Công tác hướng nghiệp: Góc nhìn từ thực tiễn

GD&TĐ - Hướng nghiệp ở trường THPT là công tác nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho các em. Thực hiện tốt công tác này không những có ý nghĩa quan trọng với cá nhân, gia đình học sinh trong việc xác định tương lai, sự nghiệp mà còn góp phần cho sự phát triển xã hội.

Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng với HS trong việc xác định tương lai, sự nghiệp. Ảnh: Thanh Long
Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng với HS trong việc xác định tương lai, sự nghiệp. Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên kĩ năng hướng nghiệp của giáo viên bộ môn bậc THPT tới nay vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi các nhà trường quan tâm, bồi dưỡng nhiều hơn để vai trò hướng nghiệp đạt hiệu quả mong muốn.

Hướng nghiệp nhìn từ thực tế

Thực tế hướng nghiệp của giáo viên bộ môn trong các trường THPT cho thấy: Đa số giáo viên bộ môn có khả năng thực hiện kĩ năng hướng dẫn học sinh các nội dung nhận thức ở mức độ tốt. Đây là dấu hiệu tích cực thể hiện năng lực hướng nghiệp của giáo viên bộ môn ở mặt kĩ năng do nội dung nhận thức bản thân chính là bước đầu tiên và bước quan trọng nhất mà các em cần phải thực hiện để có thể lựa chọn một công việc phù hợp.

Đối với kĩ năng hướng dẫn học sinh các nội dung nhận thức nghề nghiệp nhìn chung giáo viên bộ môn đã xây dựng được nhận thức nghề nghiệp một cách đúng đắn cho HS. Điều đó là cơ sở quan trọng để đối chiếu với sở thích, khả năng của bản thân học sinh để từ đó đưa ra quyết định chọn nghề vừa phù hợp với nguyện vọng, sở trường của bản thân, vừa phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội.

Ở kĩ năng sử dụng các phương pháp hướng dẫn HS nhận thức nghề nghiệp cũng cho thấy giáo viên ở các trường THPT cơ bản thực hiện tốt. Minh chứng là đã tổ chức được các cuộc hội thảo để các trường ĐH, CĐ, trung cấp giới thiệu ngành nghề. Điều này sẽ thu hút được sự quan tâm của HS khi các em được trực tiếp trao đổi, giải đáp những thắc mắc từ phía các trường ĐH, CĐ mà các em mong muốn sau này.

Ngoài ra giáo viên cũng đã tư vấn hiệu quả cho từng cá nhân HS giúp các em hiểu rõ hơn những vấn đề, thắc mắc của riêng các em xoay quanh việc chọn trường, chọn nghề. Cung cấp cho HS các website có thông tin nghề, giúp các em rèn luyện tính tích cực, tự tìm hiểu và giải quyết thắc mắc của bản thân thông qua thông tin nghề nghiệp đã được cung cấp…

Ngoài ra, một số kĩ năng cũng được giáo viên triển khai hiệu quả như: Giúp HS lập kế hoạch nghề nghiệp. HS đã được giáo viên trợ giúp giải tỏa những khó khăn, lo lắng, băn khoăn trong quá trình chọn nghề phù hợp. Các em đã xác định được mục tiêu bản thân, được tạo điều kiện tham gia vào hoạt động ngoại khóa và tham gia phục vụ cộng đồng để tạo thêm cơ hội nghề nghiệp. Đặc biệt, HS được khuyến khích quyết định nghề nghiệp, đánh giá quyết định nghề nghiệp có thực sự phù hợp với bản thân các em hay không...

Tuy vậy, công tác hướng nghiệp của giáo viên bộ môn trong trường THPT vẫn tồn tại những vấn đề nhất định. Ví như, khi sử dụng các phương pháp hướng dẫn HS lập kế hoạch nghề nghiệp đa phần giáo viên bộ môn ưu tiên những phương pháp như nhờ chuyên gia giúp đỡ hoặc làm giúp cho HS hơn là hướng dẫn và khuyến khích các em tự xây dựng lấy một kế hoạch nghề nghiệp cho riêng mình. Giáo viên bộ môn cần ưu tiên phát huy tính tích cực tự giác của HS bằng những lời hướng dẫn, động viên khuyến khích nhiều hơn nữa.

Mặt khác cũng cho thấy, giáo viên bộ môn thường sử dụng tốt những phương pháp thiên về quan sát và giao tiếp với HS hơn là sử dụng những phương pháp có sử dụng công cụ để đánh giá như những bài trắc nghiệm, bài tập... Điều này cũng nói lên còn nhiều giáo viên bộ môn chưa được đào tạo bài bản trong việc sử dụng công cụ đo lường đánh giá trong công tác hướng nghiệp; giáo viên không được cung cấp đầy đủ tài liệu, công cụ hoặc thời gian dạy học không cho phép.

Tăng cường năng lực hướng nghiệp

HS THPT cần được hỗ trợ hướng nghiệp sớm và hiệu quả từ phía thầy cô giáo. Ảnh: Thanh Long
HS THPT cần được hỗ trợ hướng nghiệp sớm và hiệu quả từ phía thầy cô giáo. Ảnh: Thanh Long

Để tăng cường năng lực hướng nghiệp cho giáo viên bộ môn, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) đã chỉ ra: Đối với cán bộ quản lý cần nhìn nhận việc bồi dưỡng giáo viên nói chung và bồi dưỡng năng lực hướng nghiệp cho giáo viên là hành động mang tính tự chủ chứ không thể thụ động.

Việc khảo sát đánh giá năng lực thực tiễn của giáo viên cần được thực thi và cung cấp những dữ liệu cho việc thiết kế chương trình bồi dưỡng, triển khai bồi dưỡng như một yêu cầu khoa học. Cần nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy tối đa vai trò của giáo viên bộ môn đối với công tác hướng nghiệp cho HS; Tăng cường bồi dưỡng kiến thức hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp cho giáo viên bộ môn, giúp giáo viên có những kiến thức tương đối hệ thống về hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp.

Cần trang bị cho GV những kĩ năng đơn giản nhất để hỗ trợ HS trong quá trình hướng nghiệp thông qua những thao tác như: Hỗ trợ HS tìm kiếm thông tin hướng nghiệp, hiểu rõ bản thân và xác định thế mạnh, hỗ trợ tư vấn những vấn đề đơn giản trong việc chọn nghề.

Đối với giáo viên bộ môn, cần ý thức về các yêu cầu thực tiễn trong nghề nghiệp như: Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, giáo dục hướng nghiệp... để chủ động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng mình. Cần ý thức nghiêm túc đây là trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp.

Các giáo viên bộ môn cần tích cực trang bị những kiến thức và kĩ năng hướng nghiệp và chú trọng kết hợp với chuyên viên tham vấn để thực hiện. Đặc biệt cần chú trọng phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp thực sự tích cực và phù hợp với đặc điểm tâm lý của HS.

Mỗi giáo viên cần quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học, đặc biệt là quy trình thực hiện khi HS nhờ GV tư vấn hướng nghiệp hoặc cách thức tích hợp nội dung hướng nghiệp vào môn học mà mình đang phụ trách. 

 Việc bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp trở thành yêu cầu tối cần thiết. Các cơ quan quản lý giáo dục, trường học và bản thân giáo viên cần ý thức việc bồi dưỡng nghề nghiệp cũng như tự bồi dưỡng cần được tiến hành sao cho khoa học, hiệu quả và bài bản thực tiễn. Đó là những tác động đồng bộ nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV để thực hiện tốt chức trách nhà giáo cũng như làm tốt hơn công tác giáo dục HS, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của nghề giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.