Sơn La: Chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

GD&TĐ - Để chủ động ứng phó với những thiên tai xảy ra bất thường, khó dự báo, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phòng là chính…

Còn nhớ, hồi tháng 7, trong đợt mưa lớn kèm dông lốc huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) là địa phương chịu thiệt hại nặng. Sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi một người bị thiệt mạng do lũ cuốn, để lại gánh nặng cho gia đình, người thân.

Ngay khi nhận được thông tin, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã đến động viên và hỗ trợ gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Những năm gần đây, Sơn La là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Địa phương này thường xuyên xảy ra các đợt mưa đá, lũ quét, sạt lở đất đá… Đặc biệt là xuất hiện các dạng thiên tai xảy ra bất thường, khó lường với tần suất và cấp độ ngày càng gia tăng, gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng.

Với phương châm “phòng là chính”, đầu mỗi mùa mưa, tỉnh Sơn La đã bổ sung phương án, chủ động kế hoạch, lực lượng, phương tiện, vật tư, hàng hoá phục vụ công tác PCTT&TKCN. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai. Kiểm kê trang thiết bị phòng, chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn tại các ngành, địa phương, đơn vị cơ sở.

Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện phương án PCTT, theo phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các dự án di dân trong vùng thiên tai đã phê duyệt. Rà soát chỗ ở, nơi làm việc, học tập, sinh hoạt cộng đồng,... đảm bảo an toàn với các loại thiên tai.

Kiểm tra hồ, đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, hệ thống điện, thông tin truyền thông, các công trình thi công xây dựng an toàn trước và trong mùa mưa lũ. Chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác thường trực phòng tránh, đối phó với các tình huống thiên tai trong mùa mưa lũ.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên củng cố kiện toàn về nhân lực. Trong năm 2020, đã có gần 6.500 thành viên tham gia vào Ban chỉ huy các cấp. Toàn tỉnh có hơn 200 xã, phường đã thành lập “Đội xung kích Phòng, chống thiên tai” với hơn 18.200 thành viên.

Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên của Ban chỉ huy PCTT&TKCN không ngừng được nâng cao năng lực qua các đợt diễn tập. Trong năm 2020, tỉnh Sơn La đã tổ chức 19 lớp tập huấn “Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã” và lớp “Nâng cao nhận thức cộng đồng quản lý rủi ro thiên tai” cho 845 người.    

Để phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tỉnh Sơn La được bố trí hơn 60 trạm đo mưa tự động và 6 trạm đo mực nước trên các sông, suối chính. Ngoài 316 biển cảnh báo đã được lắp đặt, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tiếp tục rà soát, cắm biển báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao như: khu vực dễ bị ngập lụt, nơi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, bờ sông, suối.

Chủ động khắc phục hậu quả

Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xuất hiện 13 đợt không khí lạnh tăng cường, 3 đợt rét đậm, rét hại, 4 đợt nắng nóng, 8 đợt mưa lớn trên diện rộng và chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão.

Những năm gần đây, Sơn La là địa phương thường xuyên xảy ra các đợt lũ quét Ảnh: Sonla24
Những năm gần đây, Sơn La là địa phương thường xuyên xảy ra các đợt lũ quét Ảnh: Sonla24

Thiên tai xảy ra khiến 2 người chết, 1 người bị thương. Gần 440 ngôi nhà bị thiệt hại (trong đó 6 nhà thiệt hại hoàn toàn; 17 nhà thiệt hại từ 50% - 70%; 122 nhà thiệt hại từ 30% - 50%; 289 nhà thiệt hại một phần dưới 30%).

Thiên tai đã có những tác động mạnh đến nông nghiệp, gây thiệt hại: 82,13 ha lúa, hơn 54 ha rau màu, gần 230 ha cây ăn quả; ngập 3.500 cây bắp cải và 475 con gia súc, 335 con gia cầm.

Khoảng 2.400m mặt đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Hơn 17.000m2 mặt đường bị xói lề, bong bật. Khối lượng đất đá sụt sạt khoảng 187.555m3.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng, gây hư hỏng 76 cầu giao thông, 5 điểm trường, 3 công trình thuỷ lợi. Xói lở móng 2 cột điện; 1.836m kênh bị đứt gãy, cuốn trôi 800m ống dẫn nước phi 90.

Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 9 tháng đầu năm ước tính khoảng: 43,168 tỷ đồng.

Sẵn sàng ứng phó với thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng 10 trạm đo mưa, 2 trạm đo mực nước tự động phục vụ công tác PCTT. Chỉ đạo UBND huyện, thành phố và Ban quản lý dự án đảm bảo an toàn hồ đập và dự án thủy điện nhỏ mùa mưa lũ.

 Ban chỉ huy, tiếp tục rà soát và đề xuất danh mục các dự án di dời khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét theo hình thức tái định cư tập trung. Đề xuất UBND tỉnh phê duyệt tích hợp các hạng mục công trình bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Sọc, xã Mường Bang, huyện Phù Yên.

Đặc biệt, tỉnh Sơn La xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình: Kè phòng chống lũ, sạt lở đất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc suối Muội, huyện Thuận Châu. Phối hợp tổ chức, thực hiện diễn tập “Ứng phó bão lũ - Tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳnh Nhai’’.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy đã xây dựng kế hoạch tổ chức, thực hiện: phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025; tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2021; kiểm tra công tác PCTT trước mùa mưa lũ trên địa bàn các huyện, thành phố.

Theo ông Cầm Bun Păn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La: “Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan với tần suất cao, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân. Để hạn chế những tác động, Ban chỉ huy PCTT&TKCN luôn theo dõi và thực hiện sát sao các văn bản của Trung Ương, của tỉnh để kịp thời thực hiện, thông báo đến người dân”.

Theo ông Păn, sau mỗi mùa mưa lũ Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã thực hiện khôi phục sản suất. Triển khai các dự án khắc phục công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại. Di chuyển, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Tuy nhiên, số hộ ở khu vực xảy ra thiên tai được di dời vẫn còn hạn chế do kinh phí chưa đủ.  

“Để chuẩn bị cho mùa đông năm 2021, chúng tôi đã có kế hoạch phòng bị cho thời tiết rét đậm, rét hại, băng giá, hạn hán. Triển khai tới các hộ dân về phương pháp bảo vệ vật nuôi, cây trồng trước thời tiết khắc nghiệt, tránh gây thiệt hại về kinh tế cho bà con”, ông Păn nói thêm.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ