Mục đích của chùm bài này là nhằm thông qua các bài tập, câu hỏi cụ thể, dưới sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên (GV) sẽ góp phần bồi dưỡng cho học sinh (HS) tình yêu tiếng Việt, phát triển năng lực giao tiếp tiếng Việt và năng lực thưởng thức văn học,...
Không những thế còn rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng sống cho các em và giúp các em có thể tự học suốt đời. Hình thức chủ yếu để tổ chức dạy học các bài thực hành tiếng Việt cho HS phổ biến từ trước đến nay cơ bản là hướng dẫn HS trả lời lần lượt các câu hỏi trong Sách giáo khoa (SGK).
Vì vậy, hiệu quả các giờ dạy học tiếng Việt chưa cao. Một trong những phương pháp góp phần nâng cao dạy học thực hành tiếng Việt là dạy học tích hợp trong đó đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của người GV nhất là trong việc sáng tạo, vận dụng linh hoạt một số dạng bài tập tích hợp mang đặc trưng riêng của phân môn này. Đây chính là một cách thức quan trọng “gõ” vào niềm đam mê học thực hành tiếng Việt cho HS.
Ở bài viết này, cô giáo Hà Thị Vinh Tâm (trường Trường THPT Anh Sơn 2 - Nghệ An) chia sẻ một số dạng bài tập tích hợp có thể vận dụng hiệu quả trong các bài thực hành tiếng Việt 11, tập 1 ở tiết 23-24: Thực hành về thành ngữ, điển cố và tiết 28: Thực hành về nghĩa của từ trong sử dụng.
Dạng bài tập phát hiện, phân tích
Đây là dạng bài tập nhằm giúp học sinh nắm rõ kiến thức và vận dụng cụ thể vào từng tình huống giao tiếp để phát hiện đúng, phân tích được ý nghĩa, giá trị, tác dụng của đơn vị kiến thức tiếng Việt cần ôn tập hoặc tìm hiểu.
Ví dụ: Bài tập 1, 2, 5- SGK Ngữ văn 11, tập 1 ở tiết 23: ; bài tập 1, 4- SGK ở tiết 24; bài tập 1- SGK ở tiết 28.
Dạng bài tập trắc nghiệm, nối ô
Dạng bài tập này giúp cho HS nắm chắc bài học, nắm vững bản chất của hiện tượng, vấn đề vừa học, tránh những phân vân, thắc mắc, nhầm lẫn đáng tiếc.
Ví dụ 1. BT3, phần IV- tiết 23: Lựa chọn phương án thích hợp điền vào chỗ trống trong những câu sau:
1. Học dốt như nó mà cũng được điểm cao, chẳng qua chỉ là……..
a. trứng khôn hơn vịt
b. nấu sử sôi kinh
c. lấy công làm lãi
d. mèo mù vớ cá rán
2. Dùng chính những lời lẽ của đế quốc Pháp, Mĩ để phản bác lại luận điệu của chúng, Hồ Chí Minh đã rất thành công trong cách …....
a. lấy độc trị độc
b. lấy dây buộc mình
c. Lấy gậy ông đập lưng ông
d. lấy công làm lãi
Ví dụ 2. BT1, phần III- Tiết 28. Chọn câu đúng nhất và khoanh tròn đáp án a hoặc b của câu ấy:
1.Tỏ ra kiêu ngạo và lạnh nhạt, ra vẻ không thèm để ý đến người đang tiếp xúc với mình.
a. Khinh khỉnh b.Khinh bạc
2. Văn hóa đạt tới trình độ nhất định với những đặc trưng tiêu biểu cho một cộng đồng, một thời đại.
a. Văn hiến b. Văn minh
3. Bướng bỉnh, hay gây sự.
a. Ba gai b. Ba hoa
4. Ngôi chùa đẹp, được nhiều người biết tên.
a. Danh lam b.Thắng cảnh
5. Xem nhẹ những gì mà người đời coi trọng.
a. Khinh chê b.Khinh bạc
Dạng bài tập liên hệ, tìm dẫn chứng trong các tác phẩm văn chương
Không có cách gì tạo ra hứng thú với tiếng mẹ đẻ và văn chương ngoài con đường cho HS tiếp xúc trực tiếp, càng nhiều càng tốt với những tác phẩm văn chương, những mẫu hình sử dụng ngôn ngữ mẫu mực. Từ đó làm nảy sinh và duy trì hứng thú của học sinh với tiếng Việt, giúp các em thấy được sự thú vị, vẻ đẹp và khả năng kì diệu của chính đối tượng học tập - tiếng Việt, văn chương (xem BT 1, 2 phần I, tiết 23; BT 3, 4 phần I tiết 24; BT 1, phần I tiết 28,...)
Ví dụ 1. Ở bài tập 2 phần I tiết 28 có thể lấy các dẫn chứng: Mắt thương nhớ ai mắt ngủ không yên (Ca dao); Những cái chân (Vũ Quần Phương, SGK Tiếng Việt 2, tập 2); Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/Một tay chôn biết mấy cành phù dung (Nguyễn Du); Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời (Tố Hữu).
Ví dụ 2. Ở bài tập 1, phần IV, tiết 24 có thể lấy các dẫn chứng:
“Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời,
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”
(Bình Ngô đại cáo- Nguyễn Trãi)
Điển cố Nếm mật nằm gai: Chuyện Câu Tiễn nuôi chí phục quốc. Sau khi được tha, hàng ngày Câu Tiễn thường nếm mật đắng để ăn không biết ngon, thường nằm trên đống củi gai để ngủ không được yên giấc. Sau 20 năm tích cực chuẩn bị, Câu Tiễn đã thắng nước Ngô, vua Ngô là Phù Sai phải tự sát. Ý nghĩa: Ðể diễn tả quyết tâm nuôi chí lớn, quyết tâm trả thù của Nguyễn Trãi.
hoặc: “Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
(Nhàn- Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Điển tích này xuất phát từ câu chuyện của Thuần Vu Phần dẫn từ sách “Nam Kha ký thuật” của Lý Công Tá đời Đường (Trung Quốc). Ý nghĩa: thể hiện lối sống riêng của mình, đó là lối sống coi thường phú quí, hoà mình với thiên nhiên (Đây là triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ).
Dạng bài tập điền từ, sửa câu
Hình thức này giúp học sinh biết phát hiện vấn đề, rèn luyện kỹ năng dùng từ, diễn đạt. Ví dụ ở phần hỏi bài cũ, tiết 24 hoặc ở BT 2 phần IV, tiết 23, GV cho HS phát hiện lỗi dùng thành ngữ sai trong các câu sau:
1. Thằng bé càng lớn càng hư, đúng là giỏ nhà ai quai nhà nấy, các cụ dạy thì cấm sai.
2. Thằng bé chẳng tài cán gì nhưng thời thế đưa đẩy, đúng là mèo nhỏ bắt chuột nhỏ.
5.Dạng bài tập đặt nhan đề cho văn bản hoặc đặt câu, viết đoạn văn
Dạng bài tập này nhằm hình thành và rèn luyện cho học sinh những kỹ năng tư duy, kỹ năng nhận biết, kỹ năng viết văn: đặt nhan đề, đặt câu, dựng đoạn, làm thành bài văn hoàn chỉnh. Ví dụ: BT 1 phần IV tiết 23 (xem phần trình bày ở giáo án thể nghiệm); BT 2,3,7- SGK tiết 24 (xem phần trình bày ở giáo án thể nghiệm); BT 5, phần IV, tiết 23: Hãy đặt nhan đề cho bài thơ sau đây bằng một thành ngữ quen thuộc? GV chiếu máy và yêu cầu một HS đọc diễn cảm bài thơ:
Có con Ếch sống lâu,
Trong một cái giếng nọ,
Xung quanh nó chỉ có,
Vài Cua, Ốc, bãi Rêu…
Ếch ta cất tiếng kêu,
Làm vang động cả giếng.
Cua, Ốc… không lên tiếng,
Làm Ếch tưởng mình tài.
Chú Ếch không ra ngoài,
Nghĩ trời như vung nhỏ,
Còn nó thì oai to,
Như một vị Chúa Tể…
Đặt nhan đề: ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG Một năm nọ, mưa về,
Giếng kia tràn đầy nước,
Ếch chẳng cần cất bước,
Mà vẫn được ra ngoài.
Ếch nghênh ngang đi lại,
“Ồm ộp”- nó kêu to,
Nhâng nháo đi tự do,
Bị trâu qua dẫm bẹp…/.
Dạng bài tập so sánh, đối chiếu
So sánh, đối chiếu từ nhiều phương diện, khía cạnh để nhận biết đặc điểm, bản chất của từng đơn vị kiến thức bài học. Dạng bài tập này nhằm kiểm tra năng lực tổng hợp, khái quát hoá của học sinh.
Ví dụ 1. BT 4, phần IV ở tiết 23: So sánh thành ngữ với tục ngữ?
- Giống: Hình thức (tính cân đối, nhịp nhàng, có vần, dễ nhớ, dễ thuộc); Ý nghĩa (thâm thúy, sâu sắc, hàm súc); Tư duy (hình ảnh cụ thể); Phạm vi (thuộc Văn học dân gian).
- Khác:
Tiêu chí Tục ngữ Thành ngữ
Ý nghĩa mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng hoàn toàn không mang nghĩa đen
Chức năng tương đương câu tương đương cụm từ cố định
Nội dung đúc rút kinh nghiệm thể hiện thái độ, tình cảm, cách đánh giá của con người.
Ví dụ 2. Ở tiết 24, BT 3, phần IV: So sánh thành ngữ và điển cố
- Điểm giống: ngắn gọn, khái quát, hàm súc
- Điểm khác:
Phương diện so sánh:
Thành ngữ Điển cố
Cấu tạo Cố định. Không có hình thức cố định.
Xuất xứ Khó xác định Biết một cách cụ thể.
Ý nghĩa: Thành ngữ (Thể hiện ý nghĩa thông qua hình ảnh cụ thể và Hiểu được một cách đại khái); Điển cố (Dùng chuyện xưa để nói chuyện nay và Hiểu cụ thể, rõ ràng).
Phạm vi: Thành ngữ (Thuộc VHDG, gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân, thường được sử dụng hàng ngày); Điển cố (Thuộc văn chương bác học, có tính hàm súc, uyên bác, hay dùng trong Văn học Trung đại).
Tác dụng: Thành ngữ ( Tính hình tượng, Tính biểu cảm); Điển cố ( Tính hàm súc, Tính thâm thúy).
Tóm lại, trong một tiết dạy thực hành tiếng Việt cụ thể, GV cần vận dụng kết hợp linh hoạt các dạng bài tập trên để kích thích tư duy đa chiều và phát triển tổng hợp năng lực, phẩm chất cần thiết cho HS. Việc tích hợp này nhằm mục đích hình thành bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và hình thành cho học sinh năng lực phân tích, bình giá, cảm thụ văn học một cách chủ động, sáng tạo đồng thời góp phần giải quyết những bài toán muôn thuở của giáo dục.
Phương pháp tích hợp giúp HS lĩnh hội các kiến thức và phát triển năng lực, kĩ năng tích hợp. Dạy học tích hợp còn là cách giảm tải kiến thức không thực sự có giá trị sử dụng, để có điều kiện tăng tải kiến thức có ích cho học sinh. Hơn nữa, dạy học tích hợp giúp người dạy nâng cao được năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học trở nên sáng tạo, năng động hơn trong quá trình dạy học.
Như vậy, phương pháp tích hợp giúp cả người dạy và người học phát triển được phẩm chất, năng lực và giúp cho quá trình dạy học đi đúng đường ray đổi mới theo hướng hiện đại, tiến bộ.