Tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai

GD&TĐ - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.

Trong đó chú trọng mục tiêu tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Chủ động phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả cộng đồng

Những năm qua, con người đã lần lượt chứng kiến nhiều thảm hoạ thiên tai. Đặc biệt ở Việt Nam, các tỉnh miền Trung thường xuyên phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn trong năm; sạt lở lũ quét tại miền núi phía Bắc; hạn hán, nhiễm mặn tại các tỉnh miền Tây gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của cộng đồng.

Chính vì lẽ đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là hết sức quan trọng. Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” ra đời với trọng tâm hướng về cộng đồng làm chủ thể trung tâm, trong đó chú trọng mục tiêu tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Người dân Đà Nẵng cùng các lực lượng chức năng di dời tàu thuyền về nơi an toàn trước khi bão đến. Ảnh: Hoàng Vinh
Người dân Đà Nẵng cùng các lực lượng chức năng di dời tàu thuyền về nơi an toàn trước khi bão đến. Ảnh: Hoàng Vinh

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của đại đa số người dân, nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025, nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Đội ngũ giảng viên, tập huấn viên các cấp được trang bị đầy đủ kiến thức về thiên tai và năng lực để tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng; người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó thiên tai.

Nội dung của Đề án gồm 3 Hợp phần: Hợp phần 1: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Hợp phần 2: Nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Hợp phần 3: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Trong đó, hướng dẫn lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp học và vào kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Tổ chức tuyên truyền, truyền thông phòng chống thiên tai đến mọi đối tượng trong cộng đồng.

Hướng dẫn và huy động người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn cấp xã như diễn tập phòng tránh thiên tai, đánh giá rủi ro thiên tai, các sự kiện liên quan; xây dựng và nhân rộng mô hình xã điển hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong phòng chống thiên tai.

Lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm phòng, chống thiên tai tại cộng đồng; thiết lập, cập nhật định kỳ thông tin bản đồ rủi ro thiên tai ở từng cộng đồng xã, thôn.

Lý do cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống thiên tai là vì người dân địa phương hiểu rõ nhất về cộng đồng của họ, biết các thuận lợi, khó khăn, thách thức và nhu cầu của mình khi thiên tai xảy ra; biết cách huy động và gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau. Điều cần thiết mà người dân mong muốn ở đây là được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức và kiến thức của mình trong lĩnh vực phòng chống thiên tai để góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Yêu cầu nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tiếp tục được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 379/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021.

Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ; giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2% GDP; Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng PCTT; lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức, trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm "4 tại chỗ";...

Để đạt mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ, giải pháp chung thực hiện Chiến lược là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về PCTT bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực PCTT và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai;...

Về nhiệm vụ và giải pháp đối với từng vùng, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sẽ được thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán. Vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại.

Vùng Duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận), chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển;

Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tập trung phòng chống hạn hán, lũ, ngập lụt, bão. Còn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thì chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững…

Trong thời gian qua, Công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và thông tin truyền thông đã được các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nhiều tài liệu truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai phù hợp với từng đối tượng, vùng miền được xây dựng, bản tin thời tiết, thiên tai thường xuyên được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, bên cạnh đó các đài phát thanh truyền hình các cấp tại địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Để công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đạt hiểu quả cao, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng cường nguồn ngân sách tại trung ương và địa phương, tăng cường sự phối hợp chủ động của các bộ, ngành từ đó từng bước nâng cao năng lực chủ động ứng phó với thiên tai của người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng; Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho những người làm công tác PCTT; tập huấn nâng cao kiến thức cho trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ truyền thông, tuyên truyền cấp cơ sở; xây dựng kế hoạch, tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; phổ biến, tuyên truyền kịp thời tới cộng đồng để không bị lặp lại thiệt hại cho các thiên tai tương tự.

---- 

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ