Chủ động thực hiện đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo sư phạm hiện nay ở hầu khắp các trường trong cả nước đang trong tình trạng: “giàu tri thức - nghèo kỹ năng”. Sinh viên ra trường chưa đủ năng lực thực hiện các hoạt động dạy học cơ bản trong thực tiễn nghề nghiệp và giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn đổi mới giáo dục. Nhận thức được thực tế đó, trong hai năm học 2015-2016 và 2017-2018, khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã tiến hành điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm phát triển được những năng lực nghề cần thiết cho sinh viên, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của giáo dục phổ thông.
Trong hai lần điều chỉnh chương trình đào tạo giáo viên lịch sử này, khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã cụ thể hóa các các mục tiêu của chương trình đào tạo (CTĐT) bằng hệ thống năng lực của người giáo viên, bao gồm: năng lực chuyên ngành, năng lực dạy học và giáo dục, năng lực đánh giá, năng lực sáng tạo và đổi mới, năng lực nghiên cứu, năng lực phát triển chương trình, năng lực giao tiếp; năng lực thích ứng môi trường; năng lực học tập suốt đời, năng lực văn hóa - xã hội, năng lực cảm xúc, năng lực truyền thông, năng lực công nghệ thông tin, năng lực phát triển nghề...
Từ việc xác định rõ hệ thống các năng lực cần đào tạo cho sinh viên, chúng tôi đã lựa chọn bổ sung những môn học, những đơn vị kiến thức cần thiết để hình thành năng lực cho sinh viên. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng rèn luyện các năng lực dạy học tích hợp, phân hóa; năng lực tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo; năng lực dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học, năng lực quản lý lớp học, năng lực phát triển chương trình môn học cho sinh viên... Cụ thể, trong CTĐT năm 2015 - 2016, chúng tôi đã bổ sung học phần Phương pháp dạy học các môn xã hội (3TC), Kiểm tra đánh giá trong giáo dục (2TC), Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông (2 TC)...
“Với CTGDPT mới, môn Lịch sử được tích hợp với Địa lý ở bậc THCS và xây dựng thành các chủ đề ở bậc THPT đòi hỏi chương trình đào tạo ngành sư phạm Lịch sử phải thay đổi. Cụ thể là phải đưa vào chương trình đào tạo nhiều chủ đề tích hợp lịch sử và địa lí cũng như các chuyên đề chuyên sâu sát với chương trình môn học mới.
Học Sử trên sa bàn. Ảnh minh họa/ Internet |
Thay đổi hình thức, nội dung thực tập, thực tế của sinh viên
Trao đổi về công tác đổi mới hoạt động thực tập, kiến tập của sinh viên, TS Nguyễn Duy Phương cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận sớm với trường phổ thông, có quá trình gắn bó với trường phổ thông được dài hơn, hiểu biết về phổ thông sâu sắc hơn, từ khóa 2015, khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã có sự thay đổi trong công tác thực tập.
Nếu trước đây, theo CTĐT cũ, kì 7 sinh viên sẽ kiến tập và kì 8 sẽ là thực tập tại trường phổ thông theo phương thức truyền thống tức là sinh viên sẽ được gửi xuống làm việc hoàn toàn với các trường phổ thông trong suốt thời gian thực tập và kiến tập, thì từ khóa 2015, sinh viên ở đây sẽ thực tập và kiến tập ở các trường sư phạm vệ tinh của trường từ kì 6 và kì 7 (sớm hơn 1 kì so với CTĐT cũ). Trong thời gian sinh viên kiến tập vẫn tham gia học tập một số học phần ở trường, theo một thời khóa biểu có sự đan xen giữa kiến tập và học tập chuyên môn.
Để sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy thành công CTGDPT mới, từ nhiều năm nay, trong CTĐT, khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã thiết kế đến 4 học phần có liên quan đến phương pháp giảng dạy. Trong khi giảng dạy các học phần này, giảng viên không chỉ giới thiệu các phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực mà còn dành nhiều thời gian cho các em thực hành thông qua các bài tập nhóm.
Giảng viên cũng chú ý dạy cho sinh viên cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để sinh viên tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Đồng thời, thường xuyên mở rộng không gian dạy học, không chỉ trong lớp học mà còn trên thực địa (di tích lịch sử và văn hoá), bảo tàng, khu triển lãm... Qua đó giúp sinh viên có nhiều kiến thức thực tế, dạy tốt lịch sử địa phương cũng như các hoạt động trải nghiệm sáng tạo...
Có giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Duy Phương, để có thể cung cấp cho đất nước đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu cao của CTGDPT mới, từ thực tiễn triển khai công cuộc đổi mới giáo dục trong mấy năm qua, các cơ sở đào tạo giáo viên lịch sử, cũng như đội ngũ giáo viên nói chung cần có những giải pháp hết sức căn cơ trong đổi mới, điều chỉnh CTĐT của tất cả các ngành sư phạm. Quá trình đổi mới này không thể chỉ thực hiện ở một vài khoa mà đó phải là sự đổi mới đồng bộ của cả hệ thống mới mang lại hiệu quả cao.
Để có thể cung cấp đội ngũ giáo viên giảng dạy tốt các môn tích hợp trong CTGDPT mới, thiết nghĩ từ bây giờ các cơ sở đào tạo giáo viên phải nghĩ đến việc xây dựng các mã ngành đào tạo mới có tính tích hợp như Cử nhân khoa học tự nhiên, Cử nhân sư phạm Lịch sử - Địa lý.
Cần đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên phải hướng vào mục tiêu hình thành năng lực chuyển hoá tri thức khoa học thành tri thức dạy học, phương pháp khoa học thành phương pháp dạy học, mục tiêu đào tạo chuyên gia giáo dục phải được coi trọng hàng đầu, từ đây sẽ hình thành năng lực phát triển chương trình nhà trường cho giáo viên. Các chương trình bồi dưỡng cần chú ý đến sự thay đổi trong môi trường giáo dục, mục tiêu chính của đổi mới giáo dục.
Chương trình bồi dưỡng phải phát huy thế mạnh việc tự học và nhu cầu học tập suốt đời, mọi lúc, mọi nơi; đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp và hình thức bồi dưỡng. Lựa chọn tập huấn và hướng dẫn đội ngũ giáo viên cốt cán để họ không phải là người “nói lại” nội dung mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn giáo viên sinh hoạt chuyên môn trong điều kiện mới.