Giai thoại chúa Nguyễn mở đất phương Nam

GD&TĐ - Nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu vừa ra mắt cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” với những thông tin thú vị.

Cuốn sách do nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu biên soạn.
Cuốn sách do nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu biên soạn.

Trong hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam, tên tuổi các chúa Nguyễn luôn gắn liền với những quyết sách mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa và và sự khôn khéo trong cách thiết lập quan hệ bang giao.

Cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” của nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu, do NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 6/2025, là công trình góp phần tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử thông qua lăng kính kể chuyện đặc sắc.

Tác phẩm không chỉ ghi lại những dấu mốc quan trọng trong công cuộc mở mang bờ cõi phương Nam dưới thời các chúa Nguyễn, mà còn phục dựng các giai thoại lịch sử dựa trên nguồn tư liệu như các bộ chính sử, tư liệu do người nước ngoài ghi chép...

Đặc biệt, mỗi giai thoại đều được kể ngắn gọn, súc tích kèm lời bình, nhận định cô đọng sau mỗi câu chuyện, như một sự gợi mở để bạn đọc tự tìm ra những giá trị lịch sử - nhân văn gắn với bức tranh chính sử.

giai-thoai-chua-nguyen-2.jpg

Từ câu chuyện Nguyễn Hoàng xin trấn thủ đất Thuận Hóa, mở đầu cho công cuộc Nam tiến, tác giả khéo léo gắn kết lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Câu nói ngắn gọn nhưng đã định hình chiến lược mở cõi về phía Nam kéo dài suốt hai thế kỷ và cũng là gốc rễ cho bước đi đầu tiên hình thành vùng đất phương Nam.

Một trong những minh chứng tiêu biểu được tác phẩm tái hiện là cuộc hôn nhân giữa công nương Ngọc Vạn và quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II. Nhờ cuộc hôn nhân này, triều đình Đàng Trong đã thiết lập được cơ sở thu thuế tại Prey Nokor, từ đó đặt nền móng cho sự hình thành của Sài Gòn - Gia Định sau này.

Điều đáng chú ý là trong tiến trình ấy, vai trò phụ nữ không hề bị lu mờ. Nhân vật công nương Ngọc Vạn như một nhịp cầu kết nối văn hóa, chính trị giữa hai quốc gia. Không chỉ là hoàng hậu Chân Lạp, bà còn là người vận động đưa người Việt vào sinh sống, buôn bán, mở xưởng, giúp quốc vương Chân Lạp trị quốc và cầu viện triều Nguyễn khi đất nước bị xâm lược.

Cuốn sách cũng dành nhiều thời lượng để nói đến những nhân vật như Nguyễn Hữu Cảnh - người có công xác lập chủ quyền của Đại Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định; hay Mạc Cửu - người dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn.

Không chỉ là câu chuyện của triều chính, tác phẩm còn nhắc đến đời sống văn hóa - xã hội, tín ngưỡng của vùng đất mới: từ phong tục tập quán, cách ăn mặc, sự tiếp xúc với Phật giáo đến mối quan hệ giữa người Việt với các dân tộc bản địa và cả cộng đồng Hoa kiều, người Minh Hương, thương nhân phương Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Biến cố lớn

GD&TĐ - Tòa án Hiến pháp Thái Lan trưa ngày 1/7 ra quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng đối với bà Paetongtarn Shinawatra...