Bộ câu hỏi phát triển năng lực học sinh trong dạy học tích cực

GD&TĐ - Dưới đây là tóm tắt quy trình các bước xây dựng một chủ đề dạy học cùng bộ câu hỏi định hướng phát triển năng lực cho học sinh dựa trên chủ đề. Đây được xem như một phương pháp dạy học tích hợp, cho thấy những lợi ích của việc kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực.

Dạy học chủ đề áp dụng trong thực tế tiết dạy trên lớp
Dạy học chủ đề áp dụng trong thực tế tiết dạy trên lớp

Bước 1: Lựa chọn chủ đề

Dựa vào nội dung của một chương trình học và xác định các kiến thức bộ môn liên quan đến nội dung đó (nội môn hoặc liên môn); nội dung chủ đề phải mang tính định hướng vào thực tế cuộc sống (sau khi học xong chủ đề, học sinh sẽ giải quyết được những vấn đề thực tiễn gì?).

Ví dụ: Chủ đề sinh sản hữu tính ở thực vật có hoa (sinh học lớp 6). Qua chủ đề này, ta xác định được các kiến thức liên quan như sau: Hoa và sinh sản hữu tính (sinh học lớp 6); Yêu thiên nhiên và sống hòa hợp với thiên nhiên (GDCD lớp 6); Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí (địa lớp 6).

Bước 2: Xác định mạch kiến thức của chủ đề

Xác định logic cấu trúc kiến thức của cả chủ đề (chỉ rõ phần nào là cơ sở khoa học, phần nào là vận dụng thực tiễn) theo chuẩn kiến thức kĩ năng.

Ví dụ:

2.1. Cơ sở khoa học (năng lực tư duy): Cấu tạo và chức năng của hoa; Sự đa dạng của các loại hoa; Thụ phấn, thụ tinh kết hạt và tạo quả.

2.2. Vận dụng thực tiễn (năng lực hành động): Làm sao để cho cây ra quả khi trồng trong nhà phố thiếu gió và côn trùng?

Bước 3: Xác định các năng lực có thể được hình thành/phát triển cho HS thông qua chủ đề.

1. Năng lực tự học: Nêu được cấu tạo và chức năng của hoa, hiện tượng thụ phấn, thụ tinh, kết hạt và tạo quả; Phân biệt sinh sản hữu tính và sinh sản vô tính; Phân biệt được các loại hoa; Trình bày được quá trình thụ tinh, kết hạt và tạo quả.

2. Năng lực giải quyết vấn đề: Làm sao để cho cây ra quả khi trồng trong nhà phố thiếu gió và côn trùng? Dự đoán được một vài yếu tố ảnh hưởng đến sự thụ phấn của cây.

3. Năng lực tư duy sáng tạo: Tự hình thành cách thụ phấn bổ sung cho một số cây cụ thể trong thực tiễn cuộc sống.

4. Năng lực tự quản lý: Có ý thức bảo vệ thiên nhiên; Ý thức về giá trị của lao động và quý trọng thành quả lao động.

5. Năng lực giao tiếp, hợp tác: Có khả năng liên hệ, làm việc nhóm, giao tiếp nhóm; Thực hiện tuyên truyền vận động bảo vệ môi trường, trồng cây xanh có ích…

6. Năng lực sử dụng CNTT và truyền thông (ICT): HS biết khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, viết báo cáo; Trình chiếu ppt báo cáo kết quả nghiên cứu, thực hiện website…

Bước 4: Xác định các mục tiêu cụ thể cần đạt khi dạy học chủ đề (xác định mục tiêu theo từng nội dung của chủ đề)

Sắp xếp các mục tiêu theo ma trận với bốn mức độ Thông hiểu - Nhận biết - Vận dụng thấp - Vận dụng cao.

Bước 5: Xây dựng một số câu hỏi/bài tập để kiểm tra, đánh giá sao cho thể hiện đúng mục tiêu.

Ví dụ:

Câu 1. Ở một số thực vật không phải lúc nào hoa cũng đủ bốn phần chính. Hãy quan sát thật kỹ hoa loa kèn, và cho biết nó thiếu mất phần nào?

 

Câu 2. Ở vùng Địa Trung Hải, có một loài hoa lan có hình dạng rất đặc biệt, loài Lan Địa Trung Hải - Ophrys speculum thu hút các chú ong bắp cày đực đến với chúng. Các chú ong bắp cày đực này cố giao phối với loài lan, trong sự tiếp xúc này túi phấn dính lên cơ thể con ong. Các con ong đực lại tiếp tục bay đi đến loài hoa khác với sự thu hút tương tự.

Hoa lan Ophrys này lại không hề mang lại phần thưởng nào cho chú ong như mật hoa chẳng hạn. - Theo em cái gì đã làm cho chú ong bắp cày đực say mê hoa lan đến như vậy, trong khi nó chẳng nhận được chút mật hoa nào? - Hình thức dẫn dụ này của hoa Lan Ophrys đã mang đến lợi ích gì cho sự duy trì giống nòi của loài?

Thuyết minh kết quả

 

Kết quả ở học sinh khối 8; 9 tại trường từ năm học 2014 - 2015 đến học kỳ 1 năm học 2015-2016 cho thấy việc áp dụng các phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực đã giúp phát triển năng lực tư duy của học sinh; học sinh tự giác, độc lập làm bài; biết cách vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tiễn; nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy - học bộ môn.

Thuyết minh về phạm vi áp dụng

- Đối tượng áp dụng: Học sinh lớp 6 - 9 và giáo viên dạy các bộ môn khoa học tự nhiên.

- Phạm vi nghiên cứu: Vận dụng trực tiếp trong các bài dạy của chương trình sinh học lớp 6 - 9 và các môn khoa học tự nhiên khác.

Thuyết minh về lợi ích kinh tế, xã hội

Giảm bớt sức lực cho giáo viên và học sinh; hạn chế tình trạng học thêm-dạy thêm; rèn luyện cho các em năng lực xử lý các tình huống xảy ra trong thực tiễn cuộc sống.

Thực hiện triệt để việc đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng và hiệu quả bộ môn; đáp ứng được mục tiêu giáo dục trong thời kỳ mới.

Học sinh thảo luận các câu hỏi phát triển năng lực trong chủ đề
Học sinh thảo luận các câu hỏi phát triển năng lực trong chủ đề

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ