Học sinh hào hứng, tranh luận sôi nổi
Cô giáo Phan Thị Oanh, Tổ trưởng tổ Hóa - Sinh, Trường THPT Long Bình (Tiền Giang) cho biết, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa trong những năm sắp tới, thì việc từng bước làm quen và vận dụng về “Phương pháp và kĩ thuật tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học qua dạy học theo chủ đề tích hợp” là hết sức cần thiết đối với mỗi giáo viên và học sinh.
Trong quá trình giảng dạy, cô Oanh đã thiết kế một giáo án dạy học theo chủ đề tích hợp của môn Sinh học trong đó chú trọng đến việc tổ chức hoạt động thảo luận nhóm và hướng dẫn học sinh tự học, tìm tòi mở rộng kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Phương pháp dạy học này nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh.
Thay cho việc dạy học từng bài riêng trong sách giáo khoa thì GV có thể xây dựng thành các chủ đề dạy học, nhất là các chủ đề tích hợp liên môn đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Trong dạy học tích hợp, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình.
Trên lớp, học sinh hoạt động là chính, giáo viên có vẻ “nhàn” hơn nhưng trước đó, khi soạn giáo án, giáo viên đã phải đầu tư công sức, thời gian rất nhiều so với kiểu dạy và học thụ động mới có thể thực hiện bài lên lớp với vai trò là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động tìm tòi hào hứng, tranh luận sôi nổi của học sinh.
Rèn luyện kỹ năng hữu ích trong học tập và cuộc sống
Cô Nguyễn Thị Trúc Linh, giáo viên Trường THPT Huỳnh Văn Sâm (Tiền Giang) cho biết, những năm qua, cô luôn nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nhiều phương pháp giảng dạy, trong đó, phương pháp dạy học theo dự án qua đề tài “Hiểu về tác hại của virus để bảo vệ sức khỏe của chúng ta - cách phòng tránh”.
Đề tài là sự tích hợp các môn Sinh học, Địa lí, Hóa học và Tin học được cô lựa chọn đã đạt hiệu quả cao trong dạy học.
Thông qua dự án, học sinh biết được nguyên nhân của sự gia tăng dân số và mối quan hệ giữa sự gia tăng dân số với sự tiêu thụ năng lượng, cũng như vai trò rất quan trọng của năng lượng đối với con người. Học sinh cũng có cơ hội tìm hiểu thêm về những thuận lợi và khó khăn khi khai thác và sử dụng nguồn năng lượng chính hiện nay và các nguồn năng lượng thay thế khác trên cả nước và ở tỉnh Tiền Giang.
Theo cô Nguyễn Thị Trúc Linh, vận dụng kiến thức của nhiều môn học vào kiến thức môn Sinh học đã học và mới tiếp thu trong quá trình thực hiện dự án, cùng với việc thể hiện khả năng sử dụng một số phần mềm máy tính khi báo cáo sẽ mang lại cho học sinh niềm vui, sự phấn khích và càng yêu thích môn học.
Từ đó, học sinh đề xuất các giải pháp giúp hạn chế sự gia tăng dân số và sử dụng năng lượng có hiệu quả và tiết kiệm; tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện nhằm thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình đối với các vấn đề chung của đất nước và địa phương.
Để có được những thông tin cần thiết cho dự án, học sinh đã tìm hiểu kiến thức ở nhiều nguồn như SGK, Internet và giáo viên. Đồng thời, học sinh đã lập kế hoạch làm việc của nhóm, phân công nhiệm vụ của từng thành viên trong nhóm. Sản phẩm của các nhóm là các file trình chiếu Powerpoint kết hợp với đóng vai và phỏng vấn. Khi báo cáo sản phẩm, các nhóm sẽ đánh giá lẫn nhau kết hợp với đánh giá của giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Trúc Linh cho biết, ngoài những kiến thức đạt được, khi làm việc chung dự án, học sinh đã rèn luyện những kỹ năng hữu ích trong học tập và trong cuộc sống như kỹ năng giao tiếp, làm chủ cảm xúc và biết cách điều chỉnh hành vi, thái độ của mình để hòa hợp với mọi người nhằm đạt được kết quả cao nhất cho nhiệm vụ được giao. Những điều này, tạo nền tảng tốt cho học sinh bước vào cuộc sống tương lai.
Sau khi thực hiện dự án, học sinh có thể hiểu được nguyên nhân của sự bùng phát các dịch bệnh, mối quan hệ giữa dịch bệnh với môi trường sống. Biết được virus có ảnh hưởng như thế nào đối với con người ở Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Học sinh biết cách phòng tránh như thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus trong cộng đồng, đồng thời vận động mọi người cùng thực hiện.
Ngoài ra, trong quá trình thu thập thông tin học sinh có thể tiếp thu thêm những kiến thức hữu ích khác. Những điều này sẽ tạo nền tảng tốt cho học sinh bước vào cuộc sống tương lai.