Trồng rừng chắn sóng: Lá chắn góp phần phòng chống thiên tai ở Thủy Nguyên

GD&TĐ - Với địa hình phần lớn là biển và sông ngòi, hàng năm, Hải Phòng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi khí hậu, bão lũ, nước biển dâng,…

Trồng rừng chắn sóng: Lá chắn góp phần phòng chống thiên tai ở Thủy Nguyên

Một trong những giải pháp hữu hiệu khắc phục những tình trạng này, giảm thiểu rủi ro mà địa phương đang thực hiện là đẩy mạnh việc trồng rừng chắn sóng.

Thiên tai tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái tại địa phương

Thành phố Hải Phòng là địa phương ven biển với trên 125km bờ biển và hệ thống sông ngòi trải dọc xung quanh với mật độ trung bình 0,6 - 0,8 km/1 km². Trong đó, có nhiều con sông lớn như: Sông Đá Bạc (còn gọi sông Bạch Đằng) dài hơn 32km; Sông Cấm dài trên 30km; Sông Văn Úc dài 35km; Sông Thái Bình; Sông Lạch Tray dài 45km;…

Với địa hình phần lớn là biển và sông ngòi, hàng năm, Hải Phòng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, đặc biệt là phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn và cả hiện tượng thuỷ triều đỏ tại một số vùng biển. Tình trạng bão lũ, nước biển dâng, ngập mặn, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt ở những vùng cửa sông, cửa biển. Tình trạng này cũng tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, làm trì trệ hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế và ảnh hưởng ngân sách do phải sử dụng kinh phí khắc phục hậu quả mà nó để lại.

Theo nhận định của các tổ chức khoa học thế giới, Hải Phòng là 1/10 thành phố trên thế giới sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng. Hiện nay, ở nhiều vùng ven biển như Đồ Sơn, Cát Hải đều có hiện tượng biển xâm thực nuốt bãi, lưỡi mặn ngập lên thượng lưu các cửa sông và độ mặn không ngừng tăng lên. Cùng với đó, các hiện tượng nhiệt độ tăng, chế độ dòng chảy, độ mặn, lượng mưa thay đổi, cộng với những hiện tượng thiên tai biển như dông, tố lốc, bão… cũng ngày càng khốc liệt và khó lường.

Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều hơn. Có thể thấy, mùa mưa bão bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn bình thường. Số lượng cơn bão xảy ra trong năm không thay đổi nhưng cường độ bão thì lớn hơn rất nhiều lần, gây thiệt hại lớn cho cả người dân và chính quyền. Điển hình như vụ lốc xoáy ở xã An Lư (huyện Thủy Nguyên), siêu bão Hải Yến (2013), siêu bão Rammasun (2014), hiện tượngnước biển dâng cao suốt 12 tiếng, độ cao sóng hơn 1m tại Đồ Sơnsau khi bão số 3 (năm 2014) đổ bộ…

Để chủ động ứng phó và thích nghi với khí hậu biến đổi cực đoan, giảm thiểu thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra, thành phố Hải Phòng đã ban hành các kế hoạch và chỉ đạo các địa phương, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Hải Phòng cũng là 1 trong 5 thành phố tham gia chiến dịch xây dựng thành phố an toàn trước thiên tai với việc thực hiện có hiệu quả các cam kết để giảm nhẹ rủi ro. Trong đó, thành phố đã chú trọng phát triển trồng rừng chắn sóng thông qua các chương trình trồng rừng quốc gia và các chương trình trồng rừng ngập mặn do các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Ước tính, mỗi năm, thành phố đã trồng mới được hàng trăm hecta rừng ngập mặn. Từ năm 1992 đến nay, toàn thành phố đã trồng được hơn 2.000ha rừng chắn sóng tại các quận, huyện Cát Hải, Tiên Lãng, Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy.

Trồng rừng chắn sóng góp phần giảm nhẹ thiên tai

Việc phát triển hệ thống rừng chắn sóng, rừng ngập mặn sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tạo cảnh quan môi trường, cân bằng sinh thái, giảm sóng, giữ đất, cố định lượng phù sa. Không chỉ vậy, rừng chắn sóng, rừng ngập mặn còn là lá chắn xanh bảo vệ đê biển, đồng thời giảm chi phí đầu tư cho các công trình đê điều.

Trồng rừng chắn sóng ở huyện Thủy Nguyên góp phần giảm nhẹ thiên tai
Trồng rừng chắn sóng ở huyện Thủy Nguyên góp phần giảm nhẹ thiên tai

Theo ông Lê Hồng Đạt, Trưởng phòng Quản lý đê - Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai thành phố, việc trồng rừng ngập mặn, rừng chắn sóng có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đê sông, đê biển, chống xói mòn, cố định phù sa, mở rộng bãi bồi… Với việc hàng nghìn hecta rừng chắn sóng được trồng mới trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua đã góp phần ngăn cản, giảm cường độ sóng biển đánh trực tiếp vào hệ thống đê điều, kè, cống khi có bão lũ, chống xói mòn, cố định phù sa, mở rộng bãi bồi... làm tiền đề cho việc quai đê lấn biển, phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Tại huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng), nơi được bao bọc xung quanh là những con sống lớn như sông Bạch Đằng, sông Cấm dòng chảy nối trực tiếp ra biển. Người dân sinh sống, làm nghề mưu sinh tại khu vực cửa sông, cửa biển cũng rất đông, trong đó có 2 xã biên giới biển là Lập Lễ và Phả Lễ. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, bão lũ, nước biển dâng diễn biến phức tạp, hàng năm, người dân ở đây cũng chịu ảnh hưởng rất lớn, gây thiệt hại đến kinh tế, khó khăn đến đời sống của họ.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNN huyện Thủy Nguyên, địa phương có hơn 1114ha rừng nằm trong quy hoạch. Huyện có 5 xã có rừng ngập mặn gồm Gia Đức, Lập Lễ, Phả Lễ, Phục Lễ và Tam Hưng với diện tích hơn 209ha, còn lại 19 xã có rừng phòng hộ đa phần là đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn được trồng các cây như Bần Chua, đây là loài cây dễ sống có thể chịu mặn rất tốt và có tác dụng chắn sóng, mộc sinh,.. Diện tích rừng phòng hộ mộc sinh đồi núi được trồng các cây như keo, thông, bạch đàn,... là những cây có thể phát triển được trên đất càn cỗi.

Đại diện UBND huyện cho biết, việc phát triển rừng có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tăng độ tán che phủ, đảm bảo chức năng phòng hộ, chắn gió, chắn sóng, điều hòa khí hậu, điều tiết phù sa, bảo đảm môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ, yêu cầu cấp thiết ở bất kì giai đoạn nào. Vì vậy, trong những năm qua, địa phương đã chú trọng đến việc trồng và bảo vệ rừng, trong đó có rừng ngập mặn, rừng chắn sóng nằm trong diện tích rừng quy hoạch được giao. Địa phương cũng rất tích cực phối hợp với các đơn vị triển khai, thực hiện các dự án trồng rừng trên địa bàn.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.