Dự thảo Luật Giáo dục đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng

GD&TĐ - Ông Phan Viết Lượng - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - bày tỏ quan điểm xung quanh dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đặc biệt là 2 vấn đề đã đưa ra khỏi Dự thảo là lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS công lập.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Sự tiếc nuối lớn

Theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) sắp tới.

Ông Phan Viết Lượng cho rằng: Là cơ quan chủ trì soạn thảo, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật, theo đó dự kiến sửa đổi, bổ sung đối với 50 điều, bãi bỏ 10 điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 1 mục và 3 điều mới. Điều đáng chú ý là trong đó có dự kiến bổ sung nội dung quy định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và “Học sinh trung học cơ sở không phải đóng học phí”.

Luật Giáo dục có ý nghĩa quan trọng do đó dư luận rất quan tâm theo dõi, tham gia ý kiến và kỳ vọng sau khi được sửa đổi sẽ có nhiều chính sách, pháp luật mới, tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Ông Phan Viết Lượng

Bộ GD&ĐT đề xuất nội dung nêu trên là quát triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về GD&ĐT hiện hành, như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có nội dung “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.... Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng... Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”.

Bên cạnh không ít ý kiến băn khoăn, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của dư luận, chuyên gia, đội ngũ quản lý giáo dục, nhà giáo trong cả nước.

"Có thể khẳng định vấn đề lương nhà giáo và học phí học sinh THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn đề xuất rất trúng và đúng với quan điểm, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Luật, là vấn đề quan trọng của ngành Giáo dục và xuất phát từ tình hình thực tế" - ông Phan Viết Lượng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, trong quá trình gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và trình Chính phủ cho ý kiến, các nội nêu trên không được giữ lại khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 12/3 vừa qua. Theo hồ sự dự án Luật thì việc không quy định tiền lương của nhà giáo và học sinh THCS không phải đóng học phí xuất phát từ 2 nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất: hiện nay, Ban Cán sự đảng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; thứ 2: chưa phù hợp với ngân sách nhà nước.

"Việc Chính phủ rút 2 nội dung trên ra khỏi dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo sự tiếc nuối và băn khoăn lớn trong dư luận" - ông Phan Viết Lượng chia sẻ.

Ông Phan Viết Lượng (giữa)
Ông Phan Viết Lượng (giữa)

Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung quan trọng

Theo ông Phan Viết Lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ và thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục vì sau 12 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều quy định của Luật Giáo dục hiện hành chưa phù hợp với tình hình thực tiễn thay đổi nhanh chóng và yêu cầu cấp thiết phải đổi mới nền giáo dục nước nhà.

Cùng với 2 nội dung nêu trên, có thể nói là dự thảo Luật cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung quan trọng khác về hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; về quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo,…

Là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ, cơ bản nhất trí với quan điểm nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về giáo dục để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng trong giai đoạn tới.

Ông Phan Viết Lượng cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, giúp Chính phủ có giải pháp để thực hiện tốt nhất các đề xuất của mình nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục trong thời gian qua.

Theo dự kiến từ nay đến khi Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục còn hơn 7 tháng và phải trải qua nhiều quy trình theo luật định để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức trách, nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến cử tri, nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý giáo dục,… để dự thảo Luật trình Quốc hội bảo đảm thực hiện tốt các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra.

Các vị đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện trách nhiệm, tham gia ý kiến tâm huyết, trí tuệ, đề xuất được các chính sách phù hợp nhất, không chỉ bảo đảm chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước mà còn góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, phát triển nhà giáo nói riêng.

"Lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS trường công lập là chính sách lớn, rất có ý nghĩa, muốn có tính khả thi cao thì phải quy định trong luật. Vì thực tế là mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách về vấn đề này rất rõ ràng, cụ thể trong nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống".

Ông Phan Viết Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.