Tăng lương giáo viên chính là thể chế hóa quan điểm của Đảng

GD&TĐ - Đồng tình với đề xuất lương giáo viên phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, Bộ GD&ĐT phải quyết liệt làm việc và phải có giải pháp chắc chắn, đủ mạnh để thuyết phục được Quốc hội.

Tăng lương giáo viên chính là thể chế hóa quan điểm của Đảng. Ảnh: Minh Phong
Tăng lương giáo viên chính là thể chế hóa quan điểm của Đảng. Ảnh: Minh Phong

Theo Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp của Bộ GD&ĐT là hợp lý và phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục.

Tuy nhiên, đi kèm với việc tăng lương thì cần phải có một loạt chính sách đồng bộ như: Chính sách tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục như thế nào, chính sách thu hút và giữ người tài vào ngành ra sao và cơ chế loại bỏ những người không đủ phẩm chất và năng lực yếu kém... Đặc biệt là phải nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả giảng dạy của giáo viên.

Với nội dung đề xuất không thu học phí đối với học sinh THCS, tôi cũng đồng tình bởi hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách phổ cập giáo dục và nếu vẫn thu học phí đối với bậc học này thì sẽ mâu thuẫn chủ trương, chính phổ cập của nhà nước.

Nếu như theo cảm tính, thu nhập bình quân đầu người có tăng, nhưng số lượng người nghèo và đội ngũ công nhân vẫn rất đông. Và đến một độ nào đó, những công nhân này sẽ phải đối diện với nguy cơ không còn việc làm. Khi đó khó khăn sẽ đến với gia đình họ và nếu họ vẫn phải đóng tiền học phí cho con em mình thì khó khăn sẽ lại tăng lên.

Vì thế, việc miễn học phí cho học sinh THCS là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải có những đánh giá tác động từ chính sách này để có cơ sở khách quan khi bảo vệ quan điểm.

Tại Khoản 6, Mục III, phần B, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nêu rõ: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ