Linh hoạt trong phòng chống thiên tai: Cách làm hiệu quả của Quảng Ninh

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng vùng lá chắn tự nhiên; Đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, xây mới nhiều công trình đảm bảo ứng phó mùa mưa bão cận kề… là những gì Quảng Ninh đang triển khai để phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đê điều và công trình thuỷ lợi

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, trong đó thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Chính vì thế, trong những năm qua Quảng Ninh luôn xác định nâng cao năng lực phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 39-CT/TU ngày 4/6/2020 về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tỉnh còn phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và phương án bảo vệ các vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, tổ chức rà soát, cập nhật xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro của thiên tai...

Theo đó, công tác phòng chống thiên tai được tổ chức toàn diện hơn đối với tất cả các loại hình thiên tai và được triển khai theo 3 bước cơ bản (phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả); từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trên cơ sở đó, tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, tập trung và theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với hồ đập, đê điều, Quảng Ninh chỉ đạo các công ty thủy lợi rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương để phân loại, đánh giá xây dựng kế hoạch, sửa chữa các hạng mục công trình xung yếu; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Trên cơ sở đó lập danh mục những hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, tham mưu cho tỉnh có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình và người dân.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa khi có thiên tai xảy ra. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh kiên cố hóa trên 248km kênh mương, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên đến gần 1.890km; trong đó, hệ thống kênh chính và kênh cấp I của các công trình cơ bản đã được kiên cố hóa. Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 290 công trình kênh mương được xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình được đánh giá hiện trạng công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ.

Quảng Ninh còn phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn, gồm: Vùng đê Hà Nam (TX Quảng Yên); dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy (TX Đông Triều); vùng hồ chứa nước Yên Lập, để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiên phương án ngay trước mùa mưa bão. Toàn tỉnh hiện có 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền neo đậu tránh trú với diện tích khoảng 16,1km2.

Đê Quan Lạn đã được nâng cấp để phòng chống thiên tai, ngăn xâm nhập mặn, tránh bão, gió cấp 9 trở xuống.

Đê Quan Lạn đã được nâng cấp để phòng chống thiên tai, ngăn xâm nhập mặn, tránh bão, gió cấp 9 trở xuống.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh còn tập trung sửa chữa nâng cấp gần 97km đê, 35,85km kênh, 162 cống tiêu dưới đê, trong đó có các tuyến đê quan trọng, như: Đê Hà Nam và đê Yên Giang (TX Quảng Yên), đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn); xây mới, nâng cấp sửa chữa 84 hồ chứa nước; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 22 trạm bơm tiêu...

Hệ thống công trình thủy lợi cũng được nâng cao, phần nào đáp ứng công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Chủ động bảo vệ và phát triển “lá chắn tự nhiên”

Để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, Quảng Ninh còn tích cực trồng và bảo vệ rừng; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Trung ương. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nói chung và rừng ngập mặn nói riêng, như: Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thông báo số 998-TB/TU (ngày 8/8/2018) của Thường trực Tỉnh ủy về công tác quản lý bãi triều và rừng ngập mặn; Quyết định số 199/QĐ-UBND (ngày 23/1/2018) của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Đây cũng là căn cứ để các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có hơn 36.000ha đất bãi ngập mặn, trong đó, diện tích có rừng ngập mặn trên 22.000ha, phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn... Riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh cũng đã trồng mới được hơn 4.000ha rừng ngập mặn (chiếm hơn 70% diện tích bãi bồi có khả năng trồng rừng ngập mặn trên địa bàn).

Quảng Ninh đã xây dựng các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn thành “lá chắn tự nhiên”, thành trì vững chắc bảo vệ đê điều, đầm ao thủy sản, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo thống kê, Quảng Ninh có hơn 36.000ha đất bãi ngập mặn, trong đó, diện tích có rừng ngập mặn rừng ngập mặn trên 22.000ha, tập trung ở nhiều địa phương: TP. Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn… chủ yếu cây mắm biển, tràm có chiều cao trung bình 1m.

Nhờ bảo vệ tốt rừng ngập mặn nên hệ thống đê điều của nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh được đảm bảo an toàn hơn. Hệ thống rừng ngập mặn phát triển còn giúp môi trường sinh thái ven sông, biển phong phú các loài thủy sản sinh sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có thể khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực vận động người dân trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhờ đó, điện tích rừng các loại của Quảng Ninh tăng khá nhanh, đến nay đạt hơn 370.380ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55%, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Điều này góp phần hạn chế biến đổi khí hậu xảy ra, bảo vệ được nguồn nước ngọt trên địa bàn, hạn chế tình trạng sạt lở, xói mòn đất. Từ giữa năm 2017 đến nay, tỉnh không thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng, không khai thác, tận thu gỗ rừng tự nhiên; ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng; giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Nhờ vậy, đến nay diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ nguyên trạng với hơn 122.000ha.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đề án Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung về bảo vệ hệ sinh thái RNM đã được thông qua và xác định là một trong 15 đề án và chương trình trọng điểm sẽ được ưu tiên tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. 

-------

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.