dạy học tích hợp cho GV: Bắt đầu từ trường sư phạm

GD&TĐ - Trong quá trình đổi mới giáo dục, việc dạy học tích hợp đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít giáo viên lúng túng trong việc triển khai tổ chức thực hiện dạy học tích hợp. Bồi dưỡng năng lực dạy tích hợp cho giảng viên sư phạm trở thành đòi hỏi cấp thiết để thực hiện thành công đổi mới chương trình, sách giáo khoa, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm.
Đổi mới giáo dục đòi hỏi đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm.

Băn khoăn nhìn từ đào tạo

TS Nguyễn Thị Kim Anh và TS Võ Văn Duyên Em thuộc Khoa Hóa - Trường ĐH Quy Nhơn cho rằng: Chưa có nhiều công trình có chất lượng đánh giá đầy đủ về năng lực nghiệp vụ của giảng viên sư phạm nói chung cũng như dạy học tích hợp nói riêng. Tuy nhiên, có thể nhận định ưu điểm chính trong cách dạy học truyền thống của các trường sư phạm là rất uyên bác với hệ thống kiến thức, cách dạy sâu rộng hàn lâm nhưng chưa đặt trọng tâm vào mục tiêu chính là đào tạo GV và đặc biệt trở thành những giáo viên có khả năng dạy học tích hợp tốt.

Thực trạng cũng cho thấy còn có sự khoanh vùng, thiếu liên kết giữa các môn học thuộc khối kiến thức chung, kiến thức cơ bản, nhóm kiến thức, chuyên ngành - trong đó có các kiến thức về khoa học giáo dục, về nghiệp vụ sư phạm, thiếu sự liên hệ sâu sắc giữa giờ giảng với thực tiễn nghề nghiệp và không truyền cảm hứng sáng tạo đến người học.

Các hoạt động ngoại khóa và hỗ trợ hoạt động giáo dục cho SV, phần lớn giảng viên sư phạm không biết triển khai. Quan niệm giảng dạy ở ĐHSP là phải giảng sâu tri thức mới về một vấn đề khoa học, còn nội dung nghiệp vụ sư phạm là trách nhiệm của giảng viên bộ môn phương pháp giảng dạy, còn khá phổ biến ở nhiều giảng viên. Trong khi bộ môn phương pháp giảng dạy lại chưa phát huy hết hiệu quả của mình, chương trình đào tạo nghiệp vụ chưa đề cập nhiều đến dạy học tích hợp.

TS Nguyễn Thị Kim Anh cũng chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết từ nhận thức của giảng viên sư phạm còn xem nhẹ kĩ năng nghề nghiệp bởi thiếu sức cạnh tranh trong chuyên môn trong khi chương trình đào tạo lạc hậu.

Hiện tại cũng chưa có phương án đào tạo giảng viên sư phạm có tầm chiến lược mà chủ yếu các trường giữ lại SV giỏi để tự đào tạo và bồi dưỡng, học tiếp thạc sĩ và tiến sĩ và trở thành giảng viên. Trong thực tế, nhiều giảng viên sư phạm được đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ, thiếu trải nghiệm thực tế nghề nghiệp và mặc dù có học vị nhưng trình độ chưa đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục, chưa có năng lực sư phạm hoặc chưa có kĩ năng về dạy học tích hợp.

Mặt khác, chương trình đào tạo GV trước đây còn nặng về kiến thức chung và cơ bản, nhẹ về kiến thức nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đội ngũ giảng viên trường ĐHSP Khoa Sư phạm còn hạn chế về năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm đặc biệt là dạy học tích hợp, đánh giá sinh viên còn hạn chế, chưa đánh giá theo năng lực đầu ra của người học mà chủ yếu đánh giá kiến thức khoa học của môn học…

Nâng cao năng lực dạy học tích hợp

Cần đổi mới công tác đào tạo GV về phương pháp dạy học bởi chất lượng GV quyết định chất lượng toàn bộ hệ thống giáo dục hiện nay. Đối với năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên trong tương lai để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục lại càng cần thiết. Nâng cao năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên sư phạm trong tương lai bằng cách nào? TS Nguyễn Thị Kim Anh và TS Võ Văn Duyên Em - Trường ĐH Quy Nhơn đã chỉ ra:

Trước hết, về khung chương trình đào tạo GV sư phạm cần sắp xếp, thiết kế, xây dựng theo hướng tích hợp các môn học mới. Phát triển chương trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm để đào tạo SV có khả năng dạy tích hợp một số môn học cùng lĩnh vực như: Các môn KHTN; các môn KHXH&NV và các môn ngoại ngữ, tin học và công nghệ. Các GV đào tạo theo một trong các chương trình cử nhân trên có thể làm GV đứng lớp cho những môn học theo hướng tích hợp của chương trình phổ thông.

Trường sư phạm cần sáng tạo, mạnh dạn việc đổi mới trong đào tạo giáo viên dạy học tích hợp chứ không chờ thực tế ở trường THPT cần thì mới làm chương trình để đào tạo sau… Cách dạy tích hợp của giảng viên sư phạm sẽ trực tiếp là phương tiện, khuôn mẫu để rèn kĩ năng dạy học tích hợp cho sinh viên – người giáo viên trong tương lai. 

Nguyên tắc chung của việc thiết kế chương trình đào tạo theo hướng tích hợp nên theo là: Các môn học được modun hóa thành các học phần gần gũi nhau để có thể dùng chung cho nhiều chương trình và dễ dàng tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ.

Hình thành và bồi dưỡng các năng lực dạy học cho sinh viên sư phạm như: Năng lực chuẩn đoán nhu cầu đặc điểm đối tượng dạy học; Năng lực xây dựng và lựa chọn nội dung bài học; Năng lực ngôn ngữ; Năng lực sử dụng phương tiện kĩ thuật hiện đại trong dạy học…

Đặc biệt, bồi dưỡng năng lực kiểm tra đánh giá kết quả HS theo hướng tích hợp thì các môn học vẫn được dạy riêng rẽ nhưng đến giữa và cuối học kì, cuối năm học hoặc cuối cấp học có một phần, một chương về những vấn đề chung của kiến thức các môn học và SV được đánh giá bằng một bài thi tổng hợp kiến thức liên quan đến các môn, sẽ có sự bố trí xen kẽ một số nội dung tích hợp liên môn vào những thời điểm thích hợp nhằm làm cho SV quen dần với việc sử dụng kiến thức những môn học gần gũi với nhau...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.